Nhìn cánh cửa phòng cấp cứu đóng im ỉm, lòng tôi nóng như lửa đốt, chỉ mong cho thời gian trôi qua thật nhanh, mau chóng có kết luận của bác sĩ, để biết được bệnh tình của mẹ chồng tôi ra sao…
Thường ngày, công việc bận tối mắt, tối mũi, chẳng mấy khi tôi có thời gian chuyện trò với mẹ chồng, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Vì vậy, mỗi khi bà đau ốm, lòng tôi luôn có cảm giác lo lắng, trĩu nặng…
Bố chồng tôi mất khi mẹ chồng tôi còn rất trẻ. Dù có rất nhiều người theo đuổi, nhưng mẹ chồng tôi quyết định ở vậy nuôi ba con khôn lớn. Chồng tôi là con trai duy nhất, nên được mẹ và các chị rất cưng chiều. Tuy nhiên, anh rất ý thức được hoàn cảnh của mình, thương mẹ và các chị nên cố gắng học hành thành đạt. Khi vợ con, nhà cửa ổn định, chồng tôi đã đón mẹ lên sống cùng, giao lại nhà cửa, ruộng vườn dưới quê cho các chị gái chăm sóc hộ mẹ.
Về nhà, tôi lại phải đóng vai một nàng dâu hiền thục, ăn mặc kín đáo, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. (ảnh minh họa)
Ban đầu, tôi thấy thật khó thích nghi với lối sống quê mùa của mẹ chồng. Từ cách sắp đặt công việc, đến duy trì nề nếp sinh hoạt, mẹ chồng tôi đều bê nguyên xi cách sống dưới quê, áp dụng vào cuộc sống thành thị. Chẳng hạn, buổi sáng bà thường dậy rất sớm. Rón rén mở cửa, bà ra quét dọn, thu vén nhà cửa tinh tươm, đun nước đổ đầy các phích, rồi ra nhà ngoài hứng ánh sáng mờ mờ ngồi têm trầu bỏm bẻm.
Tối đến, mẹ chồng tôi chỉ quanh quẩn sắp xếp việc nhà, bày trò chơi với thằng cu Bi, rồi hai bà cháu rủ nhau chui vào giường. Mà thằng cu Bi cũng mê bà nội đến lạ, lúc nào cũng một điều phần bà cái này, phần bà thức kia, đòi bà kể chuyện cổ tích, hát ru… Nhiều khi, tôi muốn cho con đi siêu thị, đi chơi phố, ăn quán, nhưng mẹ chồng không muốn đi, nên tôi lại phải hủy bỏ dự định.
Đường đường là một phó phòng nhân sự. Chức vụ không quá cao, nhưng tôi cũng được quyền nói, quyền làm, quyền quyết định. Vậy mà, về nhà, tôi lại phải đóng vai một nàng dâu hiền thục, ăn mặc kín đáo, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói.
Có lần, thấy tôi ngồi chăm chú xem biểu diễn thời trang, trầm trồ với những mốt váy áo, mẹ chồng tôi đến ngồi bên cạnh, bà bảo: “Mẹ thằng cu Bi dạo này không thấy mặc mấy cái váy mới hả con? Đừng cất mãi trong tủ, nó hoài phí đi. Con thích váy thì cứ bỏ ra mà mặc. Ăn mặc miễn sao cho thoải mái, phù hợp, đúng chỗ, đúng lúc là được con ạ…”.
Tôi tròn mắt nhìn mẹ chồng, hóa ra bà đâu phải người khắt khe, bà chỉ “phải cái tội” tiết kiệm thôi. Những quần áo mới tôi mua biếu, bà thích lắm, nhưng cứ xuýt xoa tiếc tiền, rồi đem cất kĩ trong ngăn tủ, thỉnh thoảng mới dám lôi ra mặc, bà bảo “đừng so bì với mẹ, mẹ già rồi, cần sạch sẽ ngay ngắn hơn là cần đẹp”.
Về chuyện ăn uống, mẹ chồng tôi vô cùng tiết kiệm, tiết kiệm “đến sốt hết cả ruột”. Nếu như tôi thường áp dụng kiến thức khoa học vào nếp ăn, nếp ở, thì mẹ chồng lại coi trọng cái “thuần tự nhiên”. Thức ăn thừa tôi thường bỏ đi, mẹ chồng tôi lại gói ghém, đậy điệm cẩn thận, bà thường bảo “mắm thối để đầu chạn”, “ăn bữa nay phải nghĩ đến bữa mai”…
Thật sự, nhiều khi tôi đã cảm thấy không có “tiếng nói chung” giữa mẹ chồng nàng dâu. Tôi cũng từng buồn bực, giận dỗi. Những lúc đó, chồng tôi lại là người đứng giữa, công bằng phân giải đúng sai, tôi cũng dần hiểu ra những cái được và chưa được của chính mình.
Rồi cái cách mẹ chồng tôi vun vén từng bữa ăn, giấc ngủ cho con cháu, luôn nhận phần thiệt thòi về mình, khiến tôi mỗi ngày phải thay đổi quan điểm, thích ứng hơn với tính cách, lối sống của mẹ chồng.
Lúc mẹ chồng tôi nằm một chỗ, ngong ngóng con cháu vào thăm, đón từng miếng cháo con dâu tận tay đút, tôi thấy lòng trào dâng một tình thương yêu ruột thịt…
(ảnh minh họa)
… Vậy mà, bây giờ mẹ chồng tôi nằm đây, bà bị đột quỵ, hôn mê đã hai ngày nay. Chồng tôi đi công tác, anh lo lắng gọi điện về liên tục để hỏi han bệnh tình của mẹ.
… Cánh cửa phòng cấp cứu bật mở, bác sĩ mời tôi vào thông báo tình hình của mẹ chồng. Theo lời bác sĩ, mẹ tôi có dấu hiệu teo não, liệt nhẹ nửa người, cần dùng thuốc đặc trị cộng với tập luyện kiên trì để phục hồi. Bác sĩ còn nói, thời gian đầu, người bệnh phải ăn uống, vệ sinh tại chỗ, nếu không tận tâm khó mà chăm sóc được…
Mẹ chồng tôi ốm đúng vào mùa cấy, các chị chồng rất lo lắng nhưng không thể bỏ ruộng vườn mà lên chăm mẹ ngay được. Tôi quyết định xin nghỉ phép năm, để có điều kiện chăm sóc mẹ chồng thật chu đáo. Tôi cứ đi đi, về về như con thoi từ nhà đến bệnh viện, rồi chạy đôn đáo ra chợ, đón cu Bi, tranh thủ gửi gắm thằng cu, rồi lại vào bệnh viện… Mệt phờ phạc, nhưng tôi thấy rất vui, khi mỗi ngày được nhìn thấy dấu hiệu phục hồi của mẹ chồng.
Bác sĩ nói, nếu sức khỏe mẹ chồng tôi cứ chuyển biến theo chiều hướng tốt như thế, chỉ hết tuần có thể ra viện. Tôi nghe mà trào nước mắt. Lúc mẹ chồng tôi nằm một chỗ, ngong ngóng con cháu vào thăm, đón từng miếng cháo con dâu tận tay đút, tôi thấy lòng trào dâng một tình thương yêu ruột thịt…
Chồng tôi gọi về thông báo, anh đang cố gắng sắp xếp công việc để kết thúc chuyến công tác vào dịp cuối tuần để về đón mẹ. Lúc chiều đến bệnh viện chăm mẹ chồng, tôi nghe được lời xầm xì của những người chăm bệnh nhân cùng phòng mẹ chồng, họ khen tôi chu đáo, sạch sẽ, tận tình thương yêu mẹ chồng như mẹ đẻ, có người còn chép miệng ước ao, giá mà họ cũng có được người con dâu hiếu thảo như tôi…
Lòng tôi trào dâng những xúc cảm hạnh phúc, đúng là “dâu hiền nên gái”, tôi đã phải học hỏi rất nhiều để có thể trở thành một người con dâu biết ứng xử đúng mực. Những điều này tôi học hỏi được ở chính cách sống giản dị, nghĩa tình của mẹ chồng. Và, để giữ được chân người chồng giỏi giang, thành đạt, tôi còn phải hỏi hỏi thêm rất nhiều nữa…