Rét tê tái, dân vẫn dầm mình trong nước để vớt “lộc trời”, 1 đêm làm bằng cả năm trồng lúa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cái rét cắt da cắt thịt, hàng chục người dân vẫn dầm mình dưới ruộng nước cả ngày lẫn đêm để vớt rươi. Có ngày trúng đậm, một hộ gia đình có thể thu cả chục triệu đồng.
Rét tê tái, dân vẫn dầm mình trong nước để vớt “lộc trời”, 1 đêm làm bằng cả năm trồng lúa
Ảnh minh họa

Xem Video: cận cảnh người dân dầm mình dưới ruộng nước trong cái giá rét tê tái 10 độ để vớt lộc trời

Cánh đồng toàn lau lác nằm phía trong đê sông Lam thu‌ộc đị‌a bàn thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 3 tháng nay luôn có hàng chục người dân túc trực phía dưới để săn rươi.

Rươi được mọi người gọi là “rồng đất” và còn xem là lộc trời. Rươi sống dưới lớp bùn lầy trong ruộng khu vực gần sông. Để thu hoạch được rươi, người dân thường rào quanh ruộng của mình bằng lưới, đào lạch để dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng.

Mùa rươi chỉ có 3 tháng cuối năm. Mỗi tháng chỉ có khoảng 4 ngày rươi nổi nhiều gồm giữa và đầu tháng. Bởi vậy, chớp thời cơ, các hộ dân huy động tổng lực cả gia đình ra đồng vớt rươi.

Rươi thường nổi từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau nhưng không biết chính xác thời gian rươi nổi. Nên muốn bắt được rươi, người dân phải canh gác, túc trực từ đêm. Mỗi khi thấy rươi nổi, cả gia đình lại ào xuống ruộng tranh thủ vớt được càng nhiều càng tốt. Nếu không nhanh, rươi sẽ lặn xuống đất hoặc đi mất.

Việc bắt rươi dù đơn giản nhưng người dân luôn phải lội dưới nước từ việc đắp thành bờ, tạo rãnh rồi giăng lưới và cuối cùng là lội theo ruộng để vớt rươi. Công cụ vớt rươi rất đơn giản, chỉ là 1 chiếc vợt gắn tấm lưới dày và cái rá, cái chậu là có thể đi vớt rươi được.

Rươi nổi lên, người dân tranh thủ vớt càng nhanh càng tốt. Việc vớt cũng phải nhẹ nhàng nếu không rươi sẽ nát hoặc xúc quá mạnh thì khó bắt được nhiều.

Do không biết được rươi nổi lúc nào nên người dân luôn phải lội dưới ruộng để canh. Cứ thấy rươi nổi lên là lại dùng vợt xúc từng con.

Anh Nguyễn Văn Thành (40 tuổi, trú xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, anh cùng gia đình đi khoảng 7km lên cánh đồng thị trấn Xuân An để vớt rươi. Từ đêm hôm trước đến sáng hôm sau, anh cùng mọi người vớt được khoảng 2kg. Do thời điểm này cuối vụ nên rươi hiếm.

Hiện tại ở Nghệ An, Hà Tĩnh trời đang rất lạnh, đêm đến nhiệt độ có thể xuống 10 độ C. Tuy vậy, người dân vẫn dầm mình dưới ruộng cả ngày lẫn đêm để vớt lộc trời.

Những ngày đầu vụ rươi, mỗi đêm các gia đình có thể vớt được khoảng 20kg-25kg. Trung bình mỗi kg bán được 400 nghìn đồng. Đêm nào trúng rươi có thể giá trị bằng cả năm trồng lúa của người dân.

Từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, ông Trần Văn Phúc (SN 1975, trú thị trấn Xuân An) luôn đội chiếc đèn pin trên đầu và đứng trên bờ hướng ánh mắt xuống ruộng nước. Khi thấy rươi lên, cả nhà lại ào xuống vớt.

Hôm nay gia đình anh Phúc vớt được khoảng hơn 2kg rươi. Anh Phúc cho biết, số rươi này sẽ được bán đi, số ít còn lại sẽ để gia đình ăn. Vì món rươi rất ngon, bổ dưỡng và giàu chất dinh dưỡng.

Những con rươi này có thể dùng chế biến rất nhiều món ngon và bổ dưỡng như: muối ruốc rươi để làm món chấm với thịt, rau; làm chả rươi, rán cùng trứng...

Bình thường, khi người dân vớt rươi lên khỏi bờ sẽ có các thương lái, khách hàng đến hỏi mua ngay tại ruộng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật