Thổ hỏi Mỹ: Đồng minh kiểu gì vậy?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi cho Mỹ về mối quan hệ đồng minh và chỉ trích các biện pháp trừng phạt là cuộc tấn công vào chủ quyền.
Thổ hỏi Mỹ: Đồng minh kiểu gì vậy?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi cho Mỹ về mối quan hệ đồng minh

Đồng minh cũng trừng phạt!

Đầu tuần qua, Mỹ sử dụng Đạo luật Đối phó với các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), người đứng đầu cùng 3 nhân viên cơ quan này liên quan tới thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Lý do được Mỹ đưa ra từ lâu là S-400 không tương thích với thiết bị của NATO và là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của khối đồng minh.

Ngày 16/12, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích động thái của Mỹ là một "cuộc tấn công công khai" nhằm vào chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu trên truyền hình ở Ankara, Tổng thống Erdogan nói: "Đây là đồng minh kiểu gì vậy? Quyết định này là một cuộc tấn công khai nhằm vào chủ quyền của chúng tôi".

Theo ông Erdogan, các biện pháp trừng phạt nêu trên của Mỹ sẽ thất bại trong mục tiêu mà ông cho là nhằm răn đe các nỗ lực công nghiệp quốc phòng của Ankara. Ông nhấn mạnh, lệnh trừng phạt này cho thấy lập trường thù địch của Mỹ đối với đồng minh NATO của họ, song Ankara sẽ vượt qua những rắc rối mà Washington gây ra.

Trước đó, việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo máy bay phản lực tàng hình F-35 hồi tháng 7/2019 cho thấy Washington rất giận giữ với việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua tên lửa phòng không của Nga mà không mua của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng trong chương trình này và đã từng là một trong số ít quốc gia dự kiến nhận được máy bay F-35 tiên tiến thế hệ mới.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 và các biện pháp trừng phạt mới đây của Mỹ - lần đầu tiên một hình thức trừng phạt như vậy được áp dụng chống lại một nước đồng minh chủ chốt - cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ ngoại giao hiện nay giữa hai nước có nguy cơ trở thành sự chia rẽ do khác biệt về nhu cầu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Giới phân tích khu vực cho rằng khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO đến nay đã trở nên hiện hữu. Tầm nhìn chiến lược của tất cả các nước thành viên NATO đã thay đổi đáng kể kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc. Được thiết lập để kiềm chế Liên Xô trong chiến tranh Lạnh, NATO đã không ngừng tìm cách đổi mới bản thân và sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, mục đích chủ chốt ban đầu dẫn đến sự hình thành NATO là kiềm chế nước Nga đến nay vẫn không thay đổi.

Nga sẽ "rất vui" với diễn biến trong nội bộ NATO?

Mặc dù NATO có rất ít nguy cơ bị sụp đổ nhưng chắc chắn liên minh này sẽ bị giáng một đòn nặng nề nếu Thổ Nhĩ Kỳ ra đi. Đã từng có tiền lệ về việc một quốc gia tách khỏi NATO, trong đó Pháp đã rút khỏi cơ cấu chỉ huy của liên minh này vào năm 1967 song sau đó đã gia nhập trở lại vào năm 2009.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập NATO từ năm 1952, là nước đóng góp lực lượng binh sỹ lớn thứ hai trong liên minh, chỉ đứng sau Mỹ. NATO sẽ bị giáng một đòn mà khó có thể phục hồi, đặc biệt là khi nhiệm vụ trọng tâm của liên minh này hiện đã thay đổi.

Ngư ông đắc lợi

Trong một cuộc họp của các nước thành viên NATO trong năm 2019, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo: “Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra lựa chọn. Thổ Nhĩ Kỳ phải quyết định về việc có muốn tiếp tục làm đối tác chủ chốt trong một liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử, hay muốn muốn gây ra mạo hiểm đối với an ninh của NATO qua những quyết định liều lĩnh làm suy yếu liên minh của chúng ta?".

Phát biểu thẳng thừng này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ giận giữ và Phó tổng thống Fuat Oktay của nước này đã phản ứng lại bằng cách đăng trên Twitter rằng “Nước Mỹ phải lựa chọn. Nước Mỹ có muốn tiếp tục là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ hay mạo hiểm mối quan hệ tốt đẹp này bằng cách hợp lực với những kẻ khủ‌ng b‌ố để làm suy yếu khả năng phòng thủ của một nước đồng minh NATO chống lại kẻ thù của họ?".

Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 và coi là "đối thủ" để áp đặt trừng phạt

Đây cũng là thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận và sau đó thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga, qua đó thực hiện đúng như những gì Washington đã thách thức. Trang Al Jazeera nhận định rằng, hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, mặc dù đã được chứng minh khả năng chiến đấu, nhưng kém hơn rõ rệt so với S-400 của Nga - là hệ thống có thể theo dõi số mục tiêu nhiều gấp ba lần và bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách xa gấp 5 lần hệ thống Patriot của Mỹ.

Điều này có nghĩa là hệ thống S-400 có thể sử dụng để phòng thủ, nhưng cũng có thể tạo ra vùng cấm bay đối với máy bay đối phương và có thể sử dụng làm tên lửa đạn đạo tầm ngắn ở một mức độ hạn chế. Sự linh hoạt trong hoạt động của tên lửa S-400, cộng với mức giá 500 triệu USD một khẩu đội (chỉ bằng một phần giá thành của hệ thống Patriot) là điều khiến hệ thống tên lửa của Nga được ưa chuộng và cũng là lý do tại sao Ấn Độ lại mua hệ thống S-400 cho lực lượng vũ trang của mình.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phần nào kìm hãm tổ hợp công nghiệp-quân sự đang phát triển nhanh chóng của nước này. Ít nhất, hợp tác giữa các công ty quốc phòng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình trệ. Điều này có thể thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hình thành các sáng kiến hợp tác với các cường quốc quốc phòng công nghệ cao khác, ngày càng phụ thuộc ít hơn vào thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí và tăng cường sản xuất vũ khí ở trong nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan trực tiếp thăm quan một nguyên mẫu Su-57 của Nga

Trước mắt, các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng này với các máy bay thế hệ cũ của Mỹ như F-4 và F-16. Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay F-35 của Mỹ là một phần quan trọng của chiến lược này, trong đó một số bộ phận của máy bay được chế tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Do Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã bị cấm tham gia chương trình F-35, quốc gia này đang tìm cách thiết kế máy bay phản lực tiên tiến của riêng mình nhưng cần thời gian rất dài trước khi những chiếc máy bay này có thể được sản xuất và đưa vào sử dụng. Phi đội máy bay chiến đấu F-16 già cỗi, là nòng cốt của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ cần các phụ tùng thay thế nhưng giờ đây nước này sẽ không thể mua được nữa.

Các máy bay cũ hơn mặc dù đã được nâng cấp nhưng cần được bảo dưỡng nhiều hơn và phần lớn trang thiết bị của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ mua của Mỹ cũng ở trong tình trạng tương tự, bao gồm các máy bay tiếp dầu, máy bay vận tải và máy bay cảnh báo sớm.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó, Nga hiện đang có lợi bởi là quốc gia duy nhất trên thực tế có thể giúp Ankara giải quyết những thiếu hụt trong tương lai của lực lượng không quân nước này, ít nhất là cho đến khi các chương trình sản xuất máy bay chiến đấu tiên tiến ở trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ thành hiện thực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật