Bông hồng khô - Truyện ngắn của Bùi Yên Đế

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi gặp Hạnh lần đầu trong một nhà hàng bình dân, khá đông khách tại Vũng Tàu.
Bông hồng khô - Truyện ngắn của Bùi Yên Đế
Ảnh minh họa

- Waitress!

- Dạ!

Cái giọng nhỏ nhẹ ấy cất lên ngay sau lưng, khiến tôi phải quay đầu lại: Một cô phục vụ nhỏ nhắn dễ thương trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng của nhà hàng đã đứng sẵn ở đó. Tôi hất hàm:

- Mang cho tôi menu!

- Thưa đây ạ! - Cô bé đặt bảng thực đơn xuống trước mặt tôi, tôi đẩy qua phía Tony, anh chàng kỹ sư cơ khí người Ý đi cùng:

- What will you have? (Cậu dùng gì?).

Tony lần giở bảng thực đơn rồi ngước lên nhìn tôi, xua

xua tay:

- Khoong đọc được, khoong hiểu.

Tôi đã vô ý nhường bảng thực đơn tiếng Việt cho một người ngoại quốc, mới sang Việt Nam chưa được nửa năm.

- Nhà hàng có thực đơn tiếng Anh không?

Cô phục vụ mỉm cười nhìn tôi như xin lỗi, rồi dịu dàng quay sang phía người khách ngoại quốc:

- I’m sorry, our restaurant haven’t got the English menu but I’d like to recommend our dishes in English (Xin lỗi, nhà hàng chúng tôi không có thực đơn tiếng Anh, nhưng tôi có thể giới thiệu những món ăn cho ông đây bằng tiếng Anh).

Tony gật gật đầu, còn tôi hơi bất ngờ nhưng cũng gật đầu tán thưởng thứ tiếng Anh chuẩn nhà trường của cô ấy.

Những món ăn Việt vốn cầu kỳ, đa dạng. Dân học ngoại ngữ như tôi đôi khi cũng chẳng thể giới thiệu chính xác được. Thế nhưng cô bé waitress nhỏ nhắn ấy đã gây bất ngờ cho không chỉ mình tôi mà cả Tony khi vừa lần giở bảng thực đơn vừa giới thiệu hơn một chục món ăn chính của nhà hàng với cách phát âm có chút va vấp và lối dùng văn phạm cầu kỳ học trong nhà trường.

- Good, good English! - Tony hồ hởi. Tôi lúc này mới để ý kỹ đến cô bé. Một đôi mắt nâu, to và hàng lông mày đen đậm đối ngược nhau trên khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, khá ấn tượng. Tôi tò mò:

- Em học tiếng Anh ở đâu, lâu chưa?

- Dạ! Em học trong trường sư phạm gần hai năm nhưng do em ít được thực hành nên còn chậm và ngọng nghịu lắm ạ!

Cách nói nhún nhường nhưng không có vẻ gì quỵ lụy nịnh bợ khiến tôi tự nhiên thấy quý mến và nể trọng:

- Em tên gì?

- Dạ, em tên Hạnh.

- Hạnh à, tốt lắm! Lúc nãy Hạnh đã làm phiên dịch thay cho anh thì bây giờ anh nhờ Hạnh gọi món giùm anh luôn nhé.

- Em nghĩ các anh sẽ muốn nếm thử món barbecue ăn kèm salad, khoai tây chiên.

Tôi quay sang Tony. Anh ta khoanh tròn ngón tay cái và tay trỏ lại tỏ ý “OK”!

Nhưng dù những miếng thịt heo xắt vuông, ướp tới cả chục loại gia vị, nướng trên bếp than hồng mà Hạnh giới thiệu ấy quả thật rất thơm và mềm thì có thể tôi cũng sẽ chẳng quay lại cái nhà hàng bày đầy cây nhựa và hoa giả đó, nếu như không có một sự việc gây bất ngờ nữa. Khi đi vào trong toilet, cách nhà bếp không xa, tôi nghe lỏm được đoạn hội thoại sau. Giọng thứ nhất:

- Ra ngoài đi. Chị vừa thấy bà chủ ngó vào đây đấy. Bà ấy mà thấy mi chun vô đây rửa chén lại thì coi chừng... mà trẻ đẹp giỏi giang như mày phải ra ngoài... Làm tiếp tân vừa sang trọng, lương cao mà lại đỡ vất vả. Việc phụ bếp, rửa chén để mấy bà già ngu dốt như tụi chị làm là đúng rồi.

Giọng của Hạnh nhỏ nhẹ, dịu dàng, thậm chí còn dịu dàng hơn lúc nói với chúng tôi:

- Chị Sáu ơi, tiếp tân, làm bàn hay phụ bếp ở nhà hàng mình có khác gì nhau chứ. Cả năm ở trong này em quen rồi. Ra ngoài phục vụ gặp người này người kia, em cứ thấy ngài ngại sao đó!

- Ngại gì chứ? Công việc cả thôi mà! Quán mình đàng hoàng chứ có đèn xanh đèn mờ gì đâu mà sợ.

- Em không sợ. Có điều em có cảm giác tất cả khách hàng vào quán đều giống cái ông hôm qua: Cái gì mà tiế‌p viê‌n bày đặt nói chuyện kỳ quan thế giới.

- Ừ, thì khách hàng nào chả là thượng đế... Với đây là quán nhậu chứ có phải nhà sách đâu mà mày cãi lý với người ta. Mà nghĩ cũng phí, mày văn hay chữ tốt, trình độ hiểu biết như thế tự nhiên lại vô đây…

Cuộc đối thoại bị cắt ngang giữa chừng vì tiếng ai đó gọi Hạnh. Tôi cũng vội vã rời khỏi nhà vệ sinh.

Thời gian cuối năm, chúng tôi phải chuẩn bị cho dự án mới dưới Vũng Tàu cả tuần. Sáng mồng một Tết dương lịch, Tony đã gọi cho tôi để: Tới “Hạnh’s Restaurant!”.

Còn sớm, quán vắng khách, chúng tôi kêu món mì Ý, barbecue, rượu vang và yêu cầu gặp Hạnh. Lát sau Hạnh tới. Hôm ấy, em mặc áo dài màu kem rất đẹp. Em mang tới bàn một lọ hoa nhỏ, nói vài câu chúc mừng với Tony nhân dịp đầu năm mới. Chỉ có thế nhưng Tony cảm động lắm. Anh chàng cứ nắm tay, ép Hạnh ngồi xuống ghế nhưng Hạnh lắc đầu, giải thích.

- Nguyên tắc của nhân viên phục vụ ở đây là không được ngồi cùng bàn với khách, mong các anh thứ lỗi!

- Nếu các anh đây có nhã ý thì em có thể ngồi xuống! - Một người đàn bà áng chừng ngoài bốn mươi tuổi xen vào. Qua cách nói năng, ăn mặc, dễ đoán ra đấy là chủ quán. Chị ta kéo tay Hạnh, quay sang tôi:

- Anh thông cảm, con bé em em mới ở quê ra, có nhiều cái không biết. Được mỗi cái giỏi tiếng Anh nên em mới lôi nó ra ngoài chỉ để tiếp các anh đấy ạ. À, mà em nó còn hát nhạc ngoại rất hay đấy! Nhân dịp tết, Hạnh hát cái bài gì hôm qua mà ông khách Mỹ rất thích đi!

Hạnh hơi cau mày, miễn cưỡng:

- Dạ, bài Auld Lang syne nhưng em không thuộc cả bài.

Chủ quán đưa mắt lườm nhẹ Hạnh. Tôi vội đỡ lời:

- Bài hát cổ ấy, thấy bảo người phương Tây nào cũng từng hát nhưng tôi và cả anh bạn đây đến đoạn điệp khúc còn chẳng thuộc cơ. Thôi, nếu Hạnh thuộc thì chúng ta cùng hát Happy new year được không Hạnh!?

- Hạnh đưa hai anh vào phòng lạnh, hôm nay là đầu năm, em làm sao cho anh đây ưng ý thì làm!

Ngày hôm ấy thật đáng nhớ. Hạnh không chỉ hát Happy new year mà còn cả Yesterday, Yesterday once more đầy cảm xúc. Khi tôi ra ngoài thanh toán, thoáng thấy Tony rút ra tờ 100 đô. Tôi gật đầu. Nhưng khi quay lại thấy nét mặt xịu xuống của Tony, tôi chỉ còn biết cười, nói với bà chủ:

- Ông bạn tôi đang chết vì em Hạnh đấy! Chị kiếm đâu ra cô nhân viên tuyệt thế?

- Em gái tôi đấy cậu!

Dĩ nhiên, lúc đó tôi đã không tin Hạnh là em gái chủ quán. Hạnh kể: Bố mẹ em, một người là giáo viên, một người là cộng tác viên dài hạn của báo tỉnh. Hai cái nghề ấy đều lương chẳng đủ sống, ấy vậy mà bố em lại còn mạnh tay viết bài tố cáo một số quan chức địa phương lập dự án khống lấy tiền nhà nước, cướp đất của dân. Quan thì không mất chức, dân lấy lại được đất nhưng ông nhà báo cũng bị thôi việc vì những lý do nghe ra khá hợp lý như yếu chuyên môn, lập trường tư tưởng... Bất đắc chí, ông suốt ngày chỉ thích uống rượu và than phiền kể lể những việc thế sự. Mẹ em một mình nuôi dạy bốn đứa con. Em là con út trong nhà. Thuở bé chỉ biết đọc sách, học hành và vui chơi, ngờ đâu tới lúc vào cấp ba thì lại gặp cảnh gia đình như thế. Em giống như hai người chị của mình phải bươn chải giúp mẹ vượt qua cơn khó khăn. Em phải đi bưng bê, trông hàng, bán sách. Làm đủ thứ việc, miễn giúp được mẹ ít tiền vượt qua cơn khốn khó. Không có điều kiện học đại học, em theo người chị cả vào Vũng Tàu. Ở nhà trông con cho anh chị hai năm, Hạnh mới theo học cao đẳng sư phạm. Tốt nghiệp loại giỏi hẳn hoi nhưng vẫn chẳng trường nào nhận. Ở nhà mấy tháng ăn bám anh chị phần ngại với bạn bè, phần sợ quên kiến thức khi người chị họ xa mở nhà hàng, Hạnh đành xin vào làm phụ bếp. Nhà hàng đông khách ngoại quốc, Hạnh cũng muốn thực hành. Ngày tôi tới quán là ngày thứ hai Hạnh rời bếp ra ngoài.

***

Tôi chỉ là một anh chàng nhà quê bình thường; tài năng, xuất thân đều chẳng có gì nổi trội. Nhờ may mắn có cái bằng hai ngoại ngữ và vẻ bề ngoài điển trai mà tôi kiếm được công việc khá tốt. Lương không quá cao nhưng tôi được công ty trang bị cho mọi thứ từ xe hơi, điện thoại và thanh toán gần như mọi hóa đơn nhà hàng, khách sạn, đến các chuyến công tác nước ngoài. Những thứ từng khiến cho tôi tự tin và mạnh bạo trước bất cứ cô gái nào. Tranh thủ thời gian ở Vũng Tàu, tôi đến chỗ Hạnh liên tục. Lúc đầu thì chỉ là chút tò mò nhưng càng tiếp xúc với Hạnh, tôi càng cảm thấy ở nơi Hạnh có gì đó thật cuốn hút. Tuy nhiên tôi vẫn e ngại, không dám bước thêm một bước để chính thức chinh phục em. Mang chuyện của mình kể cho cậu bạn đồng nghiệp, cậu ta cười phá lên:

- Mày điên à! Ngu vừa thôi… đứa con gái nào làm ở quán mà không thế. “Cave kể chuyện, con nghiện trình bày” mà. Thông minh, hiểu biết, con nhà gia giáo á!? Mày có về quê em mà xác minh được không? Chẳng qua là thấy mày xe hơi, điện thoại đời mới, đi toàn với Tây nên em giả nai thế thôi...

Trong thâm tâm, tôi vẫn tin một người có học, có tâm hồn như Hạnh không thể giống các cô gái khác, nhưng tôi phần không xác định được tình cảm của mình phần vì không có điều kiện để tìm hiểu sâu hơn về em nên thời gian trôi, dự án dưới Vũng Tàu sắp kết thúc, tôi vẫn mãi ngập ngừng. Cho tới một ngày, tôi tới quán vào giờ vắng khách để đổi lại tờ hóa đơn viết sai và bỗng thấy Hạnh ngồi cùng bàn, cười nói, thân mật với mấy người khách. Tự nhiên tôi thấy đầu nóng rực: Cái gì mà thanh cao, mà có nguyên tắc, chẳng qua chỉ là vờ vịt cả. Thế mà hôm đó mình suýt đấm vào mặt thằng bạn. Đàn bà mà lại là tiế‌p viê‌n. Điên thật! Vờ nhỡ tay, đánh đổ ly bia, tôi đòi chuyển ra gần chỗ bàn Hạnh ngồi. Và sau đây là những lời tôi nghe được bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

- ... Điểm thi hai môn speaking, listening lớp Hạnh thua lớp Hoàng vì lớp Hoàng luôn có nhiều bạn ngoại quốc. Giờ lên lớp nào Hoàng cũng cho học sinh đàm thoại trực tiếp với họ nên học sinh tiến bộ nhanh, còn Hạnh quá chú trọng tới ngữ pháp và các bài luận nên dù môn writing của lớp Hạnh đứng đầu nhưng kỹ năng giao tiếp yếu. Nếu cứ tình trạng này chúng ta không thể mở lớp mới. Một giọng khác khẽ khàng:

- Tôi đã check học sinh lớp Hạnh, họ thực sự rất khá về formal language (lối hành văn trang trọng).

- Cô giáo nào học sinh nấy. Chị Hạnh sính chữ nghĩa quá nên học sinh cũng vậy - Một giọng con gái tinh nghịch.

- Hóa đơn của anh đây! - Cô tiế‌p viê‌n làm gián đoạn cuộc nghe lén của tôi.

Lần gặp kế tiếp, tôi cố ý chần chừ lại để gặp riêng Hạnh:

- Trình độ ngoại ngữ của em rất khá, sao em không tổ chức thêm một số lớp dạy thêm? Làm công việc này...

- Anh nghĩ làm waitress là xấu lắm phải không? - Hạnh nhìn thẳng vào mắt tôi, cặp môi son mím lại căng thẳng.

- Hạnh, anh không hề có ý đó, anh biết và tôn trọng tư cách và khả năng của em. Không có công việc xấu, chỉ có con người xấu thôi, nhưng chọn một công việc hợp với khả năng và sức lực của mình cũng là điều tốt chứ. Em chẳng từng nói: “Môi trường sống ảnh hưởng tới tính cách hơn cả huyết thống” là gì. Anh sợ…

- Ý tốt của anh em hiểu. Nhưng em nghĩ, ai cũng có lý do riêng để làm hay không làm điều gì đó.

***

- Mày có biết những em làm ở nhà hàng, khách sạn như thế thu nhập mỗi tháng bao nhiêu không? Chưa kể còn cơ hội kiếm chồng đại gia nữa. Nếu không thế thì người ta làm ở quán làm gì, trong khi người ta có thể đi dạy tiếng Anh được? Thanh niên 30 rồi mà còn bị mấy em tiế‌p viê‌n dụ. Chán thật!

Giọng chế nhạo của thằng bạn làm tôi giận phát uất nhưng dù sao nó cũng có kinh nghiệm hơn và xét cho cùng những câu nói của nó không hẳn là không có lý.

- Hạnh! Em mang cho anh hóa đơn.

- Tonight you’ve drunk so much Mr Thanh! (Tối nay anh uống nhiều quá rồi đấy anh Thanh ạ!).

- Anh uống nhiều nhưng anh không say đâu… này cầm lấy!

Tôi rút tập tiền từ trong túi ra, nắm lấy tay Hạnh, phả vào mặt em hơi bia rượu và cả thái độ cao ngạo của kẻ có tiền.

Mặc dù đã rất say, tôi vẫn nhớ ánh mắt của Hạnh lúc đó. Nó lóe lên, lạnh lùng và kiêu hãnh. Lẳng lặng đặt ly chanh nóng xuống bàn, Hạnh nhìn tôi một lần nữa với ánh nhìn vụn vỡ, rồi bỏ đi. Tôi cứng người, úp mặt xuống bàn.

Ngày hôm sau tôi phải quay về Sài Gòn. Hơn một tháng trời, quay cuồng với công việc mới, tôi không thể quay lại nhà hàng để xin lỗi Hạnh. Ngày lễ Tình nhân năm ấy, tôi xuống Vũng Tàu mang theo hai chiếc hộp. Mỗi hộp có một bông hồng. Một bông tươi và một bông khô. Tặng hoa vào ngày lễ Tình nhân bao giờ cũng là một việc khó cho cả người tặng và người nhận. Tôi đã tự nhủ, nếu thuận lợi tôi sẽ có cơ hội tặng bông hồng nhung đỏ thắm cho em, còn nếu không tôi có thể tặng bông hồng bất tử kia với lý do tôi vừa đi Đà Lạt về. Không muốn làm một việc thiêng liêng như tặng hoa tỏ tình trong quán nhậu, tôi ngồi đợi Hạnh ở quán cà phê bên đường. Hy vọng sẽ sớm thấy em dắt xe rời quán trong tà áo dài cho lớp học cuối tuần như trước đây. Nhưng bảy rồi tám giờ tối, khách trong quán đã vãn vẫn chẳng thấy Hạnh đâu. Cuối cùng tôi đành chạy xe vào quán, kêu một chai bia. Làm như tình cờ, tôi hỏi về Hạnh thì nhận được lời đáp bất ngờ:

- Chị ấy nghỉ ở đây cả tháng rồi. Em không biết địa chỉ. Anh gặp chị chủ quán nha!

Bà chủ nói như xả nỗi lòng:

- Ôi trời, nó nghỉ ở đây, cũng dọn khỏi nhà tôi một tháng nay rồi. Thay cả số điện thoại luôn... Nó vẫn đi dạy. Ba, bốn đứa học sinh mà cứ tưởng mình là cô giáo thật. Rồi tới lúc không có lớp thì cháo cũng chẳng có ở đó mà sĩ!

Tôi cười giả lả:

- Mấy cô em nhà quê tuổi còn nhỏ, suy nghĩ còn bồng bột, nông cạn chị chấp làm gì? Mà Hạnh dạy ở trung tâm nào hả chị?

- Chả biết nữa. Nghe đâu lương tháng chỉ đủ tiền thuê nhà. Thôi thì cũng cứ mặc xác. Cho nó nếm mùi. Thứ em họ như nó, tôi có cả trăm... Rồi như biết mình vừa lỡ lời, chị ta cười cười lảng sang chuyện khác.

Tôi đã đi khắp các trung tâm Anh ngữ ở Vũng Tàu tìm Hạnh. Bóng chim tăm cá mà người tên Hạnh lại quá nhiều. Tôi đã phải trả giá cho sự do dự của mình, cả sự vô tâm khi đến họ của em tôi cũng không biết...

Tuy nhiên trời không phụ người có lòng. Giờ đây mỗi khi giận nhau, chúng tôi lại lấy hộp hồng khô ra đọc lại dòng chữ ghi bên dưới của tôi: Just when the rose is marcescent, I may be leaving you - Chỉ khi bông hồng này úa tàn, tôi mới rời xa em!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật