Kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu: Bước đột phá mới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt sẽ tạo bước đột phá trong việc đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu, khắc phục nhược điểm của mô hình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay...
Kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu: Bước đột phá mới
Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Minh Tuấn

Cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp

Theo đánh giá của cơ quan hải quan, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giao lưu thương mại qua biên giới.

Hơn nữa, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập làm phát sinh thủ tục hành chính, tăng chi phí, kéo dài thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp (DN), gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Từ đó, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Đề xuất lộ trình thực hiện đề án trong 6 năm


Bộ Tài chính đề xuất lộ trình thực hiện đề án trong 6 năm từ 2020 đến 2026, chia thành 2 giai đoạn (2020 - 2023 và 2023 - 2026).

Đề án đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án.

Để tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực cho DN và xã hội nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa, ngày 13/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP, trong đó giao: “Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Hải quan khẩn trương xây dựng “Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” trên cơ sở lấy ý kiến và được sự đồng thuận của các bộ quản lý chuyên ngành và đáp ứng được các yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, đề án đáp ứng được nhiều mục tiêu cốt lõi đề ra như: cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, đề án góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định Pháp Luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế. Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

Hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

Theo Bộ Tài chính, đề án đưa ra 7 nội dung cải cách. Thứ nhất là đề nghị giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thứ hai là áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm) để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra. Thứ ba là đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thứ tư là thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Thứ năm sẽ áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thứ sáu là bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Thứ bảy là ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Đề án đã xây dựng nội dung mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 3 phương thức gồm: phương thức kiểm tra chặt, phương thức kiểm tra thông thường, phương thức kiểm tra giảm. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định hoặc cho đến khi hàng hóa có quy chuẩn mới thay thế cho quy chuẩn kỹ thuật cũ. 
Theo mô hình mới, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.“Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay; cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ Pháp Luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

* Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM):

Tạo tiền đề vững chắc cho số hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành

 

Ông Phạm Hoàng Hải

Với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp (DN) Ý tại Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các đề xuất tại Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu này, nhất là trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực. Hiện tại, có rất nhiều sản phẩm của 1 DN chịu sự quản lý của 2 hoặc nhiều hơn 2 bộ. Điều này sẽ gây ra rất nhiều lãng phí về mặt thời gian và tiền bạc của DN cũng như cơ quan chức năng. Khi chúng ta cùng đi vào hội nhập toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do càng trở nên tích hợp, đa dạng hóa hơn thì việc có quá nhiều cơ quan quản lý trong 1 đầu mục sản phẩm sẽ gây ra sự trì trệ trong công việc. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, cơ quan hải quan là cơ quan đầu tiên kiểm tra một số những mặt hàng nhất định thì cũng nên là cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành, trừ những hạng mục liên quan đến an ninh quốc phòng và những mặt hàng nhạ‌y cả‌m cần quy trình kiểm tra kỹ hơn. Các doanh nghiệp hội viên của ICHAM cũng nhập khẩu rất nhiều (cả về mục đích thương mại và sản xuất), do đó các DN Ý tại Việt Nam sẽ đón nhận rất tích cực việc đổi mới kiểm tra chuyên ngành này. Nếu được quy về 1 mối như đề xuất của Bộ Tài chính thì các thủ tục hành chính sẽ giảm đi và điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian. Đồng thời cũng tạo tiền đề vững chắc cho việc số hóa việc kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được điều này thì sẽ rất cần sự đồng bộ hóa giữa các cơ quan ban ngành với nhau trong một quy trình kiểm tra nhất định, để làm sao giúp cho Tổng cục Hải quan có thể là đơn vị đầu mối duy nhất thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành, đồng thời cũng là đầu mối duy nhất để DN có thể làm việc cũng như đơn giản hóa quy trình. Tất nhiên, sẽ mất một thời gian để Tổng cục Hải quan và các bộ liên quan có thể thống nhất và chuẩn hóa thông tin, dữ liệu. Nhưng việc này là một việc rất cần thiết, bởi khi chúng ta có sự đồng bộ hóa về quy trình, giấy tờ, hồ sơ cũng như tất cả các yêu cầu kỹ thuật thì đó là bước tiến quan trọng và rất hiệu quả trong việc thúc đẩy thương mại hóa, toàn cầu hóa cũng như đẩy mạnh Chính phủ điện tử.

* Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Pháp lý và hải quan, DHL Việt Nam: 

tiết kiệm thời gian và chi phí khi “dồn về một mối”  

Bà Đỗ Thị Thu Thủy

Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có một đề xuất hết sức ý nghĩa và thiết thực về việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất nói trên. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí so với trước đây khi thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải thực hiện qua nhiều bộ, ngành liên quan. Chúng tôi cũng luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng các quy trình, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu. 

Tôi nghĩ rằng, để việc “dồn về một mối” này thực sự hiệu quả thì cần áp dụng các ưu điểm của những quốc gia khác trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, đặc biệt là hàng hóa nào đáp ứng các tiêu chuẩn đã được công nhận lẫn nhau sẽ được miễn kiểm tra chuyên ngành khi xuất nhập khẩu giữa các quốc gia, tương tự như hàng hóa được lưu thông giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu. Khi dồn về 1 cơ quan thực hiện thì cần đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong quá trình thông quan hàng hóa, để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân thực hiện xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần quy định rõ thời gian kiểm tra chuyên ngành, trong đó thời gian cho quy trình kiểm tra mới nên ngắn hơn thời gian kiểm tra hiện tại của các bộ. Đồng thời, nên áp dụng quy trình quản lý rủi ro và theo đó, miễn kiểm tra đối với hàng hóa Nhóm 2 (có trị giá dưới 2 triệu đồng) được nhập khẩu với mục đích phi thương mại sử dụng cho cá nhân.

* Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Có cơ chế phối hợp rõ trách nhiệm để kiểm tra liên ngành hiệu quả

 

Ông Phạm Minh Đức

Về nguyên tắc, các cơ quan ngoài hải quan liên quan đến các quy trình quản lý chuyên ngành hay thông quan tại cửa khẩu và hải quan là cơ quan cuối cùng chịu trách nhiệm sau khi tập hợp tất cả các tài liệu kèm theo để cho phép thông quan phải đồng bộ và phải kết hợp với nhau. Chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp phát sinh không phải chỉ ở phạm vi của khu vực hải quan (cửa khẩu hoặc điểm thông quan hải quan), mà còn phát sinh bên ngoài phạm vi này. Việc tuân thủ kiểm tra chuyên  ngành chiếm hơn một nửa thời gian nhập khẩu, trong khi hải quan chỉ đóng góp hơn 10% trong tổng thời gian nhập khẩu. Chi phí tuân thủ các biện pháp quản lý chuyên ngành cao là do mặt pháp lý vẫn còn nhiều quy định không cần thiết, chồng chéo và chưa rạch ròi. Có tới hơn 70% tổng số các biện pháp kiểm tra chuyên ngành đến từ 3 đơn vị là Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Vì thế, phải tiếp tục đưa ra những chính sách có thể đồng bộ hóa những quy trình và công nghệ, thông qua chế độ một cửa quốc gia. 

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới đây, ngoài chuyện xác định cơ quan nào làm cái gì, chịu trách nhiệm đến đâu thì cần đưa ra chuẩn về chi phí cho từng công đoạn: chuẩn về thời gian cho từng đơn vị, đơn vị nào làm tới đâu thì chịu trách nhiệm tới đó.  
Về phía Chính phủ, ngoài việc đề ra chính sách tạo thuận lợi thương mại đúng đắn và các chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, thì điều quan trọng là phải đưa vào thực tế một cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả.  Đây là việc không một bộ riêng lẻ nào hoặc hải quan có thể làm thay được. Vì thế, vai trò của Ủy ban Một cửa Quốc gia, Một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi Thương mại rất quan trọng. Tuy nhiên Ủy ban sẽ chỉ có hiệu quả thực sự nếu có một bộ máy giúp việc liên ngành được thực sự trao quyền và cơ quan hải quan có thể đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy này. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật