Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu minh bạch, giá ‘đi ngược’ thị trường

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuyên gia cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ đóng vai trò ở một thời điểm nhất định, bây giờ đến thời điểm thị trường khác rồi, cung- cầu cũng khác thì quỹ đó có hợp lý nữa không?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu minh bạch, giá ‘đi ngược’ thị trường
Chuyên gia kinh tế ủng hộ bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu khi cho rằng, quỹ này không có tác dụng gì mà còn gây ra những kẽ hở cho tham nhũng, thậm chí làm nhiễu cả thị trường...

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ ngoài ngân sách, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG).

Theo số liệu công bố công khai của Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục âm từ đầu năm đến nay. Cụ thể, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý 1 là âm hơn 620 tỷ đồng và quý 2/2019 (đến hết ngày 30/6/2019) đang âm 499,932 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia kinh tế khi trao đổi với PV đưa quan điểm ủng hộ việc bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Vận hành không rõ ràng

Cũng đồng tình, ủng hộ bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, hiện nay có vài chục quỹ ở các ngành, Trung ương và cả địa phương; trong đó quỹ bình ổn giá xăng dầu và quỹ đường bộ là những quỹ quan trọng. Từ lâu đã có nhiều ý kiến về cách điều hành và sử dụng các quỹ này, đặc biệt là quỹ bình ổn giá xăng dầu; cơ chế xả quỹ, bơm vào quỹ, quy trình và cách vận hành quản lý quỹ không rõ ràng và có nhiều ý kiến nên bỏ quỹ này từ lâu rồi.

Xem Video: Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ còn dư hơn 2000 tỷ

//

GS.TS Đặng Đình Đào cũng cho rằng, cần xem xét lại nghị định 83/2014/NĐ-CP và nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu. Câu chuyện điều hành, quản lý xăng dầu bây giờ khác trước; dần dần cần phải vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn khi xăng dầu độc quyền thì hình thành quỹ như vậy quản lý rất khó.

“Tuy nhiên còn có dư luận không tốt đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu nên không phải xóa là xong. Rõ ràng khi xóa quỹ bình ổn giá xăng dầu cần điều hành đúng theo chuẩn mực thị trường. Nếu sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu minh bạch công khai, rõ ràng thì quỹ này có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng thực chất quỹ này cũng chỉ là tiền của dân bỏ vào đấy để sử dụng, điều chỉnh giá thôi. Nếu người quản lý quỹ ấy mà không làm trên tinh thần lợi ích tổng thể thì khi âm, khi dương khó mà ai quản nổi”, GS.TS Đặng Đình Đào nói.

Cho rằng, quỹ BOG chỉ đóng vai trò ở một thời điểm nhất định, GS.TS Đặng Đình Đào đặt vấn đề: Bây giờ đến thời điểm thị trường khác rồi, cung- cầu cũng khác thì quỹ ấy tồn tại có hợp lý nữa không? Kiến nghị xóa quỹ của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có lý ở điểm đó.

Song, vị chuyên gia này cũng nêu lo ngại, nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu mà quản lý không tốt thì vấn đề độc quyền sẽ đẩy giá xăng dầu lên.

“Để thị trường xăng dầu công khai, minh bạch thì nên mở rộng các đối tượng tham gia thị trường này, nhất là phía cung. Trong khi cầu có tới 95 triệu dân cùng hàng trăm nghìn doanh nghiệp thì cung chỉ có trên 30 đầu mối nhập…”, GS.TS Đặng Đình Đào nói thêm.

Người tiêu dùng phải đóng, Doanh nghiệp có đóng không?

Còn theo quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xem xét các quỹ ngoài ngân sách nhà nước cần xem xét cụ thể từng loại một, mục đích của nó là gì, mục đích trong quá trình thực thi có hiệu quả hay không? Nguồn hình thành quỹ từ đâu? Vấn đề quản lý ra sao?

Theo ông Long, đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu trong điều kiện giá vẫn do nhà nước quyết định, mà xăng dầu là mặt hàng chiến lược có đầu vào ảnh hưởng rất lớn nên có liên quan đến chỉ số mặt bằng giá, mà chỉ số mặt bằng giá ảnh hưởng tới lạm phát nên cần phải có quỹ.

Quỹ đó nguồn hình thành nên từ đâu? Hiện nay mới chỉ người tiêu dùng đóng góp thôi, còn doanh nghiệp có nên đóng hay không? Vấn đề sử dụng như thế nào cho hợp lý, và quản lý thế nào cho hiệu quả?

Có những quan điểm cho rằng đã là cơ chế thị trường thì nên bỏ quỹ đi vì để giá lên thì lên mà giá xuống thì xuống nhưng trong điều kiện nếu giả sử Nhà nước không định giá nữa.

“Tại sao hiện nay xăng dầu nhà nước còn định giá bởi hiện nay thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự, vẫn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Do vậy, nhà nước vẫn phải định giá chứ không thể để cho doanh nghiệp tự định giá. Mà để nhà nước định giá thì buộc phải có quỹ dự phòng. Khi giá thế giới tăng mà trong bối cảnh nhằm mục tiêu ổn định kiểm soát lạm phát nhà nước có thể dùng quỹ xả ra để làm giá trong nước thấp hơn giá thế giới, không tác động đến mặt bằng giá nói chung”, ông Long phân tích.

Xem Video: Chi quỹ bình ổn để không tăng giá xăng dầu

//

Đi ngược thị trường, kẽ hở cho tham nhũng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói thẳng: “Bỏ quỹ này là đúng bởi quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng gì mà còn gây ra những kẽ hở cho tham nhũng, thậm chí làm nhiễu cả thị trường; khi giá rẻ đi thì bắt người ta mua giá đắt lên và ngược lại.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ ghi sổ, đơn vị nào để đơn vị đấy nên dễ tạo ra chi phí và tham nhũng trong quá trình quản lý”.

Đưa thêm điểm bất hợp lý, ông Phong cho hay, quỹ ở mỗi đơn vị là khác nhau trong khi xả quỹ, trích quỹ cùng một thời điểm, cùng một mức. Chỗ ít quỹ và chỗ nhiều quỹ sẽ xả ít nhiều khác nhau; hết quỹ vẫn xả dẫn đến phải vay, sau đó là xin-cho để bù lại, có thể dẫn đến tham nhũng.

“Tóm lại, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ đặt ra rất thiếu trách nhiệm, thiếu thực tiễn và để quá lâu thể hiện sự vô trách nhiệm và thiếu năng lực của cơ quan chức năng, bây giờ bỏ đi là hợp lý”, ông Phong nói.

Ông Phong cho rằng, trong tương lai cần lập quỹ an ninh năng lượng quốc gia, quỹ này không chỉ là xăng dầu mà bao gồm cả điện, than và tất cả các năng lượng khác. Quỹ này phải là quỹ tập trung an toàn quốc gia do Chính phủ quản lý giống như quỹ dự trữ xăng dầu của Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật