Khách vứt tờ vé số trúng giải nhì, anh chàng nghèo đổi tiền chạy tới giao tận tay: Sống đẹp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đứng trước số tiền lớn, hiếm ai mà không nổi lòng tham, nhưng khi phần ‘người’ át được phần ‘con’, thì đó chính là tấm gương để chúng ta học hỏi. Như hình ảnh về người đàn ông trả lại vé số cho khách hàng là bài học quý giá.
Khách vứt tờ vé số trúng giải nhì, anh chàng nghèo đổi tiền chạy tới giao tận tay: Sống đẹp
Anh Nguyễn Văn Nhuận mướt mồ hôi vì gánh nặng mưu sinh (Ảnh: Người Đưa Tin)

Xem Video: Gia cảnh khó khăn của cậu học trò trả lại 50 triệu đồng cho người đánh rơi

Những ngày qua, câu chuyện anh Nguyễn Văn Nhuận, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - người bán vé số dạo trao trả lại 2 tờ vé trúng thưởng giải nhì với trị giá mỗi vé 15 triệu đồng cho chủ nhân làm nhiều người dân ở địa phương cảm phục.

Theo nghề bán vé số được 3 năm, hàng ngày từ 4h sáng anh Nhuận bắt đầu đem xấp vé số lấy từ ngày hôm trước lội bộ khoảng 18km rong ruổi khắp các con đường từ Kiên Giang cho tới Cà Mau. Những ngày gặp thuận lợi, buôn bán đắt thì anh được về nhà nghỉ ngơi sớm.

Những hôm ế ẩm thì anh ráng kiếm thêm, bởi đôi vai anh còn mang gánh nặng nuôi mẹ cha già yếu. Đồng tiền lời kiếm cũng chẳng nhiều nhặn là bao, chỉ vừa đủ chi tiêu trong gia đình. Nghèo là thế, nhưng anh chưa bao giờ tham của ai, dù chỉ một đồng.

Kể lại câu chuyện của mình, anh Nhuận cho biết, sáng 25/7, anh Lê Văn Dũng, ngụ ấp Đập Đá 2 có mua 2 tờ vé số đài Long An với dãy số 59686. Sau đó, anh Dũng dò số cho rằng không trúng nên anh kẹp vào sổ dò của anh Nhuận rồi bỏ đi.

Khi về nhà, anh Nhuận phát hiện 2 tờ vé số anh Dũng vứt bỏ sáng nay trúng giải nhì, mỗi vé trúng trị giá 15 triệu đồng/vé. Đến sáng hôm sau, anh Nhuận kêu xe ôm đi đổi giải thưởng được 28 triệu đồng (trừ tiền thuế 2 triệu đồng) rồi mang tiền đến tận nhà đưa lại cho anh Dũng.

“Lúc đó, tôi đưa tiền thì ông Dũng bất ngờ hỏi lại tôi tiền gì?. Tôi mới nói “tiền trúng vé số của ông dò hôm trước”. Sau đó, ông Dũng cho lại tôi 2 triệu đồng và người xe ôm 500.000 đồng”, anh chia sẻ.

Ngay lập tức, câu chuyện của anh được lan tỏa trong cộng đồng, bà con hàng xóm tấm tắc ngợi khen. Họ hãnh diện vì anh và cảm thấy ấm lòng vì dân quê mình nghèo nhưng sạch sẽ lắm. Anh chính là tấm gương tốt được mọi người quý mến, kính phục.

Căn nhà nhỏ của cả gia đình vô cùng đơn sơ, nghèo khó (Ảnh: Người Đưa Tin)

Người hàng xóm của anh Nhuận cũng chia sẻ thêm: “Nhuận phát hiện 2 tờ vé số trúng giải nhiều tiền, có khi đây là số tiền lớn nhất mà Nhuận được cầm, nhưng không tham lam mà trả lại cho người ta. Chúng tôi ở đây rất cảm phục Nhuận. Tôi thấy đó là một nghĩa cử đẹp. Hành động đó cũng đáng để nhiều người noi theo”.

Khi được hỏi vì sao hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn như vậy, không giữ lại 2 tờ vé số này để sửa chữa căn nhà hay chăm lo từng bữa cơm cho gia đình, anh Nhuận cười nói ngắn gọn: “Tiền của người người ta thì mình trả lại cho người ta, chứ lấy làm gì cho nhọc lòng...”.

Cũng căn nhà nhỏ chỉ khoảng chừng 3,2m, ông Nguyễn Văn Trên, 72 tuổi - cha của anh Nhuận và bà Trần Thị Biết, 73 tuổi (mẹ của anh) – cũng cảm thấy hãnh diện về hành động của con trai.

Chỉ tay về phía thư khen của Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận và tấm Giấy khen của UBND huyện Vĩnh Thuận được gia đình treo trang trọng ở góc cửa ra vào, ông Trên cho biết: “Cái nào của mình sẽ là của mình, còn không phải của mình nếu có lấy ăn cũng không ngon, ăn hồi hộp lắm...nên trả cho khỏe lương tâm”.

Gia đình anh Nhuận rất tự hào với hai tấm bằng khen (Ảnh: Người Đưa Tin)

Nói không ngoa thì đây có lẽ là câu chuyện lạ đời nhưng rất đỗi ấm áp và đáng tự hào. Có thể trong mắt nhiều người, anh Nhuận dại quá dại, ai lại ‘chê’ tiền bao giờ. Trong khi anh đang rất nghèo khó, đang rất cần thêm chi phí nuôi cha mẹ già và xây lại căn nhà chỉ rộng có 3m2.

Lại nói xã hội ngoài kia, biết bao kẻ đánh nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí anh hại em, con cái giết mẹ cha, chì vì tài sản. Vậy mà anh Nhuận, một người nghèo đúng nghĩa đen nhưng lại quá giàu ở sự cao thượng.

Đáng ra, nếu anh nhận lấy 28 triệu đồng ấy, cũng chẳng ai trách được anh vì chủ nhân của nó đã ‘từ bỏ’ lúc quăng tờ vé số đi rồi.

Nhưng anh hiểu, khách của mình đang bị nhầm lẫn và may mắn trời ban là tặng cho khách hàng – chứ chẳng phải cho anh.

Đúng như lời mẹ cha anh nói: cái gì không phải của mình sẽ mãi không thuộc về mình, cứ nhận vơ nhận đại rồi lại áy náy lương tâm.

Rõ ràng, 28 triệu này với người giàu là số lẻ nhưng với người nghèo là gia sản khổng lồ. Mà tiền càng lớn thì càng khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Tính ra ôm tiền lớn mà lòng bất an thà mình nghèo mà lòng thanh thản.

Sau cùng, muốn cảm ơn lắm vì cuộc đời này vẫn còn những người tử tế - nhất là khi sự tử tế đến từ khó khăn và đói nghèo. Để niềm tin giữa người và người không bị mai một.

Thầm nghĩ giữa xã hội đầy bon chen khiến chúng ta có tâm lý hoài nghi đủ chuyện, thì vẫn còn đó những người chất phát, lương thiện, dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn chọn cho mình lối sống trong sạch, không tham lam tài sản của người khác dù còn bao nhọc nhằn với gánh nặng mưu sinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật