Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau hơn 6 năm triển khai, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“ (Đề án) đã giúp hình thành những chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) có được đầu ra bền vững cho sản phẩm và người tiêu dùng (NTD) được sử dụng hàng hó‌a chấ‌t lượng.
Hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững
Ảnh minh họa

Phát triển sản xuất, tiêu dùng

Tự hào chia sẻ về những chuỗi cung ứng hàng hóa đã được hình thành khá bền vững trong hiệp hội, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội Mai Thị Thùy - cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội Nữ DNNVV TP. Hà Nội đã phát huy vai trò trong việc kết nối DN sản xuất và phân phối, nhằm tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm.

Theo đó, dù không đủ tiềm lực để làm những hội chợ kéo dài đến 4 – 5 ngày, song hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương, phiên chợ kết nối cung-cầu hàng hóa quy mô nhỏ, tạo điều kiện đưa người sản xuất đến gần người phân phối. Từ những ngày đầu tổ chức trong phạm vi hẹp, với những DN đơn lẻ của vài ba tỉnh thành, sau này, nhờ hiệu ứng tốt, những sự kiện kết nối đã ngày càng thu hút nhiều DN tham gia.

Có những DN sản xuất gốm sứ chuyên xuất khẩu (XK), song khi tham gia các sự kiện kết nối cung-cầu đã tìm được các nhà phân phối ngay trong nước, giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa. Từ những sự kiện đơn lẻ ban đầu, hiệp hội đã mở rộng nhu cầu theo liên kết vùng, mời cả DN các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tham gia. "Nhờ đó, nhiều DN thuộc hiệp hội đã tạo thành các chuỗi cung ứng bền vững. Những tháng đầu năm nay, khi thị trường XK gặp khó, các chuỗi cung ứng này đã giúp tạo đầu ra cho sản phẩm" - bà Mai Thị Thùy chia sẻ.

Mô hình của Hiệp hội Nữ DNNVV TP. Hà Nội là một trong những mô hình thể hiện hiệu quả cao nhất của hoạt động kết nối cung-cầu trong 6 năm thực hiện Đề án.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Đề án giai đoạn 2014 – 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sau 6 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng (NTD) đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối hàng Việt, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước, qua đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung-cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.

Đến nay, đã có hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" tại 61 địa phương trên cả nước; tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường với các đối tượng ưu tiên nhân viên làm việc cho DNNVV, hợp tác xã, hộ cá thể...

"Đặc biệt từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều DN bị đứt gãy thị trường XK và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho DN khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Với những giải pháp đồng bộ được thực hiện, nên hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của DN trong nước (trên 90%), tại các hệ thống siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.

Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận hàng hó‌a chấ‌t lượng

Đề án cũng thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các DN. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó giám đốc Saigon Co.op Hà Nội - cho hay, các siêu thị và cửa hàng trong hệ thống của DN luôn ưu tiên các sản phẩm trong nước và được đặt tại các vị trí trong siêu thị mà người tiêu dùng dễ thấy, dễ lấy nhất.

"Mỗi năm chúng tôi đều thực hiện chương trình tự hào hàng Việt, sau khi kết thúc chương trình, mức tăng trưởng tối thiểu là 10% trong tháng thực hiện. Đặc biệt, Saigon Co.op còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để nhà sản xuất yên tâm đầu tư các mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng cho thị trường và NTD" - bà Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.

Xây dựng nhiều hơn các chuỗi cung ứng

Đánh giá cao hiệu quả kết nối cung-cầu sau 6 năm Đề án được triển khai, bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" - nhấn mạnh: Đề án đã tổ chức thực hiện các hoạt động kết nối cung-cầu, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động, DN Việt Nam từ thành thị, vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại. Nhờ đó, đến nay toàn quốc đã có một hệ thống phân phối đủ mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân, ngay cả trong tình trạng khẩn cấp.

"Hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt đã góp phần đảm bảo nhu cầu, ngày càng phục vụ tốt cho NTD Việt Nam" - bà Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ. Đồng thời đề xuất, Bộ Công Thương cần nhân rộng các kết quả này để tiếp tục phát huy vai trò của thương mại nội địa trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Về phía các DN, bà Mai Thị Thùy đề xuất, cùng với nỗ lực của các DN, hiệp hội, thời gian tới, Bộ Công Thương cần hỗ trợ để tổ chức các chương trình kết nối có quy mô lớn hơn, thu hút được nhiều DN cùng tham gia. Từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn cho cả DN trong tìm đầu ra bền vững và NTD trong việc sở hữu những sản phẩm đạt chất lượng.

Bộ Công Thương ĐỖ THẮNG HẢI: Kết quả của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là điều kiện thuận lợi để Bộ Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật