Mười năm vượt qua “cú sốc đầu đời” của giám đốc ngồi xe lăn

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đêm đông 2007, Lê Huy Tích từ TP Hòa Bình xuống trạm quản lý đường thủy đi thay ca, bất ngờ gặp xe ngược chiều rọi đèn pha vào mặt khi vừa qua dốc.
Mười năm vượt qua “cú sốc đầu đời” của giám đốc ngồi xe lăn
Ảnh: Giang Huy

Chàng trai 29 tuổi chói mắt, loạng choạng tay lái rồi ngã xuống, đập vào đá tảng bên đường, bất tỉnh. Lê Huy Tích tỉnh dậy sáng hôm sau trong bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Anh nhìn trân trân lên trần nhà, chỉ còn cựa quậy được hai cánh tay và có cảm giác từ phần ngực trở lên đầu. Phần còn lại tê liệt, đôi chân không thể cử động.

Bảy năm làm việc tại Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 9, Tích hay ngược sông Đà lên tận Mường La (Sơn La) hoặc xuôi sông về ngã ba Việt Trì (Phú Thọ) đi sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền hỏng hóc hỏng, duy trì an toàn đường thủy. Anh vừa học xong lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lấy chứng chỉ, tờ quyết định bổ nhiệm về phòng kỹ thuật của một trung tâm điều tiết phương tiện đường thủy đã nằm trên bàn. Nhưng tai nạn đóng lại tương lai cuộc đời vừa mở ra, kể cả hạnh phúc riêng.

Anh Lê Huy Tích là một trong số điển hình tiên tiến của tỉnh Hòa Bình về dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X tại Hà Nội. 

"Cuộc sống mỗi người có sinh ra, trưởng thành, an cư, lạc nghiệp và cả cống hiến cho xã hội. Mình khi ấy không còn sức lực, không còn đôi chân, không đi lại được. Không gì cả", anh Tích bây giờ nhớ về cú sốc đầu đời 13 năm trước. Người đàn ông 42 tuổi là giám đốc một công ty chuyên chế tạo đầu kéo xe lăn cho người khuyết tật. Anh mặc comple, đeo thẻ đại biểu, ngồi trên xe lăn, đại diện cho các điển hình tiên tiến của tỉnh Hòa Bình về Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X.

Tích về nhà sau một tuần nằm viện, với niềm tuyệt vọng "Việt Đức trả về, nghĩa là hết thuốc chữa". Chàng trai từng rong ruổi khắp miền sông nước, khi ấy muốn xoay trở mình phải có ít nhất ba người dìu đỡ. Vết thương hoại tử, có lúc lật người anh lên, ai nấy nhăn mũi, phải chạy vội ra khỏi phòng. Một năm rưỡi sau đó là những ngày ngược lên Tuyên Quang, đi Hải Dương chữa đông y, nam y, về viện 103 vá da. Vét sạch cả tiền để dành cưới "vái tứ phương" nhưng vô ích. Bác sĩ tư vấn cho anh sang Singgapore cấy tủy. Chi phí khoảng 450 triệu đồng, đúng bằng giá trị mảnh đất gia đình anh đang ở. "Cấy tủy xong thì một nhà bốn người ra đường", nghĩ thế, Tích từ bỏ.

Những ức chế, bi quan của người không thể vận động như vết thương đang hoại tử, chỉ chờ chọc vào là bung ra để được giải tỏa. Có những ngày, Tích nói với cha mẹ "nếu con không hợp tác, không giao tiếp, thì mọi người hãy ra ngoài..." Chỉ đến khi nghe tiếng khóc thầm của mẹ sau cánh cửa, anh mới bình tâm nghĩ lại. "Mình là người khuyết tật đang sống với những người bình thường, không thể có cuộc sống riêng. Nếu sống riêng là với những người đồng cảnh, quanh quẩn bốn bức tường. Muốn sống được như người bình thường, nhất quyết phải bước chân ra ngoài". Tích "chấp nhận mình là người khuyết tật".

Thêm bốn tháng đắp thuốc để cố định cột sống, anh mới dựng mình dậy được. Người đàn ông ngót ba chục tuổi đầu, một lần nữa tập ngồi như ngày còn là đứa bé năm tháng. Anh nhờ đồng nghiệp thiết kế cho chiếc giường nâng lên hạ xuống, có dây đai cố định, dùng để luyện tập nâng dần c‌ơ th‌ể mình lên. Ba năm tập ngồi, anh chuyển qua tập đứng, một phút, rồi hai phút...Tích thiết kế lại không gian sinh hoạt của mình, để không cần đến sự trợ giúp. Anh hạ cái bếp nấu ngang tầm xe lăn, chế ra cái cây khều đồ vật.

Xưởng sản xuất đầu kéo xe lăn, xe điện của anh Lê Huy Tích quy tụ nhiều người chung cảnh ngộ, giúp họ có việc làm. Ảnh: Quang Nguyễn

Năm 2013, Lê Huy Tích mở một tiệm sửa chữa điện thoại di động, máy tính. Mang kiến thức những ngày đi sửa chữa tàu thuyền trên sông, sang sửa chữa linh kiện điện, tivi, máy tính, Tích đọc thêm sách, học thêm tiếng Anh để làm công việc tốt hơn. "Mang thân khuyết tật nhưng không thể nghĩ là tôi chỉ làm được ở mức ấy thôi, mà phải làm sản phẩm như của người bình thường", Tích nghĩ thế.

Có người thương, tính giúp khi thấy Tích loay hoay cố nâng cái màn hình máy tính. anh gạt đi, nói "nếu bác giữ được cả đời thì giúp, còn không để cháu tự làm". Người ta tự ái, kêu "thằng này bướng". Nhưng rồi thấy anh tỉ mẩn chữa lại từng thứ đã hỏng, họ cũng không trách.

Tiệm điện thoại trước nhà, ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình khách đến ngày càng đông, tạo thu nhập đủ chi trả tiền thuốc men hàng tháng. Nhưng một lần, anh quờ tay làm nồi canh đổ ụp vào chân, phải nghỉ nửa năm để đi chữa trị vết bỏng. Đến khi quay lại làm, Tích phải nhờ người thân đi mua linh phụ kiện điện tử, nhưng không ưng ý. Anh tạm đóng cửa tiệm và quyết định phải tự chế ra chiếc xe giúp mình đi lại được.

Khi ấy, trong nước chỉ có chiếc xe máy được hoán chuyển bánh sau thành xe ba bánh cho người khuyết tật. Những người như Tích, di chuyển từ giường đến xe lăn còn khó, nói chi ngồi xe máy. Sản phẩm đầu kéo của Italy có thể lắp vào chiếc xe lăn, nhưng 67 triệu đồng là cái giá mà nhiều người khuyết tật không dám mơ tưởng. Lấy khuôn mẫu từ chiếc đầu kéo ấy cùng vận dụng kiến thức chuyên ngành cơ khí, anh tự chế ra một chiếc của riêng mình, ráp từ phụ kiện xe đạp, xe máy, thay đổi một số khớp nối phù hợp hơn với người Việt.

Anh quyết định mở xưởng sửa chữa xe điện, sản xuất xe đầu kéo. Trải qua hai lần họp gia đình, ai cũng khuyên anh "đừng cố đấm ăn xôi". Nhưng Tích không chịu, quyết vay 50 triệu đồng – khoản hỗ trợ cho người khuyết tật để mở xưởng. Người thân nhìn anh là một người cố chấp.

Năm 2017, những chiếc đầu kéo cải tiến dần hoàn thiện. Anh tự mình ráp được 8 chiếc, bán 5 triệu đồng, trong khi giá thị trường khoảng 20 triệu. Chiếc đầu kéo có khớp nối với xe lăn, có thể nâng cao hoặc hạ thấp, kéo dài hoặc thu ngắn phù hợp với độ dài cánh tay người dùng. Chiếc đầu kéo còn có thể chở một em bé ngồi trong lòng khi đi chợ, đi chơi, đưa đón con đi học.

Ba năm sau, những chiếc đầu kéo xe lăn từ xưởng của anh đã tràn ngập thị trường. Anh chế tạo thêm xe điện giao hàng cho các shop, khi cần vận chuyển chục thùng mì tôm, nước mắm.Tích lập công ty đầu năm 2020. Xưởng lắp ráp giờ có 9 người khuyết tật, hai người bình thường làm việc, thu nhập 5 triệu mỗi tháng. Họ xuất xưởng khoảng 30 - 40 xe đầu kéo khi có đơn hàng. Mỗi người thợ đến xưởng, anh đều là người trực tiếp cầm tay chỉ việc.

Tổng kết lại mười năm vật lộn để vượt qua cú sốc, ông chủ xưởng nói cuộc sống bao giờ cũng có bế tắc, vượt qua thì thành công đến. "Những gì mình làm cũng chỉ để tạo cho mình sự bình đẳng khi sống giữa những người bình thường. Suy cho cùng, đi bằng đôi chân cũng là di chuyển, ngồi xe lăn cũng là di chuyển".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật