Đà Nẵng hỗ trợ phát triển thủy sản, hiện đại hóa nghề cá

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, TP Đà Nẵng đã có nhiều chương trình, chính sách thực hiện. Trong đó, Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND và Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND trên địa bàn đã đạt nhiều hiệu quả, góp phần phát triển ngành thuỷ sản theo định hướng của thành phố.
Đà Nẵng hỗ trợ phát triển thủy sản, hiện đại hóa nghề cá
Giá trị khai thác hải sản của ngư dân tăng theo từng năm.

Hỗ trợ hơn 112 tỷ đồng đóng mới tàu cá

Năm 2012, TP Đà Nẵng có 1.469 tàu cá, công suất bình quân 46,76cv/tàu, trong đó, tàu công suất dưới 90CV chiếm tỷ trọng lớn (88,5%), chỉ 11% tàu từ 90CV trở lên và đa số tất cả là tàu cũ sử dụng nhiều năm. Trước hiện trạng nói trên, thành phố đã ban hành Quyết định số 7068/QĐ-UBND hỗ trợ đóng mới tàu khai thác thủy sản, sau đó sửa đổi, bổ sung và thay thế bằng Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND về Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Sau hơn bảy năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thành phố đã hỗ trợ hơn 112,4 tỷ đồng cho 111 chủ tàu đóng mới 141 tàu cá. Số lượng tàu cá thực hiện đóng mới tăng dần qua từng năm, chủ yếu ở bảy họ nghề: Câu, lưới kéo, lưới rê, vây, lưới chụp, hậu cần... Đặc biệt, số lượng tàu dài từ 12m trở lên đã chiếm 73,8% (916/1.241 chiếc). Hiện nay, thông tin của tất cả tàu cá của TP Đà Nẵng đã cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tổng sản lượng khai thác hải sản mỗi năm trung bình từ 37 nghìn đến 41 nghìn tấn, với tổng giá trị từ 1.658 tỷ đồng đến gần 2.000 tỷ đồng. Giá trị khai thác hải sản tăng theo từng năm, từ hơn 33 triệu/tấn năm 2012 lên hơn 51 triệu/tấn năm 2019. Các ngư dân đã có sự quan tâm đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, thiệt bị khai thác, bảo quản sản phẩm, chuyển đổi nghề khai thác có chọn lọc qua đó góp phần nâng cao giá trị khai thác.

Ngư dân Nguyễn Thân (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) được hỗ trợ 800 triệu đồng từ ngân sách địa phương theo Quyết định 47 để đóng mới tàu cá có chiều dài 21,5m. Năm 2017, anh hạ thủy tàu ĐNa 90969 TS với công suất hơn 910CV hành nghề lưới vây. Thuyền trưởng Nguyễn Thân chia sẻ, nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời của thành phố mà ngư dân có thêm điều kiện để vay vốn, đóng mới tàu công suất lớn và vươn khơi, bám biển. Việc có thêm tàu sẽ giúp ngư dân khai thác ngư trường lớn hơn, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Thành phố cũng tổ chức nhiều mô hình tổ, đội sản xuất trên biển góp phần bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn thành phố đã thành lập 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu cá thành viên. Liên đoàn Lao động thành phố cũng thành lập bốn nghiệp đoàn nghề cá với 510 đoàn viên là chủ tàu, thuyền viên.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đã giải quyết các khó khăn của ngư dân về nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá, trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm. Tạo điều kiện phát triển đội tàu mới khai thác xa bờ, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc; tạo thuận lợi cho ngư dân phát triển kinh tế biển kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển. Cơ cấu nghề, cơ cấu tàu thuyền chuyển đổi theo hướng vươn khơi và hiện đại hóa nghề cá.

 Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm phát triển ngành thủy sản

Nâng cao năng lực khai thác xa bờ

Nhờ chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá có công suất 400CV trở lên nên hiện nay Đà Nẵng đã có đội tàu mới, công suất lớn, trang thiệt bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt. Theo định hướng phát triển ngành thủy sản của thành phố và phát triển đội tàu công suất lớn, khai thác xa bờ, hạn chế tối đa khai thác ven bờ; nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thật sau thu hoạch và căn cứ tình hình thực tế UBND đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025.

Từ năm 2019 đến nay, UBND thành phố đã hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho 489 lượt tàu cá của 429 chủ tàu. Theo đó, hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên; hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm và khai thác. Đà Nẵng có 526 tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nhận định, Quyết định 47 là một điểm sáng của thành phố, góp phần biến đổi bộ mặt nghề cá, từ nghề ven biển chủ yếu giã cào nay đã có quy mô, cơ cấu lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay các ngư dân Đà Nẵng đánh bắt hoàn toàn theo kinh nghiệm dân gian, học tập lẫn nhau. Chủ tịch hội nghề cá TP Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh mong muốn thành phố nâng mức hỗ trợ chi phí thay thế hầm bảo quản hải sản lên 70% và hỗ trợ ngư dân được chuyển giao kỹ thuật đánh bắt, công nghệ hiện đại, học tập từ các nước tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế.

Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ cũng cần được đẩy mạnh quan tâm. Để phát triển nghề cá bền vững vùng ven bờ, thành phố cần có chính sách về tháo bảng, gỡ bảng đối với tàu cá khai thác gần bờ, ko bảo đảm được vấn đề môi trường; có chính sách để chuyển đổi ngành nghề đối với những ngư dân có nhu cầu…

“Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các chích sách phát triển ngành thủy sản, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển; tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 255 để phù hợp hơn với thực tiễn, thực hiện tốt các quy định về chống đánh bắt hải sản IUU; đẩy mạnh các gói thầu, triển khai sớm để mở rộng nâng cấp cảng cá thọ quang, cải thiện về môi trường, đẩy nhanh tiến độ bốc dỡ hàng hoá…; và các sở, ngành, quận, huyện nâng cao công tác phòng chống thiên tai và các tình huống trên biển”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật