Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong suốt thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành của thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Cùng với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, nhiều doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chủ động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Do tác động của đại dịch Covid-19 nên trong 7 tháng năm 2020 có 21.600 doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh phải giải thể, tạm ngưng hoạt động. dịch Covid-19 còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế chung của thành phố. Đặc biệt, doanh thu lĩnh vực dịch vụ lữ hành giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty G.M chuyên tổ chức tour quốc tế cho biết: “Trong quý I-2020, công ty bị giảm 90% doanh thu, quý II khoảng 80%.

Hơn 80% nhân sự công ty bị cắt giảm, số còn lại làm việc nhưng phải giảm lương. Hiện nay, công ty không có bất kỳ nguồn thu nào từ kinh doanh du lịch, thay vào đó, doanh nghiệp phải lấy việc kinh doanh cà phê để duy trì hoạt động”.

Còn ở lĩnh vực thương mại, nhiều doanh nghiệp phải lần lượt đóng cửa các cửa hàng, trả mặt bằng kinh doanh. Ông Lữ Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Bách Hóa Việt cho hay, trong thời gian giãn cách xã hội, công ty có 5 cửa hàng thì đã phải đóng cửa 2 cửa hàng vì sức mua giảm rất lớn.

Về tình hình chung, Cục Thống kê thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2%. Tháng 7 và 8, tốc độ tăng trưởng có tăng, nhưng chưa như kỳ vọng. Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của thành phố chưa có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến tháng 8-2020 chỉ tăng 1,3% so với tháng trước và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến giữa tháng 8-2020, cơ quan quản lý thành phố đã cấp phép hoạt động cho 25.882 doanh nghiệp, giảm 7,4% so với năm 2019... 

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Đại học Fulbright nhận định: “Trước thách thức từ dịch Covid-19, mỗi doanh nghiệp cần tự cứu mình, cần tính toán nguồn lực để tồn tại qua khó khăn trước, sau đó mới tính đến phát triển phục hồi”.

Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giãn nợ thuế. Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế cho biết: “Thành phố hiện có 13.000 tỷ đồng nợ thuế. Đối với các khoản nợ sau tháng 2-2020 sẽ được gia hạn nộp thuế, vì thời điểm này doanh nghiệp đang gặp khó khăn”. Ngoài ra, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại từ tháng 7-2020, thành phố đã tập trung chi ngân sách trong tháng 8 để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kích cầu thị trường nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, chi ngân sách 8 tháng năm 2020 đạt 49.264 tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chi đầu tư phát triển là gần 21.280 tỷ đồng. "Thành phố đã ngừng chi thu nhập tăng thêm cho công nhân viên chức thành phố để dành nguồn lực chia sẻ với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh mang lại. Nhờ đó, giảm được số tiền chi thường xuyên 2.504 tỷ đồng và tiết kiệm thêm 204,2 tỷ đồng từ chi hội nghị”, bà Phạm Thị Hồng Hà nói.

Cùng với việc nhận sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm hướng tồn tại và phát triển trong khó khăn, thích ứng với tình hình mới. Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển doanh nghiệp tại Tiki chia sẻ: “Chúng tôi đẩy mạnh 3 chiến lược mũi nhọn, gồm giá bán cạnh tranh, miễn phí vận chuyển, xây dựng ứng dụng mua sắm trở thành một nền tảng tích hợp đa trải nghiệm”.

Một số doanh nghiệp khác thay đổi phương thức kinh doanh. Ông Lữ Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Bách Hóa Việt cho biết: “Trong 3 tháng nay, chúng tôi đã tái cấu trúc doanh nghiệp. Chúng tôi lập website, ứng dụng marketing, công nghệ quảng cáo sáng tạo, mời chuyên gia đào tạo marketing cho nhân viên. Khi được đào tạo, doanh số bán hàng đã tăng từ 600 triệu đồng lên 2 tỷ đồng”. 

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ triển khai gói hỗ trợ tín dụng tiếp theo cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 lần thứ hai. Ngoài ra, thành phố cam kết tạo môi trường đầu tư, sản xuất thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. "Các sở, ngành, các quận, huyện phải chăm lo cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thành phố sẽ nỗ lực đạt mức tăng trưởng 5% năm 2020", đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật