Thiên đường không chật hẹp - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cái ngày mà mẹ chấp nhận tránh đường cho kẻ khác bước vào cuộc đời chồng mình, bà gom hết những bộ đồ lót đẹp đẽ của chồng tặng, cho vào rương nhỏ, khóa kín.
Thiên đường không chật hẹp - Truyện ngắn của Trần Huyền Trang
Minh họa: Tuấn Anh

Chìa khóa rương sau này rơi rớt đâu đó trên đoạn đường mà mẹ đã đi, năm phương mười hướng, đâu cũng là nhà, miễn không phải nơi này.

Chiếc rương đẹp đẽ đó, bằng gỗ mù u, cũng là thứ chồng đã tỉ mẩn đục đẽo bằng tay tặng mình. Chồng của mẹ rất khéo tay, tháo vát nhất làng này. Điều đó ai cũng rõ, mười mươi như thứ nước trong khe ở cái mạch giếng ngầm bao năm xanh ngắt giữa làng, soi tường tận những khuôn mặt người. Mẹ từng khờ khạo tin rằng những ai uống chung thứ nước ngọt ngào từ cái giếng làng ấy, sẽ ngọt từ tim óc ngọt ra. Và mẹ, và chồng, rồi mẹ chồng sống chung một nhà, ăn chung một mâm thì sẽ đi chung một con đường đến cùng trời cuối đất. Như hồi rước dâu, mẹ chồng nói, tấm áo mẹ trao cho con, tấm lòng con mẹ giữ. Lúc đó, mẹ tin rằng trái tim những người phụ nữ luôn đập cùng một nhịp.

Cho đến những hai, ba năm sau, có lẽ do đã mỏi mệt chán chường, tim mỗi người thở mỗi nhịp riêng. Mẹ chồng rỉ rả ngân nga những câu ca như cứa nát lòng dạ đàn bà. Cây độc là cây không trái, gái độc là gái không con... Mỗi miếng bã trầu mẹ chồng nhổ toẹt dưới chân, khi thì chỗ mẹ đang phơi quần áo, lúc thì mẹ vo gạo nấu cơm. Nước trầu đỏ ối văng vào nồi cơm, mùi vôi hăng hắc khiến mẹ chỉ buồn nôn mà trớ trêu không nôn ra được. Phải mà mẹ nôn được thì mừng rồi! Phụ nữ nghén hiếm người nào không nôn cả mật xanh mật vàng. Mẹ thèm một ngày nào đó mình mắc nôn, nôn phọt ra không kiềm chế được, nôn văng cả vào mặt chồng, cho chồng trắng mắt ra, không còn xỉa xói bảo mình phận đàn bà mỏng, không biết chửa đẻ thì chả phải đàn bà!

Những lời cay đắng của đàn bà với nhau, đôi khi cũng còn nhẹ hẫng, có thể khều một cái cho qua và mỉm cười an nhiên mà sống.

Nhưng những lời cay đắng từ một người đàn ông đã từng ra sức nâng niu chiều chuộng mình, nghe như dao cứa vào tim, bầm gan tím ruột. Chồng mẹ đã thôi tẩm mật vào những lời nói như ru buổi đầu khiến mẹ mềm tim. Những mật ngôn đẹp đẽ đã rơi khỏi miệng người đàn ông giỏi giang tháo vát. Mẹ cũng là một con người, không phải thân gỗ đá mà phải giả vờ không nghe không thấy.

Mẹ có thể không thấy nhưng mẹ đã nghe. Nghe tiếng gió lùa phên tre đập vào đêm khuya khoắt, nghe nhịp võng kẽo kẹt ngoài gian phòng khách, tiếng đập muỗi như trút cả cơn giận hờn của mẹ chồng. Rồi chồng rót tiếng thở dài khi hàng xóm đưa mấy đứa nhỏ sang chơi mỗi bận giỗ chạp. Nhà có con nít, đụng đâu đổ đó, mẹ phải lúi húi thu dọn những thứ rơi vãi, đổ vỡ của con hàng xóm. Mẹ xoay vòng với những mâm cỗ lễ cúng kiếng đã vã hết mồ hôi. Nhưng mẹ vẫn phải dọn dẹp luôn những thứ mà con hàng xóm bày bừa, cũng là dịp hay để lẩn trốn những cắc cớ từ xóm giềng, hàng họ xa gần. Ba năm, bao lần giỗ chạp, bao phen phải cúi mình tránh né miệng lưỡi thế gian, mẹ tự hỏi lẽ nào mẹ phải cúi mặt đến cuối đời? Khi mà những người quen biết mẹ lên thành phố, họ cưới trước mẹ nhiều năm mà vẫn tung tẩy cùng nhau như vợ chồng son. Những cô vợ son rỗi ấy, thậm chí còn lên đời nhan sắc, nụ cười cứ phớ lớ trên môi, ánh mắt đầy kiêu hãnh khi nói về những món mỹ phẩm đắt tiền, những chuyến du lịch xa hoa tận trời Âu.

Còn mẹ? Những điều xa xỉ ấy, mẹ chỉ dám nghe rồi len lén gói vào lòng. Rồi mơ. Rồi ước. Một mình.

Mẹ không biết cái đoạn một mình đó sẽ kéo dài tới đâu. Nhưng mẹ tự dỗ dành mình. Thôi thì không oán hờn giận dỗi, chắc tại căn số mình nó đơn chiếc vậy, cãi trời không khỏi. Níu mà chi một quá khứ khi mà nó không hề hiện hữu trong hiện tại. Giữ mà chi thứ tình yêu như sông như suối rồi cũng ra biển rộng khơi xa.

Chi bằng mình giữ mình, thương mình. Cái thân phụ nữ, không chung tình với chính mình thì còn tròn vẹn cho ai.

***

Mẹ, vốn là người đã thiếu hụt tình thương từ thuở lọt lòng, mở mắt thấy cuộc đời qua những tràng rau củ bánh trái đơn sơ mà lành lặn trong cái chợ nhỏ gần nhà. Mẹ nhìn cuộc đời hắt thứ màu sắc trong trẻo tươi nguyên như những chiếc bánh đẹp đẽ được bày biện ngay ngắn trên mâm. Mẹ không nhìn ra được những màu sắc khác tối tăm hơn vốn được ngụy trang khéo léo. Vậy nên, khi rời khỏi nhà chồng cũ, những bước chân lại theo quán tính đưa mẹ về chợ nhỏ.

Nhưng cơ duyên lại đến như một phép màu. Anh chị họ, con của bà dì ruột, vốn áy náy với cái ơn cao cả của mẹ khi không quản nguy hiểm, giấu trọn mớ vàng bạc vốn là cả gia tài của tiệm vàng gia đình trong thau phân vịt, đưa về nhà nguyên vẹn trong đợt dẹp tư sản sau chiến tranh. Nhờ vậy mà hai vợ chồng họ mới gầy dựng lại tiệm vàng sau một thời gian khốn đốn. Anh chị nói, thôi thì cô mày về trông coi buôn bán phụ anh chị, có đồng ra đồng vô, còn có cái dư ra phòng thân. Còn hơn phơi tuổi xuân phơi phới giữa chợ trời, rồi cũng biết chừng sớm nở tối tàn nhanh như cơn gió. Mẹ, khi đã không còn biết phải đi đâu, thì gợi ý nào cũng là một tia sáng khấp khởi.

Thoáng chốc mà mẹ trở thành nhân viên tiệm vàng, dù người mẹ chẳng dính lấy một phân vàng gọi là. Ngày ngày cầm nắm trong tay thứ kim loại lấp lánh mà mẹ vẫn chẳng thấy cuộc đời lóe lên một niềm vui nào. Những thứ lấp lánh, mẹ biết, lại là những thứ không thể ăn được, không thể tận hưởng trọn vẹn hương vị cuộc đời được. Thậm chí, trong lằn ranh sinh tử, những thứ đẹp đẽ đó không cứu nổi một con người đang đói lay lắt. Chỉ có bánh trái, cơm gạo từ tay mình làm nên mới cứu nổi mình thôi.

Rồi người đàn ông ấy đến, như một điềm lành mà ơn trên đã ban cho mẹ. Cái người đàn ông rắn rỏi ngày ngày vẫn đạp chiếc xe thồ chở những bao lúa nặng trĩu đến nhà máy xay gạo, xay xát, rồi lại tải những bao gạo còn thơm mùi cám đến bỏ mối cho cửa hàng gạo kế tiệm vàng. Buổi trưa nào người ấy cũng ghé quán cà phê vợt đối diện tiệm vàng, uống cạn ly đen, hút tàn điếu thuốc, nheo nheo mắt đọc cho xong tờ báo. Mà biết ông có đọc báo không, bởi có lúc bạn cùng bàn giả đò hỏi vu vơ tin tức, ổng chỉ cười nhả khói mà không biết trả lời sao. Đôi mắt ông bận “đọc” cô bán vàng. Hôm nay cổ bận áo hoa cà đẹp quá xá đẹp. Đôi bàn tay trắng trẻo mười ngón thon dài kia mà đắp vàng lên thì kiêu sa biết mấy. Mái tóc có khi che mất rèm mi dài nhưng rõ ràng ông thấy mắt cô đen láy, lấp lánh sáng trưng như sao. Nhưng có lẽ là những ngôi sao cô đơn, và buồn. Vì cô chưa bao giờ mỉm cười, với ông hay bất kỳ ai cũng vậy. Tại sao cô không cười? Ông phải biết điều đó. Cuộc đời này ngắn quá. Khi lăn lê bò toài dưới làn đạn và oằn mình trong lằn ranh sinh tử, ông vẫn học cách mỉm cười. Và giờ, người đàn ông còn mang trong mình vài viên đạn ghi dấu cuộc chiến đã đi qua, vẫn phải cười đó thôi. Bởi vì, nếu không cười, ông còn biết phải làm gì khi sáng trưa chiều tối vẫn chỉ lủi thủi một mình với chiến mã cà tàng.

Ông sẽ làm cho người ấy cười. Bằng cách cứ gom hết tiền lời buôn hàng xáo vài tháng cộng lại là đủng đỉnh vô tiệm kêu cô bán năm phân vàng.

- Vàng y nha cô! Để mốt tui cưới vợ!

Tiền dư năm mười ngàn, ông hào phóng:

- Cô để dành uống nước, tôi cảm ơn cô đã lựa vàng giùm!

Cô không mấy ngạc nhiên. Thứ tiền “boa” đó, thật ra cô đã quen từ lâu. Nhiều khách đi xe hơi mua vàng, dăm ba chục tiền thừa tặng cô bán vàng cũng là chuyện như cơm bữa. Nhưng với một người hàng xáo khắc khổ phong trần như ông, thì cô cũng có chút lợn cợn trong lòng. Rồi cô tìm cách trả lại ông, hoán đổi thành mấy cái bánh bò, bánh ít ngọt lành tự tay mình làm. Đàn ông vốn không hảo mấy thứ bánh ngọt đó, nhưng rồi một ngày ông thả bâng quơ một câu cắc cớ:

- Cô có thể cho tui ăn mấy thứ bánh này đến suốt đời không cô?

Cô bán vàng nhìn người đàn ông chằm chằm, chắc ổng thích đùa. Chứ chồng cũ, chỉ cần thấy mình vô bếp làm bánh, là xởi lởi kêu đám trẻ nhà hàng xóm qua chia phần hết. Thứ bánh chỉ dành để dụ trẻ con. Có lần chồng cũ còn nói nếu muốn làm bánh hãy sinh một đứa trẻ, rồi làm cho nó ăn. Câu nói móc của chồng cũ, nó nặng đến mức sau này mỗi lần nhìn bánh là cô muốn nghẹn.

- Tôi sẽ trả tiền bánh bằng chừng này, cô thấy đủ không?

Ông móc túi, lấy ra cái hộp nhựa nhỏ, đựng mấy khoanh vàng bấy lâu mua ở tiệm cô.

- Nếu không đủ, tôi xin trả bằng cả cuộc đời của tôi!

Ông nói câu đó là ông liều lắm. Vì ông biết, cái cuộc đời hèn mạt đến cục đất chọi chim không có, ai dám nhận!

Nhưng rõ là cuộc đời vẫn tồn tại phép màu!

***

Ngày mẹ trút bỏ thân phận cô bán vàng, theo chồng mới về dựng một cái nhà lá nhỏ xíu trên miếng đất ruộng của bà ngoại để lại, bông bưởi nở đầy vườn nhà hàng xóm, ngào ngạt tỏa hương. Khách dự cưới chỉ là vợ chồng con cháu ông anh họ. Anh họ tặng cô dâu mới một đôi bông tai mù u vàng y một chỉ. Chỗ đeo nhẫn cưới trước đây vẫn còn một khoanh trắng in hằn trên da, nay chồng mới lấp chiếc nhẫn vào. Lễ vật chỉ có nhiêu đó, không tráp, không trầu cau, không nhạc, không rượu... Chỉ có niềm tin đang nhảy múa trong tim.

Mẹ không làm được nhiều bánh như đã hứa. Những cơn nghén quật mẹ ngã quỵ. Năm đứa con lần lượt ra đời trong thiếu thốn nhưng may mắn không hề ốm đau dặt dẹo, cứ an nhiên mà lớn. Cha chúng, vốn đã bị cuộc đời quăng quật, những nhọc nhằn vùi lấp những lời yêu thương. Gánh nặng cơm áo trên vai ông đã biến ông thành một người đàn ông thô ráp, bẳn tính, cộc cằn. Mẹ biết vậy, nhún mình nhường nhịn, cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời. Những đứa con dần lớn, mẹ rảnh tay làm đủ thứ bánh, trồng mớ rau, nuôi dăm ba con gà lấy trứng, thêu thùa may vá... cải thiện kinh tế. Bữa cơm nhờ đó mà có thịt thà rau củ đầy đặn hơn.

Đã lâu mẹ không còn soi gương. Thậm chí những lần ra giếng giặt đồ cho chồng con, mẹ thảng thốt giật mình khi bất ngờ mặt mình in trên mặt nước. Những sợi tóc lần lượt trượt khỏi da đầu sau năm lần sinh nở. Những đêm trời trở lạnh, mẹ hầu như không ngủ, thoa dầu, xoa bóp các khớp tay khớp chân sưng vù. Chỉ là chuyện nhỏ thôi, những cơn đau dù có trở đi trở lại, thì cũng có những khoảng êm đềm chen giữa. Mẹ tranh thủ ngủ lúc c‌ơ th‌ể bớt đau. Nhưng chỉ cần mẹ chợp mắt, là ông sẽ hậm hực, đá thúng đụng nia. Những đứa trẻ thoạt đầu còn hoảng sợ, sau đã quen cảnh ông rít thuốc liên tục, có khi còn nhai luôn cả cán thuốc.

Những đứa trẻ luôn cảm thấy mẹ là chỗ dựa an toàn, mạnh mẽ nhất. Như một con gà mái, luôn dang rộng đôi cánh che cho con khỏi ướt dưới trận mưa dầm dề, mẹ cũng có lúc rùng mình sau những trận mưa ướt mẹp đời mình. Đó là những đêm dài hun hút, tiếng chó sủa ma vang vọng đầu đường khiến mẹ nuôi chút hy vọng là bước chân chồng về. Mẹ chong đèn chờ đến khi sáng hẳn. Nhiều đêm như thế, khi bọn trẻ vẫn ôm nhau ngủ ngon.

Sau này, mẹ không còn thói quen chong đèn chờ đợi, nhẹ nhàng ngả lưng bên cạnh bầy con. Nhưng tiếng chó sủa trong đêm vắng vẫn len lỏi đâu đó trong những giấc ngủ chập chờn ngắt quãng.

Tiếng chó sủa vẫn khiến mẹ cồn cào đợi mong. Ngay cả đoạn trường mười mấy năm sau đó. Khi những đứa con lần lượt lớn khôn, mẹ một tay dựng vợ gả chồng. Khi con Út vào đại học, mẹ quyết định bán căn nhà. Dù chỉ là căn nhà ọp ẹp, nhưng năm đó, khi cơn sốt đất ập đến, chồng đã nhìn ra giá trị tăng gấp chục lần, đòi mẹ bán để đời sung sướng hơn. Mẹ khăng khăng giữ lại để sau này dành phần cho đám con. Ông chê mẹ không thức thời, có của không biết hưởng. Những túng quẫn nơi chật hẹp này chẳng khác địa ngục đang đọa đày ông. Ông phải thoát ra khỏi nó. Ông đi tìm thiên đường cho mình. Ông đi, không quên mang theo những khoanh vàng y khi xưa dùng để mua những miếng bánh ngon của mẹ. Cả cái đôi bông tai mù u, hôm mẹ gội đầu sợ rớt, tháo ra cất chung trong hộp. Cuộc đi mải miết, tưởng chẳng có ngày về.

Vậy mà ngày ấy cũng đến. Út còn không nhận ra cha mình. Nhưng mẹ làm sao quên được. Dù bây giờ ông trông chẳng khác cành khô sắp mục. Căn bệnh thế kỷ ươm mầm từ những cuộc vui chốn thiên đường nào đó đang ăn lan khắp người ông. Cuộc sống là những ngày ngắn ngủi đếm trên đầu ngón tay.

Mẹ đã chia hết số tiền bán căn nhà cho năm đứa con, chỉ giữ lại một ít, cất một mái nhà bé xíu, lợp tôn, lót gạch tàu. Trong nhà, mẹ nhường luôn cái giường đơn được lót nệm êm, chăn gối thơm tho cho ông. Rồi mỗi ngày mẹ đều tự tay lau rửa, chăm sóc những vết loét đang lên mủ khắp người ông. Những muỗng cháo thịt bằm, súp thập cẩm ngon ngọt được mẹ nấu từng bữa giúp ông hồng hào trở lại.

Có lần Út hỏi, mẹ không thấy gớm sao? Mẹ kéo Út ra ngoài, nạt:

- Gớm gì? Đó là cha của con. Đó là người đã cho mẹ tài sản là năm đứa con. Ơn đó, cả đời mẹ chưa trả hết, con ơi!

Ông nghe hết. Ông khóc. Những tiếng nấc nghẹn không thành tiếng. Ông đã cho mẹ năm đứa con, và cho cả những nhọc nhằn lẫn đớn đau, vậy mà...

- Mình ơi, tôi đã ở chốn thiên đường mà lại chưa bao giờ hay biết!

Mẹ vuốt má ông, mỉm cười nhẹ hẫng.

- Ừ, tui cũng vậy! Chắc nó rộng lớn quá, nên có lúc mình không biết đâu ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật