Lý do Bộ GTVT không thu phí tự động tại một số trạm BOT

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến ngày 31-12-2020, Bộ GTVT đưa vào vận hành hệ thống ETC đối với 65 trạm BOT do đơn vị này quản lý, đáp ứng tiến độ Thủ tướng giao.
Lý do Bộ GTVT không thu phí tự động tại một số trạm BOT
Trong năm 2021, các dự án BOT phải tiếp tục lắp đặt hệ thống ETC ở các làn còn lại. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Trước kiến nghị không triển khai thu phí điện tử không dừng (thu phí tự động - pv) tại một số dự án BOT, Thủ tướng vừa giao cho Bộ GTVT quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với một số dự án đặc thù này. Như vậy, đến nay việc triển khai thu phí không dừng cơ bản hoàn thành, đáp ứng tiến độ”. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định như vậy khi trao đổi với PV về công tác triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC).

Vì sao không triển khai ETC tại 8 trạm?

Theo Bộ GTVT, dự án thu phí tự động có hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (BOO1) có tổng số 44 trạm. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí. Còn bốn trạm trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - doanh nghiệp nhà nước) quản lý chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm nên Thủ tướng đồng ý tách ra khỏi giai đoạn 1. Hiện VEC vẫn chưa có phương án triển khai.

Giai đoạn 2 (BOO2) đã hoàn thành 25/33 trạm. Còn tám trạm Bộ GTVT đề xuất không triển khai hoặc lùi thời gian. Vì các trạm này sắp hết thời gian thu phí hoặc doanh thu quá thấp (chỉ ở mức 15%-30% so với phương án tài chính) nên các nhà đầu tư có văn bản kiến nghị.

Cụ thể, ba trạm trên quốc lộ 51 do thời gian thu phí còn khoảng một năm nên không lắp đặt ETC; chưa triển khai ETC tại ba trạm thu phí có doanh thu quá thấp là trạm Km 1.747 đường Hồ Chí Minh, trạm thu phí cầu Mỹ Lợi, trạm thu phí cầu Thái Hà; hai trạm thu phí bị người dân phản đối phải dừng thu phí là trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ).

Đối với 50 trạm do 16 địa phương quản lý, khai thác, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị không thực hiện ETC tại bốn trạm trên đường nội tỉnh chủ yếu thu phí xe máy. Trong 46 trạm thu phí còn lại, 33 trạm đã lắp đặt xong hệ thống ETC, bảy trạm đang triển khai và sáu trạm thuộc các dự án đang xây dựng, chưa tổ chức thu phí.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, với việc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn Công nghệ viễn thông Quân đội - Viettel) đưa vào triển khai hệ thống ETC tại 35 trạm BOT giai đoạn 2 vào ngày 29-12-2020 và việc Thủ tướng giao cho Bộ GTVT quyết định các trạm thu phí còn lại, có thể khẳng định việc triển khai ETC ở các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý cơ bản hoàn thành. số trạm đã đưa vào vận hành là 65 trạm (chưa tính các trạm do địa phương quản lý - PV).

Đồng bộ hệ thống giúp người dân thuận tiện thanh toán

Đánh giá về BOO2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam đang thực hiện rất tốt. Hiện đơn vị này đã dán thẻ ePass cho các xe. Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với Ngân hàng số ViettelPay.

Tuy nhiên, đối với dự án giai đoạn 1, do Công ty VETC cung cấp dịch vụ, bộ trưởng đánh giá còn hạn chế bởi tài khoản giao thông mới liên kết được 5-6 ngân hàng. “Nên chúng tôi đã yêu cầu BOO1 và BOO2 phải liên kết với nhau, cạnh đó là việc đồng bộ trong nộp tiền và chi trả phí khi xe qua trạm. Không thể để bất cập khi một dự án chỉ liên kết với vài ngân hàng, dự án khác đã liên kết tới 40 ngân hàng. Nên tới đây các nhà cung cấp dịch vụ phải liên kết và đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho người dân…” - bộ trưởng nói.

Trong năm 2021, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo mở rộng lắp đặt ETC tại các trạm thu phí còn lại theo Quyết định 19/2020 của Thủ tướng về thu phí không dừng. Cạnh đó tuyên truyền người dân dán thẻ thu phí không dừng: “Bởi đây là hình thức thông minh giúp người dân di chuyển nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí…” - ông Thể nói.•

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật