Tăng cường kiểm tra chất lượng bánh trung thu

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ ngày 15-9 đến 7-10, 4 đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 của thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra chất lượng bánh trung thu và các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp này. Ngay những ngày đầu ra quân, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra các loại bánh sản xuất theo phương thức cổ truyền, tự làm...
Tăng cường kiểm tra chất lượng bánh trung thu
Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 số 1 của Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu cổ truyền Bà Dần tại đường Trường Chinh (quận Đống Đa). Ảnh: Trang Thu

Vừa kiểm tra, vừa hướng dẫn

Ngày 15-9, Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 số 1 của Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu cổ truyền Bà Dần (ở số nhà 126, ngõ 554, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội).

Cơ sở này có 7 nhân viên tham gia vào quy trình làm bánh, dọn dẹp, vệ sinh nhà xưởng. Chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu cổ truyền Bà Dần cho biết, bánh trung thu cổ truyền vẫn được nhiều người tiêu dùng Thủ đô lựa chọn mỗi dịp Tết Trung thu. Những năm trước, thời điểm cuối tháng Bảy âm lịch và tháng Tám âm lịch, mỗi ngày cơ sở bán ra hàng trăm chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân cắt giảm chi tiêu khiến lượng bánh bán ra rất ít, thậm chí, có ngày chỉ có một vài khách đến mua.

Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, cơ sở đã tuân thủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, khu vực chế biến sạch sẽ, thông thoáng, đồng thời chủ cơ sở cũng cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, giấy khám sức khỏe của những người trực tiếp sản xuất đã hết hạn. Ngoài ra, khu chế biến của cơ sở chưa có lưới chắn côn trùng. Ông Trần Văn Chung yêu cầu cơ sở khẩn trương khắc phục tồn tại nêu trên, đồng thời giao Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm của quận tiếp tục giám sát và kiểm tra. Đoàn kiểm tra cũng đã hướng dẫn chủ cơ sở thiết kế lưới chắn côn trùng ở khu vực sản xuất, bố trí thêm giá kệ để nguyên liệu, bố trí riêng khu vực sản xuất bánh sao cho vừa bảo đảm vệ sinh vừa phù hợp với diện tích nhà xưởng hiện có. “Dù cơ sở sản xuất quy mô lớn hay sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình đều cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Trong mùa trung thu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn quận Đống Đa thu hẹp hơn. Hiện tại, trên địa bàn quận có gần 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, Tết Trung thu năm nay, quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành và 21 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của các phường. Qua kiểm tra, nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở đã được nâng lên. Hiện, các đoàn kiểm tra đang tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, nhất là những cơ sở sản xuất theo phương thức thủ công, cổ truyền tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công khai cơ sở vi phạm, cơ sở đạt chuẩn

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, tất cả các cơ sở sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình, bánh handmade (tự làm) khi muốn tham gia sản xuất bánh trung thu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất cũng phải được tập huấn kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, được kiểm tra sức khỏe đầy đủ.

Ngoài ra, các sản phẩm bánh thành phẩm khi lưu thông trên thị trường phải có đầy đủ nhãn mác, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ…

Bên cạnh những thương hiệu bánh uy tín, ông Trần Văn Chung lưu ý, người dân nên cảnh giác với những bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Những loại bánh giá rẻ sẽ khiến cho thị trường bánh trung thu rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”, những cơ sở kinh doanh chân chính bị ảnh hưởng và người tiêu dùng mất niềm tin. Do đó, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng tập trung vào điều kiện cơ sở sản xuất, nguồn gốc bánh trung thu, nhất là ngăn chặn bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc, trôi nổi lưu hành trên thị trường; kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất bánh trung thu theo phương thức cổ truyền, những loại bánh trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và của cả những cơ sở làm ăn chân chính.

Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, trong quá trình kiểm tra tại cơ sở, các đoàn kiểm tra cũng tiến hành lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh như lạp xưởng, bột, hạt sen… xét nghiệm nhanh trên xe kiểm nghiệm lưu động. Khi phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, người dân sẽ nắm được những địa chỉ tin cậy cũng như cơ sở vi phạm để từ đó có những lựa chọn đúng đắn cho sức khỏe.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật