Hạt hồng xiêm nằm trong phế quản người phụ nữ suốt 27 năm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người phụ nữ ở Vĩnh Long bị sặc hạt hồng xiêm lúc 6 tuổi nhưng gia đình bỏ qua khiến bệnh nhân ho kéo dài suốt 27 năm.
Hạt hồng xiêm nằm trong phế quản người phụ nữ suốt 27 năm
Hạt hồng xiêm được lấy ra từ phế quản nữ bệnh nhân quê Vĩnh Long. Ảnh: T.P.

Ngày 25/11, ông Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ khoa Nội hô hấp vừa thực hiện thành công ca nội soi phế quản lấy dị vật là hạt hồng xiêm cho chị T.K.V.Đ. (33 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Trưa 16/11, chị Đ. nhập viện sau 3 tháng ho kéo dài, khạc đàm và sốt. Nữ bệnh nhân cho biết đã khám và điều trị nhiều nơi nhưng không giảm, cảm thấy đau tức vùng dưới ngực phải kèm khó thở.

Theo gia đình, chị Đ. từng ăn hồng xiêm và bị sặc hạt của quả này lúc 6 tuổi. Gia đình cho rằng chị không sao nên bỏ qua. Sau đó, chị Đ. xuất hiện ho dữ dội.

27 năm qua, chị Đ. thường xuyên bị ho tái phát. Thấy bệnh ngày càng nặng thêm, chị Đ. nhờ người thân đưa vào đơn vị này.

Kết quả chụp CT ngực của bệnh nhân cho thấy giãn phế quản và viêm thùy dưới phổi phải, có hình ảnh dị vật. bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản thám sát ghi nhận niêm mạc phế quản nhiều giả mạc, có một dị vật nằm trọn lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề.

Bác sĩ dùng kềm gắp dị vật nhưng chỉ lấy được phần gai của hạt hồng xiêm. Do đó, bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề để nội soi lần 2.

Sức khỏe chị Đ. đã ổn định sau hai ngày được gắp hạt hồng xiêm ra khỏi phế quản. Ảnh: T.P.

Ngày 23/11, bệnh viện hội chẩn liên khoa và nội soi phế quản cho chị Đ. để lấy dị vật. Tiến sĩ Hà Tấn Đức cùng các đồng nghiệp đã dùng thòng lọng kéo được hạt hồng xiêm trong thời gian hơn 2 giờ.

Đến chiều 25/11, chị Đ. tỉnh, tiếp xúc tốt, hết đau tức ngực và đang được theo dõi, điều trị tại khoa Nội hô hấp.

“Do chị Đ. có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã sử dụng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo và kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị cho chị Đ.”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Bác sĩ Đặng Duy Thanh, khoa Nội hô hấp, cho biết chị Đ. là trường hợp đặc biệt khó khi nội soi vì thời gian dị vật nằm trong phế quản khá lâu, mô viêm phù nề và vị trí của dị vật rất sâu, lại nằm ngang trong lòng phế quản. Trường hợp này dễ có nguy cơ gây rách phế quản, chảy máu ồ ạt, tràn khí trung thất gây t‌ử von‌g.

Tiến sĩ Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp, cho biết dị vật đường thở là tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây t‌ử von‌g hoặc di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 4 tuổi. tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn. Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp.

Dấu hiệu lâm sàng khi có dị vật xâm nhập vào đường thở là đột ngột ho sặc sụa, khò khè, khó thở (còn gọi là hội chứng xâm nhập). Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp mắc phải. Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, khó thở. Giai đoạn trễ hơn khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.

“Khi bệnh nhân có ho kéo dài, nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, hít sặc khi ăn uống nên báo với bác sĩ để được nội soi kiểm tra tìm dị vật”, tiến sĩ Thúy nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật