Tôm nướng mọi, cá bông lau kho tiêu, những mồi bén miền Tây rồi có còn không?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL đã hơn 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm trong khoảng 10 năm qua, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Qua thời chạy lũ, một bộ phận dân cư vùng ven sông biển miền Tây phải lo chạy lở.
Tôm nướng mọi, cá bông lau kho tiêu, những mồi bén miền Tây rồi có còn không?
ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất của nước ta, đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nặng. Ảnh: Uyên Viễn.

Xem Video: Các xã cù lao nỗ lực ứng phó xâm nhập mặn

//

Hiện tượng "sông khát, nước đói ngoạm bờ, biển ăn, người chạy" liệu có là nguy cơ biến mất mấy món ngon của vùng sông nước?

Báo động đỏ “4 năm = 100 năm”

Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chính con người với các kiểu làm đập thủy điện treo “những túi nước khổng lồ” trên đầu Mê Kông, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước dòng chính, hay khai thác cát bừa bãi, khoan giếng nước ngầm tràn lan tạo ra các “mành lưới” dưới lòng đất đã tạo ra hiện tượng sông khát (thirsty river) vì khô hạn, nước đói (hungry water) vì thiếu phù sa phải ăn vào bờ gây sạt lở, sụt lún đất.

Gặp năm thời tiết cực đoan El Nino như năm nay, mưa ít, nước đầu nguồn Mê Kông thiếu hụt lượng lớn, trong khi các đập thủy điện càng tích nước hồ chứa để đảm bảo vận hành phát điện, tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực tích lũy, liên hoàn lên tài nguyên nước xuyên biên giới dồn xuống ĐBSCL là cửa ngõ ra biển Đông của dòng Mê Kông.

Sông cạn, thiếu nước ngọt, thiếu lượng phù sa, theo quy luật “cân bằng tự nhiên” nước biển vượt qua các cửa sông lấn sâu vào nội địa, tất yếu gây hạn mặn gay gắt.

Trong khi lượng phù sa dòng Mê Kông bị nghẽn mạch, thì khai thác cát tràn lan, đê bao chặn dòng trao đổi dinh dưỡng giữa sông và những cánh đồng, các túi chứa nước khổng lồ như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún, tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, cùng với tác động thủy triều gây sạt lở.

Các thị trấn, thị tứ đông đúc mọc lên, nhiều kè lấn sông, xây công trình ngay bên bờ sông và những lỗ hổng trách nhiệm trong quản lý như bồi thêm những cú đấm hội đồng, “nện” thêm vào phần đất vốn yếu, mỏng do bị nước xâm thực, làm gia tăng sạt lở khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL đã hơn 1,1cm/năm, có nơi 2,5cm/năm trong khoảng 10 năm qua, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Qua thời chạy lũ, một bộ phận dân cư vùng ven sông biển miền Tây phải lo chạy lở. Sông khát, nước đói ngoạm bờ, biển ăn, người chạy.

Hạn, mặn, sạt lở không phải bây giờ mới có, nhưng chính con người đã làm nó nguy hiểm hơn. Nếu năm 2016 được ghi nhận là trận hạn mặn lịch sử trăm năm mới xảy ra, thì nay chỉ sau 4 năm lại xuất hiện trận hạn mặn vượt mốc lịch sử đó. Nước biển đã lấn sâu vào nội địa vượt mức kỷ lục hơn trăm cây số, khốc liệt hơn nhiều so với trước.

Sụt lún, sạt lở trước đây thường xảy ra trong mùa mưa, nước lớn, thì nay xảy ra ngay trong mùa kiệt, lúc khô hạn. Điều đó cho thấy quy luật thiên tai thay đổi, thường xuyên hơn, hung dữ hơn. Chỉ bốn năm đã lặp lại một trận hạn mặn lịch sử mới thay cho trăm năm trước đây là một chỉ dấu báo động tác hại của nhân tai chứ không chỉ có thiên tai.

Văn hóa ẩm thực có còn không?

Mồi bén liên quan gì hạn mặn? Ẩm thực miền Tây có bị mai một? Hiện tượng sông khát, nước đói, sụt lún đang diễn ra gay gắt ở đồng bằng có là nguy cơ biến mất mấy món ngon của vùng sông nước?

“Từ điển từ ngữ Nam Bộ”, NXB. Chính trị quốc gia năm 2009 của TS. Huỳnh Công Tín định nghĩa, “mồi” hay “mồi màng” là thức nhắm, thức ăn dùng để uống rượu, nhưng trong phương ngữ miền Tây, theo mấy ông nói chữ là “đặc sản vùng, miền”, còn dân xứ này gọi nôm na là “mồi bén”.

“Mồi bén” miền Tây nhiều vô kể, chủ yếu là sản vật tự nhiên, của trời cho, chỉ vùng này mới có. Nhưng không ít món xứ khác cũng đầy mà chỉ ở xứ này mới ngon, mới lạ. Nhiều loài thủy sản như cá kèo, cá cóc, cá hô, cá bông lau, cá thòi lòi… nghe tên thấy tò mò, tìm hiểu “đời tư” mỗi loài cũng ly kì chẳng thua gì mấy tay hảo hán Nam Bộ tung hoành sông nước.

Giới hạ bạc miền Tây cũng đã từng nổi danh các tay săn cá chuyên nghiệp, tính cách phóng khoáng, tay nghề “cứng cựa”, hiểu biết từng khúc sông như thuỷ thần. 

Cuộc đời họ gắn với nghề qua các giai thoại li kì như cha ông họ xưa đi phá sơn lâm, đâm hà bá, mở cõi đất phương Nam. Không ít nhà văn, nhà báo viết truyện nhiều kỳ kể chuyện săn cá hô, cá bông lau, mùa ba khía hội hấp dẫn.

Nhắc chuyện viết lách, ngẫm ra ngôn ngữ miền Tây cũng mang đậm dấu ấn đa dạng sinh học. Khi đa dạng sinh học bị thách thức trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thì đặc sản ngôn ngữ vùng miền cũng bị đe dọa. 

Người miền này hay nói “nằm thở cá thác lát” để chỉ người “long thể bất an”; “sung ba khía” thể hiện sự sung sức kiểu phái mạnh không cần dùng đến “rượu ông uống bà khen”. Xưa đi xem hát cải lương, phải mua vé “hạng cá kèo” là không được ngồi ghế, đứng coi loi ngoi như cá kèo ngớp lên mặt nước…

Nhờ mối lương duyên “sông-biển”, không ít loài thủy sản sống ở cả 3 môi trường nước, nước ngọt, nước lợ, nước mặn. 

Nước ngọt từ hệ thống sông dài hơn 28.000 cây số của đồng bằng qua các cửa sông chảy ra biển, làm cho biển mặn vừa phải, nhiệt độ vừa phải, vừa cung cấp chất dinh dưỡng phù sa, tạo môi trường đa dạng sinh học cho nhiều loài thủy sản phát triển.

Mặc dù bờ biển ĐBSCL chiếm chưa đến ¼ bờ biển quốc gia, nhưng sản lượng thủy sản đánh bắt hơn tất cả các vùng miền cả nước gộp lại. So ra quốc tế, bờ biển vùng này tuy nhỏ hơn 40 lần bờ biển của nước Úc, nhưng sản lượng cá của 1 trong 13 tỉnh của ĐBSCL cũng ngang bằng với một nước của người ta.

Cá bông lau (pangasius krempfi) thuộc chi cá tra, sống nước ngọt nhưng là loài di trú, có một thời gian sống ở các vùng nước ven biển và một thời gian di cư vào sông thuộc hệ thống Mê Kông mà không phải là sông khác nên thành đặc sản. Cá kèo cũng là loài thủy sản đặc trưng của ĐBSCL, có nhiều ở vùng nước lợ, nước mặn, rừng ngập mặn và cửa sông.

Ngay con tôm càng xanh (macrobrachium rosenbergi) lâu nay nhiều người nghĩ là loài thủy sản nước ngọt, hóa ra cũng cần môi trường biển để sinh trưởng. Con tôm được kỳ vọng góp sức làm nên “công xưởng nuôi tôm thế giới” cũng đang bị đe dọa môi trường sống.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh tại Cà Mau chỉ còn từ 0,5 - 1m. Các kênh mương nội đồng đã khô cạn. 

Sau mấy mươi năm người ta hô hào đắp đê biển ngăn mặn, giữ ngọt và ngọt hóa bán đảo Cà Mau được xem như thành tích khai phá thời kỳ đổi mới, thì mới đây có ý kiến đề nghị bơm nước mặn từ biển vào sông ở vùng ngọt hóa vốn đang khô cạn, để tăng áp lực nước lên các bờ kênh với hi vọng làm giảm thiểu nguy sơ sụp lún, sạt lở.

Trước biến đổi của thiên nhiên, con người đang trong vòng luẩn quẩn. Thế mới biết giá trị của “nguyên tắc không hối tiếc”, “quyết định đầu tư dựa trên chi phí và lợi ích”. Khi “sông khát, nước đói, sụt lún” làm mất cân bằng hệ thống thì cần được nhận diện hệ thống với sự tiếp cận đa ngành, tăng cường phối hợp liên ngành. 

Cần một chiến lược tổng thể "cân bằng nước", nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên đất và nước bền vững mà nhiều người đang nói đến việc chủ động thích ứng “thuận thiên”.

Tôm càng xanh nướng mọi, hấp nước dừa, xào tỏi, cá kèo, bông lau kho tiêu, hay nấu canh chua… là những món ngon, mồi bén miền Tây, hay ngôn ngữ thật thà, chất phác là đặc sản đồng bằng đa dạng sinh học rồi có còn không?

Nó phụ thuộc vào tư duy phát triển và hành động của con người. Đừng để mấy mươi năm sau, người đồng bằng chỉ biết các món đặc sản ngày nay qua chuyện kể như giai thoại bác Ba Phi hay đọc “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam xưa mà thôi!  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật