Áo dài nam truyền thống: Ứng dụng phổ biến được không?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu như áo dài nữ truyền thống đã có được chỗ đứng vững chắc trong đời sống, có mặt ở hầu hết sự kiện quan trọng thì áo dài nam vẫn đang trên đường khẳng định vị trí trong đời sống thường nhật. Liệu áo dài nam truyền thống có thể được sử dụng một cách phổ biến hay không?
Áo dài nam truyền thống: Ứng dụng phổ biến được không?
Cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tháng.

“Chốt” áo ngũ thân?

Áo dài dành cho nữ và áo dài khăn đóng dành cho nam giới từ lâu đã được mặc định như quốc phục của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, câu chuyện đi tìm và tôn vinh quốc phục vẫn là một bài toán chưa chốt lời giải. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi sự hình thành, kế thừa và cách tân loại trang phục này đã trải qua một lịch sử dài với nhiều thay đổi. Họa sĩ Vi Kiến Thành khi giữ cương vị Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm từng chia sẻ: Đến giờ chúng ta cũng chưa tìm được sự đồng thuận về quan điểm đâu là áo dài truyền thống. Trải qua thăng trầm lịch sử, trang phục truyền thống của người Việt đã thay đổi rất nhiều, có những chi tiết tưởng là truyền thống nhưng thực ra mới xuất hiện cách đây chưa lâu...

Đã có nhiều cuộc tranh luận về áo dài nam truyền thống. Chẳng hạn, việc nhà thiết kế Đức Hùng thiết kế áo dài nam cho một số cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam vào đầu năm 2019 đã khiến cộng đồng xôn xao. Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường, thành viên nhóm Đình làng Việt đã có bài viết về vấn đề này, cho rằng: “Nhìn từ lịch sử trang phục áo dài nam, những bộ trang phục của nhà thiết kế Đức Hùng chỉ là sáng tạo mang phong cách riêng của nhà thiết kế này chứ không phải là “chuẩn” truyền thống”. Bên cạnh đó, việc lâu nay chiếc áo dài nam truyền thống chỉ còn được thấy trên sân khấu, áp dụng cho một vài mẫu nhân vật có tính điển hình cao, như quan lại phong kiến, cũng làm sai lệch phần nào cảm nhận của công chúng nói chung.

Vậy đâu mới là áo dài nam truyền thống đúng nghĩa? Theo nhiều tài liệu, năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho áo dài nam năm thân (áo ngũ thân). Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), áo dài ngũ thân phát triển đến mức hoàn thiện, từ kiểu dáng đến cách ứng xử với nó, và đã được khẳng định là quốc phục. Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thử nghiệm việc toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức của sở mặc áo dài truyền thống vào thứ hai đầu mỗi tháng. Trong đó, nam giới mặc áo dài ngũ thân truyền thống. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế là đơn vị được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai đề án "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", vậy nên, việc chọn áo dài ngũ thân có thể là sự khẳng định quan điểm về áo dài nam truyền thống (?).

Áo dài nam trưng bày tại Bảo tàng Áo dài.

Đi vào đời sống, được không?

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, tính ứng dụng của áo dài ngũ thân trong đời sống và các hoạt động ngoại giao hiện nay có phù hợp hay không, điều đó chưa có được sự thống nhất cao. Đây cũng là lý do khiến cho việc thử nghiệm của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến cho rằng việc mặc áo dài ngũ thân ở công sở là không phù hợp với nhịp sống hiện đại, nhưng cũng có nhiều ý kiến ủng hộ từ giới nghiên cứu văn hóa, những người tâm huyết với việc giữ gìn di sản mà cha ông để lại. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - viện trưởng viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng, đây là một ý tưởng đột phá, cần được ủng hộ ở thành ý nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị và tình yêu với văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống.

Tại Hà Nội, năm 2017, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cùng với một số người lập ra Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống. Trung tâm có nhiều hoạt động nhằm nâng cao tính ứng dụng của áo dài ngũ thân trong đời sống, đồng thời tăng cường hoạt động hỗ trợ cho việc phổ biến, bảo tồn và phát huy giá trị của loại trang phục này. Nhóm đã có nhiều bộ ảnh chứng minh áo dài ngũ thân không gây bất tiện cho sinh hoạt đời thường và hoạt động công sở, hơn nữa lại hợp với cảnh sắc Thủ đô.

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm, việc đưa áo dài nam truyền thống vào các hoạt động mang tính trang trọng, dịp lễ tết, hội hè... là điều bình thường. Và, nhìn vào tính ứng dụng, sự gần gũi của áo dài nữ trong cuộc sống hôm nay, việc có nhiều người hy vọng vào sự trở lại rộng rãi trong đời sống của áo dài nam truyền thống là điều có thể hiểu được.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật