Xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường giảm sâu

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước tháng 1/2020 ước đạt 556 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều thị trường giảm sâu.
Xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường giảm sâu
Chế biến cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: T.H.

Nhiều thị trường bị tác động

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2020, do nghỉ Tết Nguyên đán, XK thủy sản của cả nước trong tháng 1 giảm sâu, chỉ đạt khoảng 556 triệu USD.

Trong đó, XK tôm đạt khoảng 251 triệu USD, tăng 7%, XK cá tra đạt 75 triệu USD, giảm 64%. XK các mặt hàng hải sản đạt 230 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó XK cá ngừ giảm 30% đạt khoảng 40 triệu USD, XK mực- bạch tuộc giảm 50% còn 33 triệu USD.

Về thị trường nhập khẩu, mặc dù trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng XK sang thị trường EU trong tháng 1 vẫn tăng 13% đạt 127 triệu USD. XK sang hầu hết các thị trường chủ lực khác đều giảm đáng kể, trong đó XK sang Mỹ giảm mạnh 36% còn 75 triệu USD, trong khi XK sang Nhật đạt 98 triệu USD, giảm 20%, XK; thị trường Trung Quốc và Hồng Kong  đạt 51,5 triệu USD, giảm 45%.

Tình hình dịch bệnh corona chưa ảnh hưởng đến kết quả XK thủy sản Việt Nam trong tháng 1, nhưng từ tháng 2 (sau Tết Nguyên đán), đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh XNK thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020. Không chỉ XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng mà XK sang các thị trường khác cũng bị tác động.

Kỳ vọng tăng trưởng sau quý I

Theo VASEP, XK qua các cửa khẩu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, vì thế việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch corona có thể làm giảm ít nhất 20% XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

Nhu cầu tiêu thụ giảm do các chuỗi bán lẻ thực phẩm, các nhà hàng ẩm thực đóng cửa hàng loạt; Hoạt động trao đổi, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn; Đơn hàng bị chậm trễ hoặc không kí thêm được hợp đồng mới; Hoạt động sản xuất trong nước đình trệ vì các nhà máy thiếu công nhân; Hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng Trung Quốc cũng không thể sang Việt Nam theo lịch trình.  Không chỉ hoạt động giao thương qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Một số lượng đáng kể DN XK sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ làm giảm doanh số thủy sản XK nói chung, và sẽ tác động đến các thị trường khác trong khu vực vì chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á.

Trong trường hợp khả quan nhất là dịch Covid-19 hết trong quý I, XK thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ bị giảm ít nhất là 40% so với quý trước, đạt khoảng 265 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng 10%. XK thủy sản trong các quý tiếp theo sẽ hồi phục so với quý I và guồng SX XK lại vận hành bình thường trong nửa cuối năm, dự báo XK cả năm sang Trung Quốc có thể đạt 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ 5% so với năm 2019. Với kết quả này, tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam cả năm 2020 có thể vẫn giữ được tăng trưởng 8% so với năm 2019 đạt 9,25 tỷ USD.

Tình huống xấu hơn, nếu dịch Covid-19 kéo dài hơn nữa, thì hệ lụy sẽ lớn hơn, sản xuất – XK có thể bị ảnh hưởng và đình trệ nghiêm trọng hơn, có thể đến tháng 8. Khi đó, XK sang Trung Quốc nửa đầu năm sẽ giảm 30% còn 400 triệu USD, XK nửa cuối năm tăng 10% sẽ đạt 930 triệu USD.

Như vậy, tổng XK thủy sản sang Trung Quốc cả năm sẽ đạt khoảng 1,33 tỷ USD, giảm 6%. Với kịch bản xấu hơn, XK sang Trung Quốc giảm, XK sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng, tổng XK thủy sản của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ tăng 3-4% đạt 8,9 tỷ USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật