Kiên Giang: Khai thác lợi thế biển đảo

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với tiềm năng, lợi thế về biển đảo, Kiên Giang đang có bước chuyển mình mạnh mẽ.
Kiên Giang: Khai thác lợi thế biển đảo
Ảnh minh họa

                                         Xem Video: Sức sống mới cho du lịch biển đảo Kiên Giang
                                           

Phát huy lợi thế biển đảo

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng biển rộng hơn 63.000km² cùng bờ biển dài khoảng 200km và 143 đảo nổi, Kiên Giang hoạch định chiến lược phát triển kinh tế biển là một trong những trụ cột quan trọng, tạo được sự đột phá sau hơn 10 năm thực hiện.

Biển, hải đảo đã và đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nơi đây

Đến nay, kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện, chiếm gần 80% GRDP của tỉnh. Với các tiềm năng, lợi thế về biển đảo khai thác hiệu quả giúp cho quy mô nền kinh tế của Kiên Giang đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, những năm gần đây, kinh tế biển đóng góp gần 80% GRDP của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 18%/năm.

Đáng chú ý, biển, hải đảo đã và đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng ngành du lịch Kiên Giang. Có thể kể đến như: Đảo ngọc Phú Quốc, quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương)... Ngoài ra, Kiên Giang còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế biển khác đang được quy hoạch, đầu tư khai thác, phát triển.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế kinh tế biển như: Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ, vận tải biển, du lịch biển… góp phần cùng cả nước thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".

Tạo bước đột phá

Nằm ở cực Nam của Tổ quốc, Kiên Giang có đường biên giới giáp ranh với Campuchia, Thái Lan và đang trở thành cửa ngõ quan trọng đối với thị trường ASEAN; đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ. Đặc biệt, với những thành tựu đạt được trong giai đoạn 2015 -2020, Kiên Giang có nhiều lợi thế trở thành cực tăng trưởng mới Vùng KTTĐ ĐBSCL và của cả nước.

Trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ gần đây về các vùng KTTĐ, Thủ tướng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, các địa phương trong vùng KTTĐ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Thủ tướng lưu ý, vùng KTTĐ ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng trình độ phát triển chưa cao, cần phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp chế biến.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời để duy trì phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thời gian tới, Kiên Giang tập trung khai thác thế mạnh kinh tế biển, du lịch và công nghiệp. Mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 là tập trung đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, tạo tiền đề để Kiên Giang sớm trở thành tỉnh mạnh về biển.

Để đạt được mục tiêu, Kiên Giang xác định 3 khâu đột phá, gồm: Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phát triển.

Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi. Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển mới nổi như: Năng lượng tái tạo, khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải, dịch vụ, sản phẩm biển công nghệ cao, các ngành kinh tế biển khác...

Về lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải, phát triển các cảng trọng điểm tại Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải. Đồng thời, phát triển đội tàu vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vận tải quốc gia, phát triển thêm các tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo phục vụ hoạt động du lịch, nghiên cứu phát triển tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật