Doanh nghiệp muốn lớn phải quản trị tốt

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện một số quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình.
Doanh nghiệp muốn lớn phải quản trị tốt
Các doanh nghiệp muốn lớn mạnh phải quản trị tốt. (Ảnh minh họa)

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của sửa đổi lần này là vấn đề nâng cao khung Pháp Luật bảo vệ nhà đầu tư mà cụ thể là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

Đây là nội dung nhận được nhiều sự chú ý trong bối cảnh tính minh bạch của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế, người dân chưa đủ lòng tin với người đứng đầu doanh nghiệp.

Theo thống kê, trong hai tháng đầu năm nay, có tới hơn 28.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm hơn 16.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái; khoảng 9.300 doanh nghiệp chờ giải thể.

Trung bình mỗi tháng có hơn 14.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh một số rào cản trong quá trình khởi sự kinh doanh, vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng là điểm yếu của doanh nghiệp khi thành lập mới, đặc biệt là đối với mô hình công ty cổ phần.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, mục tiêu của Chính phủ tại các Nghị quyết là phải phát triển doanh nghiệp không chỉ đông về số lượng mà phải tạo ra nhiều doanh nghiệp chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta nhận thức chung chưa đầy đủ và đúng đó là vấn đề quản trị doanh nghiệp với sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp muốn lớn phải quản trị tốt.

"Quản trị tốt sẽ giúp mỗi khi công ty huy động vốn thì như vậy các cổ đông, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền để mua cổ phần và như vậy công ty sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn. Đồng thời cũng sẽ giúp được công ty tránh được những tranh chấp nội bộ mà đôi khi công ty phát triển đến một mức độ nào đó mà tranh chấp nội bộ có thể làm ảnh hưởng tới đến hoạt động kinh doanh, thậm chí là phá sản, giải thể doanh nghiệp", ông Phan Đức Hiếu nêu rõ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tại các công ty cổ phần, quyền cổ đông rất quan trọng. Khi các quy định của Pháp Luật doanh nghiệp càng rõ ràng, minh bạch, nhà đầu tư càng có động lực lớn đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Bảo vệ quyền lợi của cổ đông là vấn đề quan trọng đang đặt ra trong hoạt động quản trị doanh nghiệp hiện nay.

Mục tiêu của Chính phủ tại các Nghị quyết là phải phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. (Ảnh: Nguyễn Hằng/VOV1)

Tuy nhiên, hiện một số quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình. Do đó, giải pháp để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và bảo vệ cổ đông thì sẽ giúp tạo thuận lợi hơn nữa cho quá trình khởi sự kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù các quy định Pháp Luật đã thường xuyên cập nhật các thông lệ, nguyên tắc quốc tế tốt nhất của quản trị doanh nghiệp, nhưng thực tế chất lượng quản trị của các doanh nghiệp nước ta vẫn chưa tốt như nhiều nước. Đó là đằng sau không ít công ty cổ phần, tỷ lệ góp vốn vẫn là các ông chồng, bà vợ cùng với con cái là kế toán…

Vì thế, các công ty cổ phần này chỉ là cái tên, còn bộ máy, chức năng quản trị vẫn bé. Nhiều doanh nghiệp có vẻ “hoành tráng” nhưng khi kiểm toán, công khai báo cáo tài chính thì lại hoàn toàn khác.

Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị: "Sứ mệnh của Luật Doanh nghiệp thời gian tới phải thúc đẩy chất lượng quản trị và phải trình Bộ trưởng, Chính phủ có chương trình kèm theo để tăng cường, thúc đẩy chất lượng quản trị, phải hình thành một hệ sinh thái. Ở các nước họ có điều lệ mẫu phải có viện về quản trị, Hiệp hội để tăng cường chức năng quản trị để doanh nghiệp thúc đẩy quản trị này để các cổ đông thiểu số có những kiến nghị, bảo đảm quyền của mình".

Trong bối cảnh tính minh bạch của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế, người dân chưa đủ lòng tin với người đứng đầu doanh nghiệp, việc sửa đổi các quy định của Pháp Luật để bảo vệ quyền lợi cổ đông, nhất là nhóm cổ đông thiểu số là cần thiết nhằm tăng mức độ an toàn cho cổ đông, tạo khả năng huy động vốn trong dân cư.

Qua đó, cũng nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật