Theo Trưởng Nhóm đặc trách các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (SKKMigas), ông Dwi Sutjipto, mục tiêu trên là có thể đạt được do Indonesia vẫn còn nhiều tiềm năng dầu khí chưa được khai thác.
Theo đó, quốc gia này sở hữu 128 khu vực có trữ lượng dầu khí, trong đó 54 khu vực đã được đưa vào khai thác và 74 khu vực vẫn đang chờ đầu tư.
Trữ lượng đã được chứng minh của 54 khu vực trên là 3,8 tỷ thùng, trong khi các khu vực còn lại có trữ lượng ước tính lên tới 7,4 tỷ thùng.
Tuy nhiên, theo ông Dwi, dù có tiềm năng lớn, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Indonesia vẫn đối mặt với nhiều thách thức, một trong số đó là nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi thời gian đầu tư khá dài, đôi khi mất tới 10 năm.
Một thách thức khác xuất phát từ chiến lược xây dựng môi trường kinh doanh tốt của Chính phủ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Chính phủ cần phải bắt đầu loại bỏ các quy định chồng chéo ở cấp địa phương và trung ương.
Năm ngoái, Moody’s Investors Service cho rằng, tính đến năm 2025, Indonesia sẽ cần đầu tư hơn 150 tỷ USD cho các dự án dầu khí để ngăn chặn đà sụt giảm sản lượng, phát triển hạ tầng nhập khẩu khí đốt, tăng công suất lọc dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước ngày càng gia tăng.
Bà Rachel Chua, Trợ lý Phó Chủ tịch đồng thời là chuyên gia phân tích của Moody’s, dự báo rằng khoảng 80% trong số tiền trên, tương đương 120 tỷ USD, cần được dành cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, 30 tỷ USD còn lại dành cho các dự án chế biến, kinh doanh và phân phối sản phẩm.
Nếu không tăng đầu tư, tổng sản lượng dầu khí của Indonesia sẽ giảm gần 20% vào năm 2022 so với sản lượng của năm 2017.
Trong bốn năm qua, vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Indonesia đã giảm một nửa khi các công ty trì hoãn triển khai các dự án mới trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh.
Dự báo sau năm 2022, quốc gia này sẽ phải nhập khẩu khí đốt ròng do nhu cầu trong nước gia tăng trong khi các dự án bị đình trệ.
Sản lượng khai thác dầu khí của Indonesia đạt mức kỷ lục khoảng 1,6 triệu thùng/ngày vào giữa năm 1990.
Tuy nhiên, khi bắt đầu cải cách những năm 2000, sản lượng dầu của Indonesia rơi vào tình trạng suy giảm do quản lý yếu kém của chính phủ, kết hợp những yếu tố khách quan dẫn đến việc giảm đầu tư và khai thác trong ngành công nghiệp dầu mỏ.
Năm 2019, quốc gia này đặt mục tiêu đạt sản lượng 784.520 thùng/ngày, tăng nhẹ so với mức 778.330 thùng/ngày trong năm 2018