TP. Hồ Chí Minh: 8 tháng thu ngân sách mới đạt hơn 53% dự toán

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2020 ước thực hiện được 216.731 tỷ đồng, đạt 53,4% dự toán và giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2019.
TP. Hồ Chí Minh: 8 tháng thu ngân sách mới đạt hơn 53% dự toán
Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn. Ảnh ĐD

Trong đó, thu nội địa được 144.557 tỷ đồng, đạt 51,9% dự toán và giảm 14,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 64.500 tỷ đồng, đạt 56,1% dự toán và giảm 17,6%; thu từ dầu thô được 7.675 tỷ đồng, đạt 62,9% dự toán và giảm 50,4%.

Đáng chú ý, trong thu nội địa, số thu từ các hoạt động kinh tế suy giảm mạnh. Cụ thể, thu từ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương ước thực hiện được 9.279 tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán và giảm 17,3%; thu từ DNNN địa phương ước thực hiện được 4.961 tỷ đồng, đạt 49,3% dự toán và giảm 4,1%; thu từ khu vực tư nhân ước thực hiện được 35.070 tỷ đồng, đạt 45,6% dự toán và giảm 22,6%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện được 38.568 tỷ đồng, đạt 50,8% dự toán và giảm 11,3%.

Trong khi đó, tổng thu cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện được 39.371 tỷ đồng, đạt 52,2% dự toán và giảm 19,8%.

Về chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng), 8 tháng năm 2020 ước thực hiện 49.264 tỷ đồng, đạt 48,3% dự toán và tăng 33,9% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 19.005 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán và tăng 66,6%; chi thường xuyên 25.128 tỷ đồng, đạt 53,9% dự toán và tăng 9,3%.

Các khoản chi thường xuyên gồm: Chi sự nghiệp kinh tế 3.753 tỷ đồng, đạt 49,9% dự toán và tăng 40,9%; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 8.020 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán và tăng 0,2%; chi sự nghiệp y tế 1.732 tỷ đồng, đạt 55% dự toán và tăng 36,7%; chi quản lý hành chính 4.684 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán và tăng 0,5%.

Được biết, kinh tế TP. Hồ Chí Minh qua 8 tháng đầu năm chưa lấy lại đà tăng trưởng, do chịu tác động tiêu cực từ hàng loạt yếu tố như đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, bất đồng giữa các nước về chính sách bảo hộ, đối phó dịch bệnh… Trên thế giới, giá dầu thô giảm do mâu thuẫn giữa Nga và Ả Rập Saudi, trong khi nhu cầu đi lại và tiêu dùng hàng hoá cũng giảm. Còn trong nước, tình trạng giá vàng tăng đột biến, hiện tượng xâm ngập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, dịch Covid-19 khiến DN và người lao động gặp nhiều khó khăn./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật