Bắc Giang: Hàng hóa dồi dào, không có tình trạng đầu cơ, tích trữ do lo ngại dịch Covid-19

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến 9 giờ ngày 11/8, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 6 ca nhiễm Covid-19. Tất cả những trường hợp này đang được điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư, cơ sở Đông Anh (Hà Nội). 
Bắc Giang: Hàng hóa dồi dào, không có tình trạng đầu cơ, tích trữ do lo ngại dịch Covid-19
Hàng hóa thiết yếu tại các chợ bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.  Ảnh chụp tại chợ tạm Ngô Quyền (TP Bắc Giang, sáng 11/8.

Tính đến 9 giờ ngày 11/8, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 6 ca nhiễm Covid-19. Tất cả những trường hợp này đang được điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư, cơ sở Đông Anh (Hà Nội). 

Qua ghi nhận thực tế và đánh giá của cơ quan chức năng, thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ lương thực.

Tại TP Bắc Giang, giá bán lẻ một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định như: Gạo Khang dân giá từ 12,5-14 nghìn đồng/kg; gạo tám thơm từ 14-18 nghìn đồng/kg; giá thịt lợn mông sấn 135-145 nghìn đồng/kg, 150-160 nghìn đồng/kg thịt ba chỉ; cá chép 60-75 nghìn đồng/kg, cá rô phi 30-40 nghìn đồng/kg... 

Giá rau, củ, quả ổn định, trong đó giá rau muống, cải, ngót 2,5- 4 nghìn đồng/mớ; cà chua 10-12 đồng/kg… Các mặt hàng thiết yếu như: Mỳ tôm, mỳ gạo, dầu ăn, nước uống đóng chai... sức mua tăng nhưng không nhiều, giá cả mặt hàng này ổn định, các đơn vị bán đúng mức giá niêm yết của nhà sản xuất.

Tại một số huyện như Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên... giá các mặt hàng thiết yếu ổn định. Riêng tại huyện Sơn Động, giá một số thực phẩm tăng nhẹ so với vài tuần trước do địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Giá các loại thịt lợn từ 170-190 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 10-15 nghìn đồng/kg so với thời điểm chưa có dịch Covid-19; rau xanh các loại như (đay, mùng tơi, dền) giá 5- 6 nghìn đồng/bó, tăng khoảng 1 nghìn so với trước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 siêu thị (trong đó 4 siêu thị có kinh doanh hàng hóa thiết yếu), 133 chợ, 10 thương nhân phân phối, khoảng 3 nghìn các loại cửa hàng cửa hiệu kinh doanh thực phẩm, hàng hóa bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã tăng lượng dự trữ so với ngày thường, đặc biệt là gạo và mỳ gói để đáp ứng nhu cầu người dân. Hiện lượng dự trữ tại kho của các doanh nghiệp đạt gần 70 nghìn thùng mỳ các loại và 400 tấn gạo, trong trường hợp cần thiết các đơn vị này có thể cung cấp và huy động đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Tính riêng hai siêu thị bán lẻ hàng hóa thiết yếu là BigC và Co.opMark, lượng hàng hóa dự trữ tăng so với ngày bình thường. Trong kho của hai đơn vị này có khoảng từ 9-11 nghìn thùng mỳ các loại, khoảng 8 tấn gạo, gần 50 tấn nhu yếu phẩm, 12-15 tấn thực phẩm đông lạnh (thịt gà, cá); hàng tươi sống (thịt lợn, gà, trâu bò, rau xanh) lượng cung ứng bảo đảm tăng gấp 2-3 lần ngày thường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật