Tiêu chưa chịu đậu trái, dân trồng có mất tết?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giáp tết Tân Sửu 2021, nông dân trồng tiêu Bình Phước chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới. Thế nhưng, nỗi lo âu lại tái hiện bởi tình trạng mất mùa đang hiện hữu…
Tiêu chưa chịu đậu trái, dân trồng có mất tết?
Chị Phùng Thị Phượng rầu rĩ bên vườn tiêu chỉ toàn cành với lá của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Xem Video: Nhà vườn điêu đứng vì hồ tiêu rớt giá liên tục

Bình Phước được xem là thủ phủ hồ tiêu của cả nước. Khác với không khí mọi năm, thời điểm này, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã bước vào vụ mùa mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, quá trình ra hoa, đậu trái trên cây hồ tiêu diễn ra không thuận lợi, nguy cơ thất thu cả về năng suất, sản lượng dần hiện ra trước mắt. Bà con đang phải vật lộn giữa lo toan bộn bề, nhất là thời điểm tết Nguyên đán đang cận kề.

Thu không bù nổi chi

Ghi nhận vào thời điểm tháng 12/2020 của PV NNVN tại các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho thấy, hầu hết các vườn tiêu đều có điểm chung là tỷ lệ đậu trái rất thấp so với mọi năm. Nhiều hộ nông dân đang lo sốt vó, bất chấp giá thu mua hồ tiêu có xu hướng phục hồi.

Nổi tiếng có vườn tiêu đẹp nhất tại huyện Bù Đốp, gia đình chị Phùng Thị Phượng ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước có hơn 3.000 trụ tiêu 6 năm tuổi đang vào thời kỳ cho năng suất ổn định. Theo chị Phượng, dự định năm năng suất sẽ đạt trên 5 tấn. Thế  nhưng, hiện chỉ 1/3 diện tích vườn tiêu của gia đình bà cho trái nhưng rất ít, nhiều trụ chỉ lác đác vài chùm. “Vườn tiêu của nhà tôi năm nay phát triển khá tốt, không sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, vào giai đoạn ra hoa kết trái thì cây tiêu lại xảy ra hiện tượng rụng hoa hàng loạt, đậu trái thấp. Dù gia đình đã tuân thủ đầy đủ nguyên tắc bón phân và phun các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn không giữ được trái trên cây”.

Chị Phượng cho biết thêm, nếu như năm ngoái giá hồ tiêu chỉ dao động từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg thì hiện nay giá tiêu đạt 53.000 đến 60.000 đồng/kg. Bà con tại địa phương chưa kịp vui mừng phấn khởi thì điệp khúc “được giá mất mùa” lại diễn ra khiến nhiều gia đình vốn đã suy kiệt bởi cây tiêu nay còn bế tắc hơn. “Trung bình để duy trì được 1.000 trụ tiêu, mỗi người trồng tiêu phải tiêu tốn ít nhất gần 10 triệu đồng cho mọi chí phí sản xuất, từ phân tro đến công cán, chưa kể nhân công thu hoạch. Nếu như năm ngoái, những gia đình thực hiện phương châm “lấy công làm lời” thì còn dư dả chút đỉnh để ăn tết, nhưng năm nay nếu có thu được thì sản lượng không bù nổi tiền để thuê công hái, đừng nới tới chuyện có lời”, chị Phượng rầu rĩ nói.

Chị Phan Thị Như vẫn chăm chỉ chăm sóc vườn, mong kéo giảm thiệt hại do tiêu mất mùa. Ảnh: Trần Trung.

Không khá gì hơn, gia đình chị Phan Thị Như ở ấp 3, xã Thanh Hòa cũng gặp trường hợp tương tự. Mặc dù, nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Thế nhưng, đến thời điểm này, ẩn sau vẻ bề ngoài xanh ngắt, tràn đầy nhựa sống, vườn tiêu của gia đình chị cũng rất ít trái, dự báo mất tới 90% khiến gia đình chị đối mặt nhiều khó khăn. “Tôi đã thực hiện việc chăm bón đúng theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp nhưng không hiểu vì sao tỷ lệ đậu hoa năm nay lại rất kém. Là cây trồng chủ lực của gia đình, nên bằng mọi cách tôi vẫn cố giữ lấy vườn tiêu”, chị Như bộc bạch.

Không chỉ ở Bù Đốp mà nhiều vườn tiêu các huyện khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng xuất hiện tình trạng nêu trên. Các nhà vườn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến tiêu không ra hoa hoặc hoa rụng hàng loạt. Trong đó, khả năng cao nhất là do biến đổi khí hậu dẫn đến việc phân hóa mầm hoa thấp, tỷ lệ đậu quả không cao.

Bà Nguyễn Thị Đào bên vườn tiêu bị mất mùa của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Với gần 20 năm chuyên canh tác cây hồ tiêu, gia đình bà Nguyễn Thị Đào ở ấp Tân Lợi, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho biết, tiêu năm nay mất mùa là do niên vụ 2019-2020 tại hầu hết các vườn tiêu trong khu vực đều thu hoạch chậm vì thiếu nhân công dẫn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây tiêu gặp bất lợi, cây không đủ thời gian phục hồi để phân hóa mầm hoa.

Mặt khác, chưa có năm nào thời tiết lại diễn ra bất lợi như năm nay, sau vài cơn mưa đầu mùa là nắng hạn kéo dài, bao nhiêu phân tro, diêm, trấu bón cho cây tiêu đều bị cuốn theo hơi nóng. “Nếu như trước đây bà con tận dụng nguồn nước ngầm phục vụ tưới tắm để khắc phục thiên tai, thì nay hầu như toàn bộ mạch nước ngầm trong khu vực đều cạn kiệt. Từ đó, cây vừa thiếu nước vừa không đủ chất dinh dưỡng để nuôi hoa, kết trái”, bà Đào phân tích.

Cần nhiều giải pháp giúp nông dân

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, cuối tháng 8 là giai đoạn cuối kỳ ra hoa, đậu trái của cây tiêu. Ở giai đoạn này, muốn cây tiêu ra hoa đồng loạt thì yếu tố đầu tiên là sự thuận lợi về thời tiết. Cây tiêu không ưa hạn, cũng không ưa mưa lớn kéo dài, nó cần một thời gian khô nhất định. Vì vậy, nếu gặp hạn hán lâu hoặc mưa lớn kéo dài sẽ khiến quá trình ra hoa bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, việc bón phân cũng rất quan trọng và cần phải khoa học. Nông dân nên chọn loại phân bón có hàm lượng đạm vừa phải để tăng cường cho quá trình ra hoa tốt hơn, kết hợp với kỹ thuật canh tác tốt giúp vườn tiêu phát triển đồng bộ. Nông dân cũng cần có kỹ thuật xử lý ra hoa dựa trên những đặc tính  hóa sinh và quy trình chăm sóc khoa học cho cây hồ tiêu, thúc cây tạo mầm hiệu quả, đánh thức mầm ngủ, kích ra hoa đồng loạt ngay trong điều kiện bất lợi. Đặc biệt, chú ý việc chăm sóc vườn tiêu ngay sau giai đoạn thu hoạch, đồng thời tiêu diệt mầm bệnh và bón phân kích cây tái sinh, sinh trưởng mạnh.

Tiêu không ra hoa đậu trái, nông dân Bình Phước lo lắng mất mùa. Ảnh: Trần Trung.

Để tháo gỡ cho bà con, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chọn những vùng đất phù hợp để canh tác cây tiêu.  Bà con có thể trồng xen canh hồ tiêu với cây trồng khác phù hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế. “Đối với những diện tích tiêu xấu cần chuyển đổi, bà con cần chọn loại cây phù hợp với vùng đất, khí hậu nhằm phát huy lợi thế của địa phương, phát huy lợi thế của vùng và quy hoạch chung”, tiến sĩ Bắc nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 14.500 ha hồ tiêu. Năm 2018, sản lượng tiêu đạt gần 27.000 tấn. Thế nhưng năm 2019 và 2020, nhiều diện tích tiêu của nông dân trong tỉnh không có trái, hoặc có nhưng năng suất chỉ đạt trên 60%, vì vậy nguy cơ giảm sản lượng là hiện hữu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật