Anh thợ bánh kiên trì, sáng tạo

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Làm bánh mì, mới nghe qua thì tưởng thật đơn giản, chỉ trộn, nhào bột, nắn bánh rồi đem nướng là xong. Thế nhưng, đằng sau những chiếc bánh thơm ngon là muôn vàn câu chuyện vui, buồn đan xen của người thợ làm bánh”- Đó là tâm tình của ông chủ lò bánh mì Nguyễn Hữu Đức (ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Anh thợ bánh kiên trì, sáng tạo
Với đôi tay khéo léo, anh Đức làm ra ổ bánh mì với tạo hình ngộ nghĩnh, thu hút nhiều khách hàng tìm đến mua.

Lò bánh mì của anh Đức nằm gần chợ bến đò Đu Đủ, luôn đông khách vào mỗi sáng sớm. Anh Nguyễn Thanh Bình, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cho biết: “Tôi là một trong những khách hàng quen mặt của anh Đức. Không phải chỉ vì ổ bánh mì heo quay giá 10.000 đồng, mà còn vì vợ chồng anh Đức rất dễ mến, cộng thêm vị nước sốt chan bánh mì rất đặc trưng, độ mặn, ngọt vừa phải, ngon miệng”.

Ngoài bán bánh mì thịt, anh Đức thường cho ra lò những mẫu bánh mì ngọt với tạo hình bắt mắt, thu hút thực khách. Chị Nguyễn Thị Thảo, ở phường Phước Thới, nói: “Nhà tôi ở chợ Mười Lù, cách chỗ bán bánh mì của anh Đức vài cây số, nhưng tôi thường đến mua bánh mì tại đây. Tôi thường mua bánh mì thanh long hay bánh mì cá sấu. Với tạo hình ngộ nghĩnh, các con tôi rất thích”.

Vài tháng trước, bánh mì thanh long của anh Đức cứ vừa ra lò là hết. Còn giờ, anh Đức tiếp tục gây ấn tượng với bánh mì được tạo hình con cua, cá sấu. Anh Đức bộc bạch: “Người ngoài không biết, cứ nghĩ làm bánh là công việc nhẹ nhàng, không tốn sức lực bao nhiêu. Thế nhưng, ai vào nghề rồi mới biết, để làm một món bánh đòi hỏi sự kỳ công, chỉ cầ‌n s‌ai lệch một ít trong công thức là có thể hỏng luôn một mẻ bánh và phải làm lại từ đầu”. Sự cẩn trọng, tỉ mỉ của anh Đức thể hiện ở từng công đoạn: cân, đong nguyên liệu; trộn bột, nhồi bột, ủ lần 1 rồi lại ủ lần 2, lần 3; tạo hình bánh; nướng bánh; trang trí bánh.

Anh Đức rất nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn tay luôn chân để bánh mì kịp ra lò. Khoảng 10 giờ sáng, anh triển khai công việc cho đến 3 giờ chiều để có bánh cho buổi tối. Nghỉ ngơi được vài giờ, đến 12 giờ đêm, anh tiếp tục bắt tay vào công việc để kịp có bánh bán vào sáng hôm sau. Lò bánh mì của anh được trang bị dây chuyền làm bánh hiện đại: máy trộn, máy chia, máy se, tủ ủ, lò nướng...

Quê ở tỉnh Cà Mau, khi trưởng thành, anh Đức đi làm thuê ở nhiều nơi. Sau cùng, anh gắn bó với nghề làm bánh mì. Anh Đức kể: “Lúc đầu, tôi đi học hỏi kinh nghiệm khắp nơi. Lương phụ việc thấp, vợ chồng tôi phải thuê phòng trọ nên cuộc sống khá vất vả. Tuy nhiên, với niềm đam mê làm bánh, vợ chồng tôi không nản lòng. Ban ngày, tôi đi phụ cho những tiệm bánh lớn. Tối về, tôi dạy vợ làm bánh. Và bây giờ vợ tôi cũng là một thợ bánh”.

Vợ chồng anh Đức khởi nghiệp từ một tiệm bánh nhỏ, thiếu thốn mọi mặt. Ban đầu, tiệm bánh vắng khách; một số khách hay so sánh kiểu dáng, vị bánh với những tiệm bánh lớn. Bánh bán chậm, chi phí không thu hồi được, vợ chồng anh Đức tưởng chừng gượng không nổi với nghề. Chị Phan Thị Mộng Đầm, vợ anh Đức, chia sẻ: “Lúc đó, vợ chồng động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn để bám nghề. Một mặt, vợ chồng tôi tìm hiểu, đổi mới để vị bánh thêm ngon, kiểu dáng thêm đẹp; đồng thời, tôi mang bánh đi bán khắp các khu dân cư, chợ,... Sau một thời gian, những nỗ lực của chúng tôi cũng được đền đáp. Khách hàng đã biết và tìm đến sản phẩm của chúng tôi. Không gì vui và hạnh phúc bằng được nghe khách khen bánh ngon, bánh đẹp và trầm trồ ngưỡng mộ những chiếc bánh do chúng tôi làm ra”.

“Nghề nào cũng có những khó khăn, thử thách và nghề làm bánh cũng vậy. Nếu đã yêu và theo nghề thì hãy giữ quyết tâm, kiên trì, chắc chắn sẽ gặt được “quả ngọt”” - anh Đức trải lòng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật