Kinh tế tập thể: Gắn kết để cùng phát triển

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên địa bàn H.Long Thành hiện có nhiều đơn vị kinh tế tập thể hoạt động khá hiệu quả. Điểm mạnh của các đơn vị này là tập hợp được những người nông dân có cùng chí hướng, chịu thay đổi cách làm để tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, đảm bảo về số lượng.
Kinh tế tập thể: Gắn kết để cùng phát triển
Đoàn công tác Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình nuôi bò sữa tại xã Lộc An, H.Long Thành

Ngoài ra, các đơn vị kinh tế tập thể còn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để xã viên được mua sản phẩm và dịch vụ đầu vào tốt, bán sản phẩm cho các khách hàng lớn, ổn định.

* Bỏ dần thói quen “mạnh ai nấy làm”

Từ một hộ trồng nấm rơm đơn lẻ với số lượng hạn chế, chủ yếu bán ở chợ, bà Nguyễn Thị Liên (ngụ xã Bình Sơn) thành lập tổ hợp tác, rồi phát triển thành HTX Nông nghiệp xanh (xã Lộc An). Sản phẩm của đơn vị đã trở thành mặt hàng ở hầu hết các vùng, miền trên cả nước và từng bước xâm nhập vào thị trường Campuchia. Giai đoạn cao điểm, HTX cung cấp cho thị trường 300kg nấm rơm tươi/ngày, 6-7 tấn nấm rơm giống/tháng.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân H.Long Thành cho rằng, sản phẩm nông nghiệp của địa phương đa dạng, sản lượng khá lớn, nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Thời gian tới, Hội sẽ tham mưu cho chính quyền xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cần phải nhân rộng các mô hình hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị và đảm bảo theo yêu cầu của thị trường; tiến tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và đẩy mạnh kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh, lúc khởi đầu, cả xã có vài hộ trồng nấm rơm nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu trồng dưới tán cây ăn quả, năng suất không ổn định. Khi bà đi vận động người dân trồng nấm trong nhà kín không ai mặn mà bởi trước giờ họ chưa trồng nấm trong nhà, chi phí đầu tư lớn, giá nấm thất thường và chưa có đầu ra. Bà Liên tiên phong dựng nhà trồng nấm rơm. “Mô hình này có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất, tận dụng được phế thải của ngành công nghiệp. Đất sau khi trồng nấm có thể xử lý làm phân bón cho các loại cây trồng hoặc trồng rau” - bà Liên cho hay.

Thấy mô hình của bà cho thu nhập, các hộ nông dân các xã Lộc An, Bình Sơn tự đến học tập và làm theo. Hiện tại, sản phẩm nấm rơm của HTX Nông nghiệp xanh đang được tiêu thụ tại 2 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch (hơn 10 điểm bán) ở Q.2 và Q.7, TP.HCM; một doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm sạch vào trường học ở Đồng Nai và xuất bán sang Campuchia. Không chỉ bán nấm tươi, HTX còn cung cấp giống cho các trang trại nấm rơm trong cả nước với số lượng 6-7 tấn/tháng.

Cùng suy nghĩ hợp tác để phát triển, bà Đỗ Thị Thơm, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bàu Tre (xã Bình Sơn) cho biết, sản phẩm của HTX được chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.Biên Hòa và hệ thống cửa hàng sầu riêng 9 Phẻ (TP.HCM) đặt hàng bao tiêu giá hơn 100 ngàn đồng/kg (cao gần gấp 2 lần giá thị trường) bởi chất lượng sầu riêng ngon, có chứng nhận VietGAP và đảm bảo được nguồn hàng lớn cho khách.

Cách làm của bà Thơm là vận động các hộ cùng trồng sầu riêng vào HTX và chịu bán sản phẩm cho HTX, làm chứng nhận mã sản phẩm hàng hóa cho trái sầu riêng và tuyên truyền các nhà vườn để sầu riêng chín rụng thu bán giá cao chứ không cắt già.

“Sầu riêng Long Thành nổi tiếng thơm ngon nên thương lái thường đặt hàng và bao trọn vườn non. Tôi phát triển được vùng nguyên liệu cho HTX vì cam kết bao tiêu đầu ra với giá cao cho nông dân” - bà Thơm cho hay.

* Sản xuất theo yêu cầu thị trường

Theo nhiều nông dân, để sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, bền vững, người nông dân nhất thiết phải thay đổi tư duy, thói quen trong sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như gia đình bà Thơm, từ vườn cây tạp, sản phẩm chủ yếu bán tại vườn, bị tư thương ép giá, hiệu quả kinh tế mang lại thấp, bà đã chủ động thay đổi, từ cách bón phân, xịt thuốc cho đến quảng bá bán sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) thăm quan mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín tại HTX Nông nghiệp xanh, H.Long Thành

“Tôi có thời gian làm việc nhiều năm tại TP.HCM nên biết cách khai thác các kênh tiêu thụ, thay vì “bán non” cho thương lái. Ban đầu tôi nhắm đến người quen, rồi chạy xe máy đến các khu công nghiệp lân cận, các cửa hàng trái cây ở TP.Biên Hòa, TP.HCM để chào hàng. Sau này, tôi quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, kênh YouTube, tới đây là lập website. Đến mùa, sầu riêng của HTX luôn bị hụt nguồn cung cho các bạn hàng lớn, dù giá gần gấp đôi giá chợ” - bà Thơm cho hay.

Cũng theo bà Thơm, muốn có được đầu ra và giá bán cao, ổn định thì việc tạo niềm tin và xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sạch là yếu tố then chốt. Bởi, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ở thành phố đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm đảm bảo sạch, chất lượng thì giá cao người dùng cũng sẵn sàng.

Là HTX chăn nuôi duy nhất được xuất khẩu trực tiếp sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (xã Tân Hiệp) cho rằng, nếu không có liên kết trong sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp, không thay đổi thói quen và tư duy sản xuất thì sản phẩm khó trở thành hàng hóa có thương hiệu trên thị trường.

“Tôi thành lập HTX vì chỉ một vài trang trại không đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Chúng tôi liên kết rất nhiều thành viên gồm những người chăn nuôi có cùng mục đích, các doanh nghiệp: cung cấp con giống, sản xuất cám đủ chuẩn xuất khẩu, đơn vị thu mua. Mỗi khâu, mỗi công đoạn, mỗi thành viên liên kết đều phải thay đổi theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn, đảm bảo duy trì về số lượng và chất lượng mới đưa con gà xuất khẩu đi Nhật Bản được” - ông Quyết cho hay.       

Theo đánh giá của các đơn vị kinh tế tập thể có sản phẩm hàng hóa, có đầu ra ổn định trên địa bàn H.Long Thành, để các mặt hàng nông sản địa phương giữ vững được thị trường trong nước, tạo nền tảng xuất khẩu, bên cạnh đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc đảm bảo các tiêu chí khắt khe của người dùng như mẫu mã, bao bì, kích cỡ sản phẩm là rất cần thiết. Đặc biệt nên gắn địa danh cho sản phẩm để khẳng định thương hiệu với người dùng, chẳng hạn, sầu riêng VietGAP Long Thành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật