Bắc Giang đã sẵn sàng cho việc tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2020

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện vựa vải thiều Bắc Giang đang sắp bước vào vụ thu hoạch (gồm vải chín sớm và vải chính vụ). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu vải có thể gặp đôi chút khó khăn nhưng tỉnh Bắc Giang đã có phương án chuẩn bị để việc tiêu thụ vải đạt hiệu quả cao nhất.
Bắc Giang đã sẵn sàng cho việc tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2020
Người dân sơ chế vải chín sớm để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Báo Bắc Giang

Xem Video: Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ khoảng 115.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải chín sớm từ ngày 10/5 đến ngày 10/6; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6.

Nếu mọi chuyện thuận lợi thì tiêu thụ quả vải hầu như không gặp khó khăn nào và năm nay, lần đầu tiên quả vải thiều Bắc Giang sẽ hiện diện trên các kệ hàng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, dịch COVID-19 xảy ra khiến vùng vải thiều lớn nhất nước phải tìm cách “thích nghi”.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang, do xảy ra dịch bệnh, ngay trong tháng 4/2020, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản xuất khẩu vải thiều. Theo đó, kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả các thị trường, cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là tuy khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là không xuất khẩu được và nếu kịch bản này xảy ra thì tỉnh sẽ tập trung tiêu thụ trong nước. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, nếu làm tốt thị trường trong nước thì việc tiêu thụ vải không có vấn đề gì.

Hiện tại, Bắc Giang vẫn “kích hoạt” cả 3 kịch bản xuất khẩu vải và nỗ lực tìm thêm đầu ra cho quả vải.

Ngày 12/5, tại cuộc họp về công tác tiêu thụ vải, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết các tập đoàn Aoen, Central Group, Mega Market, Big C đã cử đại diện thu mua làm việc với một số doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang chuẩn bị sản lượng, vùng nguyên liệu… tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Trước mắt, các đơn vị này sẽ mua vải thiều để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Singapore, Mỹ và các nước EU. Ngoài ra, đã có 28 tập đoàn phân phối, 6 chợ đầu mối, 31 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua vải thiều trong và ngoài tỉnh đăng ký tiêu thụ vải thiều. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) ký hợp đồng bao tiêu hơn 100 tấn vải thiều.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương và Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc và 2 điểm cầu tại Trung Quốc nhằm thông tin kịp thời về tình hình sản xuất và  xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Đại diện Sở Công Thương Bắc Giang cho biết tính đến ngày 18/5, có 250 thương nhân người Trung Quốc đăng ký đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Theo đó, tỉnh yêu cầu thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 trong vòng 3 ngày gần nhất do cơ quan y tế có thẩm quyền tại Trung Quốc xác nhận. Đồng thời, họ sẽ phải tuân thủ cách ly 14 ngày theo đúng quy định về phòng, chống dịch.

UBND tỉnh đã giao UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Sở Y tế thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Hiện huyện Lục Ngạn đã bố trí 20 nhà nghỉ phục vụ cách ly. Khi thương nhân Trung Quốc có lịch nhập cảnh vào Việt Nam, UBND huyện sẽ đưa phương tiện cùng cán bộ y tế, công an đón trực tiếp tại cửa khẩu và đưa về địa phương.

Như vậy đến thời điểm này, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương và người dân Bắc Giang đã sẵn sàng cho công tác tiêu thụ vải thiều.

Góp sức tiêu thụ vải thiều, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã có phương án dành luồng ưu tiên riêng cho phương tiện chở vải thiều xuất khẩu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, với bãi đỗ riêng cho tối đa 100 phương tiện cùng trang bị phòng chống dịch.

Gỡ ‘nút thắt’ trong xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản

Năm 2020 là năm đầu tiên Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam (Bắc Giang, Hải Dương) theo con đường chính ngạch.

Triển khai kế hoạch này, tỉnh Bắc Giang đã tỉnh Bắc Giang đã phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn.

Tuy nhiên, cuối tháng 4/2020, phía Nhật Bản có Công hàm gửi Bộ Công Thương thông báo do ảnh hưởng dịch COVID-19, họ không thể cử chuyên gia trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý, khử trùng quả vải tươi. Vì vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã đề nghị phía Nhật Bản xem xét các giải pháp khác thay cho việc cử chuyên gia sang Việt Nam bằng cách tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).

Theo thông tin mới nhất, ngày 14/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã họp trực tuyến với các đối tác liên quan của Nhật Bản để bàn việc hoàn thiện tất cả các thủ tục cho xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam sang Nhật Bản. Việc kiểm tra, kiểm soát quả vải, phía Nhật Bản có thể ủy quyền cho phía Việt Nam thực hiện cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật