Đà Nẵng: Thất nghiệp nhiều nhưng DN tuyển lao động lại không ai nộp hồ sơ

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đà Nẵng đang có số lao động bị mất việc do dịch COVID cao chưa từng có. Nhưng nghịch lý là các phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp lại kiếm không ra người.
Đà Nẵng: Thất nghiệp nhiều nhưng DN tuyển lao động lại không ai nộp hồ sơ
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, chỉ riêng trong đợt dịch COVID-19 lần 2, toàn thành phố có khoảng 56.000 lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng việc làm.

Trong đó, số lao động bị ảnh hưởng tập trung nhiều và nặng nề nhất nằm ở khối ngành du lịch, dịch vụ với hơn 44.000 người bị ảnh hưởng việc làm.

Tuy nhiên, nghịch lý là thời điểm này, khi Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng đã “khởi động” lại phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tuần để kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động thì các doanh nghiệp lại tìm không ra lao động.

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng, sau thời gian hết giãn cách xã hội, Trung tâm đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm với 110 đơn vị doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 3.000 vị trí.

Trong đó, ngành nghề được tuyển nhiều gồm bán hàng, tiếp thị: 625 vị trí, may mặc: 541 vị trí, lao động phổ thông: 538 vị trí…

Mặc dù mỗi phiên giao dịch việc làm có nhu cầu tuyển dụng đến 3.000 vị trí nhưng chỉ có khoảng 150 người lao động đến tham gia tuyển dụng, tìm việc.

Nguyên nhân, theo ông Diệp, sở dĩ việc nhiều nhưng người ít là do thời điểm này, do số lao động ngoại tỉnh về quê tránh dịch chưa trở lại thành phố tìm việc.

“Người lao động về quê có thể họ tìm được việc làm ổn định nên ở lại luôn mà chưa trở lại thành phố, trong khi đó tại Đà Nẵng số lao động nhập cư chiếm 40 -50%”, ông Diệp cho hay.

Nguyên nhân nữa, cũng theo ông Diệp là tâm lý chung của lao động trẻ hiện nay, đặc biệt là sau hai trận đại dịch là không muốn gò bó về thời gian, kỷ luật lao động trong công việc.

"Nhiều người đòi hỏi cao trong khi năng lực hạn chế, vì vậy không chịu ứng tuyển làm việc lâu dài tại công ty mà chuyển qua bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ, shipper... cho thoải mái hơn", ông Diệp nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật