Ấn tượng sản xuất nông nghiệp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực làm cho nhiều ngành kinh tế của Hải Dương điêu đứng thì nông nghiệp là điểm sáng nổi bật với những kết quả ấn tượng.
Ấn tượng sản xuất nông nghiệp
Công ty TNHH Rau củ quả an toàn Thanh Hà liên kết với nông dân để có sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn cung ứng cho các siêu thị lớn

Điểm tựa trong đại dịch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm trước và tăng 2,3% so với kế hoạch năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, đánh dấu sự phát triển ổn định của nông nghiệp. Nếu như những năm trước, các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp phải bù trừ cho nhau thì năm 2020, nông nghiệp Hải Dương phát triển toàn diện, là bệ đỡ của nền kinh tế trước đại dịch.

Mặc dù thời tiết có nhiều bất thuận song trồng trọt vẫn tiếp tục khẳng định vị thế  bằng những con số ấn tượng. Giá trị sản xuất vụ đông xuân (theo giá thực tế) đạt 4.012,5 tỷ đồng, tăng 478,5 tỷ đồng so với  năm trước, bình quân đạt 188,3 triệu đồng/ha, tăng 23,1 triệu đồng/ha. Đây là vụ đông xuân được mùa, được giá nhất trong 5 năm qua. 2020 cũng là năm sản xuất lúa gạo trong tỉnh thắng lớn ở cả vụ chiêm xuân và vụ mùa. Năng suất lúa bình quân cả tỉnh đạt 60,6 tạ/ha, tăng 1,18 tạ/ha so với năm trước. Điểm nhấn nổi bật trong lĩnh vực trồng trọt là sản xuất và tiêu thụ vải quả. Đặc trưng thời tiết năm 2020 là nền nhiệt cao, các đợt rét đậm, rét hại không kéo dài, mưa ít, không phù hợp với cây vải. Dù vậy, với trình độ thâm canh cao của người dân cùng sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả vẫn ở mức cao. Sản lượng vải của tỉnh đạt 42.500 tấn, tăng 1,75 lần so với vụ trước. Trái với dự đoán ban đầu là tiêu thụ vải khó khăn do tác động của dịch bệnh, quả vải năm 2020 tiêu thụ thuận lợi. Với giá bán bình quân toàn vụ là 30.000 đồng/kg, giá trị sản xuất vải đạt 1.290 tỷ đồng, tăng gần 570 tỷ đồng so với năm 2019. 

Lĩnh vực chăn nuôi cũng dần phục hồi sau "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi. Hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt 200.000 con, tăng 33,9% so với cuối năm 2019. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh do nhu cầu của thị trường và điều kiện thực tế khi chăn nuôi lợn chưa thực sự ổn định. Tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt gần 15 triệu con, tăng 16,7%. Đàn trâu bò được duy trì ổn định với tổng số hơn 24.000 con. Giá bán gia súc, gia cầm ở mức cao, người nuôi có lãi.

Phát triển thủy sản cũng tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 11.870 ha, sản lượng ước đạt 42.100 tấn, tăng 5% so với kế hoạch năm. Toàn tỉnh hiện có 6.250 lồng nuôi cá trên sông với thể tích 750.000 m3. Sản lượng cá giống ước đạt 1,33 tỷ con, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng cho diện tích nuôi thủy sản của tỉnh.

Năm 2020 đánh dấu thắng lợi lớn của ngành nông nghiệp trong sản xuất lúa hàng hóa

Nhiều đột phá trong sản xuất, tiêu thụ

Không chỉ đạt những con số ấn tượng về năng suất, sản lượng mà sản xuất nông nghiệp năm 2020 của Hải Dương còn mang đậm dấu ấn của một nền nông nghiệp hiện đại. Đó là chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm; quan tâm xây dựng liên kết chuỗi, hướng tới giá trị là mục tiêu sản xuất để ngành phát triển ổn định, lâu dài.

2020 là năm nông sản được mùa nhưng lại không xảy ra tình trạng ế thừa, ép giá. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là cây vụ đông, lúa gạo, vải quả… đều được tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có gần 1.282 ha rau màu, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP, gần 10.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Tỉnh cũng xây dựng được 23 vùng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế với diện tích 220 ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được quan tâm đầu tư với gần 30 ha sản xuất trong nhà màng, nhà lưới và hơn 500 ha sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Trong chăn nuôi, người dân chủ động phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, chú trọng sản xuất sạch, an toàn. Hiện toàn tỉnh có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất công nghệ cao, 122 cơ sở được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Trên nền tảng sản xuất sạch, cùng sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, nông dân thực hiện các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn trách nhiệm, quyền lợi của người sản xuất với người tiêu dùng. Từ đó nâng cao vị thế, giá trị của sản phẩm với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại khác.

Sản xuất sạch là cơ sở để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Sản xuất theo đơn đặt hàng sẽ tránh được vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá đã tồn tại lâu nay. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 40 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Liên kết chuỗi cũng là bước đệm để nông sản của tỉnh hướng tới mục tiêu cao hơn là xuất khẩu. Năm 2020 còn đánh dấu thắng lợi của nông nghiệp Hải Dương khi xuất khẩu thành công vải, nhãn theo đường chính ngạch sang một số thị trường khó tính.

Năm 2020 khép lại với những gam màu sáng trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả này sẽ là nền tảng để nông nghiệp của tỉnh có những bứt phá trong thời gian tới. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật