Vai trò của khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là nội dung quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Dấu ấn của KH&CN đã và đang thể hiện rõ nét trong quy hoạch xây dựng NTM, cũng như thành quả của việc áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn.
Vai trò của khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn).

Với phương châm KH&CN đi trước một bước để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân, Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai có hiệu quả hoạt động ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM như: định hướng cho các địa phương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ KH&CN, các đề tài nghiên cứu khoa học có triển vọng cho địa phương để mở rộng ứng dụng vào sản xuất. Do đó, thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN phục vụ xây dựng NTM đã tập trung vào nghiên cứu chính sách xây dựng NTM; chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, phát triển kinh tế của địa phương. Đối với chính sách xây dựng NTM, hiện tại Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai nghiên cứu giải pháp phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm củng cố vững chắc các tiêu chí NTM tại các địa phương; phương án tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Trên cơ sở đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới mang tính đột phá trong việc giải quyết những khó khăn mà các địa phương gặp phải trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Túy, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tế. Thông qua chương trình, nhiều vấn đề khó khăn riêng của địa phương đã được các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh cùng tham gia nghiên cứu tìm giải pháp giải quyết. Bên cạnh đó, chương trình đã kích cầu phát triển thị trường KH&CN tại địa bàn, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, đóng góp kinh phí đối ứng để thực hiện. Các doanh nghiệp cùng các HTX, nông dân tham gia chương trình đã từng bước thiết lập được cầu nối giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ. Chính quyền các địa phương cũng tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án ngay trong quá trình triển khai thực hiện... Hoạt động KH&CN đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, 379 xã và 947 thôn, bản đạt chuẩn NTM. 7 xã hoàn thành 15 tiêu chí xã NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn tỉnh ta đã có sự đổi mới mạnh mẽ, trong đó cái được lớn nhất là sự tin cậy của Nhân dân, điều kiện, chất lượng cuộc sống và tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được nâng lên rõ rệt, vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy cao cùng sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM, thời gian tới, Sở KH&CN chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng NTM để đề xuất đưa vào chương trình KH&CN địa phương. Tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học gắn với những vấn đề cấp thiết của thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi theo hướng ưu tiên triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất phát huy lợi thế của từng địa bàn dân cư vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của các nhà khoa học, các cơ quan trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cũng như phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, tiến độ và định hướng của chương trình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật