Sự lây lan của những bất đồng thương mại tự do và hệ lụy

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang bị thay thế bởi sự lan tràn của những bất đồng thương mại tự do (FTD). Không giống như FTA, FTD không dễ gì đo đếm hay định nghĩa được.
Sự lây lan của những bất đồng thương mại tự do và hệ lụy
Ảnh minh họa

Clip: Liên minh châu Âu (EU) hoãn lại việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam

Sự lan tràn của FTD

Chỉ mới đây thôi, các nhà kinh tế còn lo lắng về những tác động của sự phát triển tràn lan các FTA song phương đối với hệ thống thương mại đa phương. Số lượng các FTA có ít nhất một nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) - trung tâm của sự nở rộ FTA - tham gia đã tăng gấp 4 lần, từ 39 (năm 2000) lên 159 (năm 2019). Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, chỉ có 3 FTA được đi vào thực thi.

Ở cấp độ đa phương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phải cơ cấu lại sau khi Mỹ, đối tác quan trọng nhất, rút khỏi Hiệp định. Các thành viên còn lại phải vật lộn để đưa TPP vào thực thi với một phiên bản thấp hơn rất nhiều. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng đã phải thu hẹp khi Ấn Độ quyết định không tham gia.

FTA đang bị thay thế bởi sự lan tràn của những bất đồng thương mại tự do (FTD). Không giống như FTA, FTD không dễ gì đo đếm hay định nghĩa được. FTD bao gồm hàng loạt những hành động và bất hành động, khó lượng hóa nhưng có thật. FTD xảy ra khi một quan hệ thương mại tự do bị xem là không công bằng cho ít nhất một bên tham gia. Khi lợi ích (hoặc tổn hại) của việc tự do hóa thương mại bị các bên cho rằng không được phân phối công bằng, khi đó, căng thẳng xảy ra, dẫn tới FTD.

FTD cũng xảy ra khi có những chuyển đổi mạnh mẽ về phân phối sức mạnh kinh tế toàn cầu. Khi quy mô kinh tế của các đối thủ kinh tế đạt đến trình độ mang tính thống trị, nguy cơ mâu thuẫn cũng gia tăng theo. Trường hợp của Nhật Bản trước đây và Trung Quốc hiện nay là các ví dụ, sự phản ứng bùng phát khi GDP của họ vượt quá 60% GDP của Mỹ.

Và khi các thế lực kinh tế lớn nổi lên, họ thường phát triển bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác hiện có, kết quả là làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau, trên lý thuyết, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xung đột, nhưng thực tế hiếm khi như vậy. Điều này thường dẫn đến một xu hướng không thể đảo ngược là sự xung đột và điều mà người ta có thể làm được là kiềm chế và giảm thiểu các hậu quả của nó. Tới nay thì người ta cũng làm được rất ít.

FTD và những tác động đến luật lệ thương mại

Có thể thấy rõ FTD làm giảm những lợi ích của một nền thương mại tự do và gây ra nhiều phí tổn gắn với sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Các thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng gia tăng mạnh. Các nước đang phát triển cũng đang tiến hành các hành động chống lại các nước phát triển, trong khi trước đây chỉ có chiều ngược lại. Các hình thức khác của “chủ nghĩa bảo hộ trá hình” cũng gia tăng - từ việc lạ‌m dụn‌g các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe đến việc sử dụng tràn lan các khoản trợ cấp bất hợp pháp và các thỏa thuận mua sắm hạn chế.

Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ có thể là nguyên nhân hoặc hậu quả của FTD và những hành động trả đũa càng làm cho việc này trở thành căn bệnh kinh niên. Đôi khi, việc đối phó với chủ nghĩa bảo hộ bao gồm việc gỡ bỏ một ưu đãi thay vì áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt. Nếu FTA được mô tả là các thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, thì FTD có thể định nghĩa là tạo điều kiện cho những bất đồng thương mại.

Ở cấp độ nền tảng, hiệu quả của một trật tự dựa trên luật lệ thương mại đang phải đối mặt với rủi ro. WTO giám sát một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, nhưng vai trò và ảnh hưởng của tổ chức này đang ngày càng bị thu hẹp. Mỹ đã ngăn việc bổ nhiệm các thành viên Hội đồng thẩm phán của cơ chế giải quyết tranh chấp. Nếu không có thêm thành viên được bổ nhiệm vào tháng 12/2019, Ban Bồi thẩm của WTO sẽ phải dừng hoạt động.

Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc góp phần làm yếu thêm trật tự thương mại dựa trên luật lệ khi tạo ra hiệu ứng domino. Mỹ cũng tạo ra những xích mích thương mại nhỏ hơn với Ấn Độ, EU, gây ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu nhôm, thép. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang gia tăng những tranh cãi thương mại. Tình trạng này có thể tiếp tục xấu đi.

Các cuộc chiến thương mại dễ khởi động nhưng khó kết thúc. Không những nó có thể leo thang một cách nhanh chóng mà còn có thể lan ra những vấn đề khác, những lĩnh vực và khu vực khác và có thể châm ngòi cho các cuộc chiến mới. Sự lây lan của các FTD nguy hại hơn sự lan tràn FTA rất nhiều. Hiện tượng FTD đe dọa hủy hoại trật tự dựa trên luật lệ và sẽ phải mất hàng thập kỷ để vãn hồi và đôi khi không thể sửa chữa được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật