‘Cây tỉ đô’ mắc ca có thể hết ‘mắc cạn’, giúp người trồng xóa đói giảm nghèo

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cần bước đi bài bản để “cây tỉ đô“ mắc ca đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người trồng, không còn là “cây mắc cạn”.
‘Cây tỉ đô’ mắc ca có thể hết ‘mắc cạn’, giúp người trồng xóa đói giảm nghèo
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dự kiến Việt Nam sẽ tiêu dùng trên 5.000 tấn hạt mắc ca khô vào năm 2030, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh minh họa

Xem Video: Mắc ca: Cây "tỷ đô" không dễ trồng

Mắc ca được kỳ vọng là "cây xóa đói giảm nghèo"

Mặc dù vào Việt Nam từ những năm 1990, nhưng phải đến 6-7 năm sau, diện tích cây mắc ca mới được phát triển rầm rộ và loại cây cho hạt có nguồn gốc từ Úc này đã được kỳ vọng là “cây tỉ đô” có thể xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, đặc biệt là nông dân miền núi, dân tộc thiểu số.

Thế nhưng, kết quả đã không như kỳ vọng khi hàng nghìn diện tích mắc ca không cho quả, vùng có quả thì không tìm được thị trường và từng có giai đoạn, cây mắc ca được bà con nông dân cay đắng gọi là “cây mắc cạn”.

Tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông), trong tổng số hơn 800ha cây mắc ca được trồng trên địa bàn, có khoảng 350ha đã cho thu hoạch. Thế nhưng, hầu hết diện tích mắc ca này đều có sản lượng thấp, mang lại thu nhập không đáng kể cho người dân.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp thu mua quả mắc ca tại tỉnh này còn lâm vào tình trạng không đủ nguyên liệu sản xuất dù tìm được thị trường xuất khẩu khá lớn. Chưa kể, đến nay diện tích cây mắc ca được cấp chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu (Organic EU) còn rất khiêm tốn, chất lượng và số lượng hạt mắc ca cũng chưa đủ điều kiện để có thể xuất khẩu vào EU và các thị trường khó tính khác.

Những bế tắc ban đầu đã biến "kỳ vọng" về khả năng mang lại thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân tại nhiều tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên thành "thất vọng".

Xây dựng thương hiệu để mắc ca "cất cánh"

Theo Bộ NNPTNT, đến năm 2030 cả nước sẽ trồng trên 34.500ha mắc ca, tuy nhiên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam kỳ vọng có thể đạt 120.000ha.

Hiện cả nước có 23 tỉnh trồng với trên 16.553ha năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt tươi/ha; sản lượng ước đạt khoảng 6.570 tấn hạt tươi/năm. Giá bán hạt mắc ca tại vườn khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng/kg hạt tươi.

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết: Cây mắc ca đã vào Việt Nam được 20 năm, nhưng 5 năm qua là giai đoạn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu bài bản và đã chuẩn bị được những nền tảng rất cơ bản để đưa ngành hàng mắc ca phát triển với kỳ vọng “cất cánh” trong giai đoạn tới.

Mắc ca được đánh giá là “cây tỉ đô” có thể giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

"Vì nhiều lý do khác nhau mà cây mắc ca trong thời gian qua chưa phát triển mạnh tại Việt Nam, nhưng qua các khảo sát kỹ lưỡng, chúng tôi khẳng định mắc ca là ngành hàng rất có tiềm năng và nhiều lợi thế của Việt Nam" - ông Huỳnh Ngọc Huy nói.

Định hướng là mắc ca hữu cơ, bán với giá cao, hướng tới xuất khẩu, trước hết là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Đông… Muốn vậy, phải có chiến lược về vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, dòng sản phẩm, điều tiết giá cả… để xây dựng thương hiệu mắc ca Việt Nam.

Hiệp hội Mắc ca cũng xây dựng chính sách bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ việc bình ổn giá đối với thị trường mắc ca trong nước, đảm bảo giá mắc ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới.

Ngày 29.9, tại Đắk Lắk, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và chủ trì hội nghị về phát triển ngành hàng mắc ca tại Việt Nam. Ngành hàng này đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, với kỳ vọng về một mô hình mẫu để doanh nghiệp lo cho nông dân, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu, góp phần giữ vững an ninh – quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và xử lý nhiều vấn đề môi trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật