Cận cảnh hồ nước rác Nam Sơn tung bọt trắng xóa khi xử lý mùi hôi thối bằng công nghệ Nhật Bản

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo đại diện Urenco 8, hồ chứa nước rác tại khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đang được thí điểm xử lý mùi hôi thối. Người dân mong chờ một kết quả khả quan, giảm bớt sự ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống sinh hoạt.
Cận cảnh hồ nước rác Nam Sơn tung bọt trắng xóa khi xử lý mùi hôi thối bằng công nghệ Nhật Bản
Bọt khí nano phun ra trắng mặt hồ chứa nước rỉ rác như “Tuyết rơi giữa mùa đông” tại bãi rác Nam Sơn

Ngày 31/12, thông tin nhanh tới PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Nam Sơn (Urenco 8) cho biết, Urenco phối hợp với các đơn vị liên quan vừa tiến hành lắp đặt thiết bị xử lý ô nhiễm, xử lý mùi hôi thối tại khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Theo đại diện lãnh đạo Urenco 8, hồ chứa nước rác H4 (hồ chứa nước rác) có độ sâu khoảng 6m, trước mắt, hồ H4 trong khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được thí điểm xử lý bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

"Do mới lắp đặt được vài ngày nên nên kết quả như thế nào thì vẫn phải chờ đợi. Tuy nhiên, nếu hồ chứa nước rác được xử lý và giảm được mùi hôi thối là điều người dân trong khu vực mong chờ. Đứng ở góc độ người dân, tôi cũng mong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được cải thiện tình trạng ô nhiễm", đại diện lãnh đạo Urenco 8 cho hay.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Urenco 8, đơn vị phối hợp và vận hành các thiết bị xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản là Công ty CP Tập đoàn môi trường Việt Nhật (viết tắt là JVE).

Cận cảnh bọt khí nano trắng mặt hồ chứa nước rác.

Về góc độ kỹ thuật, trao đổi với PV, một cán bộ của JVE cho biết: "Do hồ chứa nước rỉ rác có độ sâu khoảng 6m nên bắt buộc phải dùng phao nổi để đặt máy sục khí nano. Với những điểm nước nông hơn hoặc sâu bình thường như sông Tô Lịch, Hồ Tây thì thiết bị sục khí nano sẽ đặt chìm dưới đáy nước.

Tuy nhiên, không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được trong nước và dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên".

Máy nano được đặt xuống hồ chứa nước rỉ rác (hồ H4).

"Máy sục khí thông thường sẽ chỉ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước rồi vỡ ra. Do vậy, bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và ở dưới đáy được nên không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi thôi hối trong nước rỉ rác.

Trong khi nếu sục khí nano Nhật Bản sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro (đường kính <50μm) bọt khí nano (đường kính <50nm) sẽ lặn vào trong nước và xuống tầng đáy. Thời gian lặn 1 lần của bọt khí nano khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng, tức thời gian lặn vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần. Do vậy, trong thời gian ngắn, mùi hôi thối được xử lý, các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4… ở tầng đáy được sục và phân hủy", một cán bộ kỹ thuật của JVE cho hay.

Thiết bị Công nghệ sục khí Nano, Nhật Bản tại khu thí điểm xử lý trong bãi rác Nam Sơn trước khi được đặt xuống hồ nước rác H4.

Đơn vị đánh giá độc lập là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ TN&MT) đã tiến hành đo mùi trước xử lý (Giá trị đo được là 999 vượt cả ngưỡng thiết bị đo).

Về kết quả thí điểm, đại diện lãnh đạo Công ty JVE thông tin, đoàn đánh giá của các Sở, ban, ngành, đại diện UBND, người dân 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn) cùng đơn vị đánh giá độc lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá kết quả thí điểm này. Dự kiến kết quả sẽ được công bố trong trong tháng 1/2021.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật