Truyện ngắn: San hô đỏ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi và An đi dọc theo bãi cát. Đêm nay trời có trăng. Vầng trăng non xanh xao mọc ở đằng đông phía biển. Những lượn sóng bạc đầu từ phía xa xô đẩy, rượt đuổi nhau, ầm ì rồi vỡ tan, tràn lên mé cát. Gió bấc đầu đông ào ào lạnh lẽo. An nép vào người tôi. Tóc nàng bay lỏa xỏa vương vấn vào vai tôi, thoang thoảng chút mùi hương quyến rũ! Biển sáng mờ ảo, thăm thẳm, mịt mùng và mênh mông bí ẩn!
Truyện ngắn: San hô đỏ
Ảnh minh họa

“Anh có thấy bông san hô đỏ chưa?”

“Anh chưa thấy bao giờ! Và chắc là không có loài san hô như vậy”

“Tại anh chưa gặp đó thôi…Em đã từng thấy nó rồi!”

“…?!”

Tôi và An đi dọc theo bãi cát. Đêm nay trời có trăng. Vầng trăng non xanh xao mọc ở đằng đông phía biển. Những lượn sóng bạc đầu từ phía xa xô đẩy, rượt đuổi nhau, ầm ì rồi vỡ tan, tràn lên mé cát. Gió bấc đầu đông ào ào lạnh lẽo. An nép vào người tôi. Tóc nàng bay lỏa xỏa vương vấn vào vai tôi, thoang thoảng chút mùi hương quyến rũ! Biển sáng mờ ảo, thăm thẳm, mịt mùng và mênh mông bí ẩn!

“Thúy An à…”

“Chi anh?..”

“Tóc em thơm quá!...”

An cười, mắt long lanh:

“Anh là người đầu tiên…khen tóc em thơm!”

“Anh nói thật…Không phải nịnh em đâu!”

Chúng tôi băng qua một xóm chài nhỏ còn le lói vài ánh đèn. Những vệt sáng nhàn nhạt hắt ra, nhảy múa trên những lùm cây đầy gió. Trăng lên cao huyền hoặc. Vài con tàu đánh cá nằm nghiêng trên bãi, đèn bão chập chờn leo lét. Bóng những cây dừa hàng hàng lớp lớp, nghiêng ngã, xiu xiu như những ngừoi lính ở tư thế xung phong. Có khá nhiều cây dừa khác ngã theo chiều nghịch lại, gợi cho người ta tưởng tượng về hình ảnh của đoàn quân ra trận- kẻ trước người sau! Chúng tôi như đi lạc một cách vô thức về phía cửa biển- Nơi dòng Ninh Giang nước xanh biếc, chảy len lỏi qua những cánh rừng, những xóm làng, những ruộng đồng, những đồi cát trập trùng rồi đổ ra biển cả.

“Ở ngoài biển xa, thật là xa kia có san hô đỏ!”

“…!?”

“Hồi em còn nhỏ, ba em đã từng mang về cho em!”

“Ba em lúc ấy làm gì?”

“Ba em là chiến sĩ trên tàu Hải quân!”

“Ồ! À, vì vậy mà em thích biển, yêu biển vô cùng phải không?”

Có lần, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện của ba An qua những người khác. Nhưng đêm nay, đi với An bên biển, bổng dưng tôi muốn nghe tất cả những gì thuộc về của An…

x x x

“ Hà…Các người phải rời ngay khỏi đảo!”- Giọng tên chỉ huy phát âm tiếng Việt lơ lớ.

“Đảo này là của Việt Nam. Chúng tôi có chủ quyền không thể tranh cải…”

“Các anh nghe đây. Cách nay mấy thế kỉ, người Trung Hoa đã từng ghé qua nơi này…Cụ thể là ngài Đô Đốc Trịnh Hòa*”

“Ông ta chỉ quá bước…Còn tổ tiên chúng tôi đã ở đây và thực thi Pháp Luật”

“…Các anh có rút khỏi nơi này không?

“Không bao giờ!”

“Chúng tôi sẽ dùng vũ lực để thu hồi đất đai!’

“Không có đất đai gì của các ông ở đây! Biên giới cực Nam của của các ông mấy ngàn năm nay chỉ tới đảo H.N”

“Đùng…đùng…đùng”- Nhiều loạt đạn pháo 37 li, 100 li của những chiếc hạm to lù lù như những tòa nhà nổi trên biển, khạc lửa, bắn chỉ thiên dọa quân ta. Các chiến sĩ Hải quân không hề nao núng, các anh nắm tay nhau thành vòng tròn trên bãi cạn. Nước biển đang lớn, dâng ngập tới thắt lưng. Bọn giặc tức tối, bắn vòng vòng, siết vào theo hình trôn ốc cái vòng tròn của những người lính trẻ nắm tay nhau can đãm, anh dũng một cách phi thường! Đạn bắn chúi xuống nước chiu chíu! Những tia nước văng, phọt lên, tung tóe ra tứ phía, trong nước biển xanh lơ có màu máu đỏ tươi! Những thân người đổ gục. Những tiếng thét gầm phẫn nộ: “Đả đảo quân xâ‌m lượ‌c …Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!” Sau này, trong những dòng hồi ký về trân hải chiến xâ‌m lượ‌c các bãi đá chìm ở quần đảo T.S. năm xưa, những kẻ chủ chiến, tham gia trận đánh không cân sức ngày ấy đã phải ghi lại sự kinh ngạc, sửng sờ: “Cái vòng tròn người đó, cứ như khoan thai chìm xuống biển chứ không hề tan rã, hỗn loạn. Thật lạ thường! Thật vô cùng anh dũng. Bởi vậy, họ - dân tộc ấy, đã từng chiến thắng chúng ta trong lịch sử…(Hải Nam ngày…tháng…năm- Châu Chí Cường- Lính tàu hộ vệ 723, hạm đội Nam Hải)”.

“Có thể máu của những người anh hùng đã tuôn đổ, loang ra, làm nước biển đổi màu, đỏ hồng biêng biếc, sau đó máu đã thấm vào những rạn san hô, khiến chúng có màu đỏ tuyệt đẹp như những bông san hô mà An đã miêu tả!”

Tôi bỗng có nghi gờ! Ngày đó, Thúy An còn bé quá! Có thể nàng chỉ nhớ mang máng những kỉ vật của người cha đã mang về từ biển làm quà cho con gái: Một vài vỏ ốc óng ánh, một vài viên đá, một vài nhánh san hô trắng. “Làm gì có san hô đỏ như huyết!?”. Tôi chưa hề thấy…

“Khi nào thì em không còn gặp ba em?

“Lúc em lên lớp Một, khi ấy em ít gặp ba em nữa!”

“Có nghĩa là em có gặp nhưng ít thôi. Phải không?”

“Dạ!” - Giọng Thúy An chùng xuống: “…Em chưa bao giờ quên được ba em! Thỉnh thoảng, em vẫn thấy ba trở về, mang quà cho con gái! Nhưng…thường chỉ là trong những…giấc mơ!”

“Và trong những món quà ấy, có bông san hô đỏ?”

“Trời ơi!...Sao mà anh biết vậy!?- Thúy An thật sự kinh ngạc, thảng thốt, níu tay tôi, giọng nàng líu ríu!

Tôi ôm An vào lòng, vuốt ve nhẹ mái tóc nàng và nghe vô vàn xúc động. An đã có một tuổi thơ không trọn vẹn so với tôi. An rất đáng được bù đắp bằng những tình cảm thân thương, chân thật.

x x x

Tôi trở về sau những ngày vất vả, gian khổ cùng đồng đội bám biển, tìm cách xua đuổi những kẻ lấn chiếm.

“Bọn họ đã rút giàn khoan rồi!”

“Vì sao bọn chúng lại rút lui? Rõ ràng là lực lượng của họ mạnh hơn ta gấp nhiều lần!”- An vui mừng hỏi tôi.

“Có nhiều lý do em ạ! Nhưng trước nhất là lực lượng thực thi Pháp Luật trên biển của ta kiên quyết đeo bám, tuyên truyền, yêu cầu HD… phải dừng ngay lập tức hành động phi pháp, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam…”

“Theo em nghĩ. Không dễ ngày một, ngày hai họ chịu rút đi…”

“Đúng vậy! Chúng rất ngoan cô, ngang ngược, dùng tàu lớn đâm va, lấn ép, rượt đuổi tàu chấp pháp của ta. Nhưng chúng ta quyết không rời bỏ hiện trường. Quyết làm cho bọn họ phải nản chí!”

"Em xem phóng sự, thấy các anh em mình quả càm quá! Thấy ngư dân mình thật gan dạ không hề khiếp sợ kẻ cướp!”

“Chúng ta có thứ vũ khí rất mạnh, đó là chính nghĩa. dư luận khắp nơi đồng tình ủng hộ mạnh mẽ nhân dân Việt Nam, đồng thời nhất loạt lên án hành động ngang ngược, phi pháp của những kẻ xâ‌m lượ‌c, lấn chiếm…Các nhà ngoại giao của ta đã đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, bằng biện pháp hòa bình…Cuối cùng, những kẻ ỷ mạnh, làm càng, phải rút đi để khỏi phải bẽ mặt! Những kẻ cầm đầu, chủ mưu, tổ chức HD… đã thất bại! Chính họ đã tự làm xấu đi hình ảnh đất nước mình với năm châu, quốc tế!”

x x x

Tôi và Thúy An ra đảo trong những ngày cuối năm. Sau mùa mưa đầy bão tố, biển đã bình yên trở lại. Buổi sáng, mặt trời đỏ như quả bóng to màu da cam nhô lên ở phía chân trời. Nắng vàng tươi như mật, trải mênh mông trên một vùng biển lăn tăn gợn sóng. Tàu đánh cá cờ phướng xanh, đỏ giăng giăng, nhấp nhô bủa lưới. Biển thanh bình như trong tranh vẻ.

Băng qua con đường cát trắng có muôn ngàn vạn mảnh san hô bị vỡ ra vụn nhuyễn hình thành nên đảo. Có những cây bàng vuông, dừa, phong ba, mù u, xoài…rợp bóng. Chúng tôi đến ngôi chùa thấp thoáng sau hàng sứ đại. Những cây sứ xù xì, vạm vỡ, mùa này cành nhánh trơ trụi, phơi đầy hoa trắng, hương thơm thoang thoảng. Trời cũng sắp về chiều. Từng đàn hải âu chao liệng trên mặt biển sâm sẩm bóng hoàng hôn. Có tiếng chuông chùa “boong…bong…” âm vang ngân nga sâu thẳm. Thời gian như dừng lại…

“Kính chào Thầy!”- Chúng tôi cúi đầu chấp tay vái chào vị sư có đôi chân mày nhuốm bạc.

“…A Di Đà Phật…Xin chào các thí chủ!”

“Chúng con muốn thắp hương lạy Phật, cầu mong cho Quốc thái Dân an và vọng tưởng anh linh những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh năm xưa...ở vùng biển này!

“A Di Đà Phật!…Thiện tai…”- vị sư xá vái.

“Thưa Thầy…Dì đây là vợ, còn cô gái kia là con của Liệt sĩ V…”- Tôi giới thiệu.

“A Di Đà Phật. Thiện tai…Thiện tai! Thật mừng cho các thí chủ đã tìm về đây!…Năm nào, vào lối tháng Ba, chúng tôi cũng làm lễ cầu siêu cho những người anh hùng ấy. Còn các đồng đội của họ thì thả nhiều hoa tươi trên biển! Ôi, tiếc thương thay!” – Vị sư cảm thán.

Sư trụ trì thắp ba cây hương cho ba người chúng tôi. Sư đọc kệ và thỉnh thoảng gõ chuông khi dứt câu. Tôi, Thúy An, Dì Sáu quỳ lạy trước bàn thờ các chư vị Phật. Sau đó, sư dẫn chúng tôi ra hậu điện, nơi thờ di ảnh các liệt sĩ. Rất nhanh! Dì Sáu đã nhìn ra tấm ảnh của chồng mình trong rất nhiều tấm ảnh được sắp trên kệ: “Cha của con kìa An! Trời ơi…hơn hai mươi năm… sao anh vẫn chưa về... hư!”- Dì Sáu nghẹn lời, nức nỡ! Mắt Thúy An đỏ hoe, rưng rưng ngấn lệ! Tôi không dám nhìn hai người phụ nữ đang tràn dâng cảm xúc! Tôi ngước lên lên bức di ảnh lảng đãng khói hương. Người trong ảnh là một chàng trai trẻ đẹp, rắn rỏi, mặc áo lính thủy màu xanh nước biển, đội mũ lưỡi trai trắng viền xanh, trên vai khoác một khẩu tiểu liên, dáng dấp thật oai phong, lẫm liệt! Phía sau lưng người lính ấy là biển với những lượn sóng bạc đầu như đùa đuổi, tràn, liếm lên bãi cát trắng phau- Một tấm ảnh chân dung trên nền phong cảnh đẹp vô cùng! Có thể tấm hình này do một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa nào đó ghi lại, nhưng cũng có thể tấm ảnh ấy do một người lính, đồng đôi của cha An thực hiện. Điều quan trọng nhất vẫn là khoảnh khăc! Những khoảnh khắc xuất thần…Như một bức tranh sơn dầu khá đơn sơ ghi lại phút giây các chiến sĩ ta chiến đấu quyết liệt, cầm chắc cán cờ, giương lên ngạo nghễ dưới mũi súng tàn bạo của quân thù! Bức tranh ấy đã ám ảnh biết bao người! Bức tranh ấy đã làm dâng trào lên những cảm xúc, tình yêu thiết tha với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Trời đã sẩm tối. Sư trụ trì mở đèn lên. Bỗng bất ngờ! Thúy An níu tay tôi, nàng run run:

“Anh nhìn kìa! Trời ơi…San hô đỏ! San hô đỏ kia kìa…”- Giọng An tràn đầy xúc động.

Tôi nhìn theo ngón tay của An. Dưới ánh đè‌n đ‌ỏ mờ mờ trên bệ thờ, có mấy bông san hô như những bàn tay người xòe ra, đỏ tươi màu máu. Tôi định thần nhìn kỹ! Thật ra, những bông san hô có màu đỏ ấy là do ánh sáng bóng đèn màu phủ chụp lên, phản chiếu lại.

Nhưng…đúng là san hô đỏ thật! - “Anh đã thấy bông san hô đỏ rồi chứ!?”- Thúy An hồ hởi.

…Nhiều năm sau và đến bây giờ, vợ tôi vẫn nhớ mãi trong lòng những bông san hô đỏ mà cha cô đã mang về từ biển năm xưa. Có khi chỉ là trong những giấc mơ!

……………………………………..

*Trịnh Hòa (1371-1433): Viên hoạn quan chỉ huy thủy quân nhà Minh đi dò la, thám hiểm các nước Đông Nam Á và Nam Á.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật