Lầu Năm Góc hôm 2-8 tuyên bố rằng Mỹ dự định sẽ phát triển các tên lửa mặt đất thông thường trước đây đã bị cấm theo hiệp ước kiểm soát vũ khí, cụ thể là loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF), vừa đúng ngày Washington tuyên bố chính thức rút khỏi hiệp ước kể trên.
"Bây giờ chúng tôi đã rút (khỏi INF), Bộ Quốc phòng sẽ hoàn toàn theo đuổi việc phát triển các tên lửa thông thường phóng từ mặt đất này" - người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố gửi qua email vào ngày 2-8.
Mỹ cũng một lần nữa cáo buộc Nga cố tình vi phạm các điều khoản trong hiệp ước này, dẫn đến Mỹ buộc phải rút khỏi hiệp ước.
"Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước có hiệu lực từ hôm nay và Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của thỏa thuận" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Bangkok, Thái Lan, nơi đang diễn ra chuỗi các hội nghị ASEAN.
Theo Lầu Năm Góc, Nga đã sản xuất một vũ khí có khả năng tấn công từng bị cấm theo hiệp ước INF, điều này gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích tối cao của Mỹ và các đồng minh.
Cáo buộc này đề cập đến tên lửa SSC-8, được biết đến ở Nga là tên lửa 9M729, một loại vũ khí mà Moscow nói là hoàn toàn phù hợp với hiệp ước và thể hiện sự nâng cấp của một hệ thống tên lửa cũ.
Cũng trong ngày 2-8, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án việc Mỹ rút khỏi INF là "sai lầm trầm trọng". Theo đài Sputnik, Moscow cho rằng Washington đã xúc tiến chiến dịch tuyên truyền, cố ý bóp méo thông tin, vu khống Nga vi phạm INF để tạo khủng hoảng.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc Mỹ rút khỏi INF cho thấy nhu cầu phải có sự ổn định trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Moscow hiện vẫn sẵn sàng đối thoại nhằm khôi phục niềm tin lẫn nhau và tăng cường an ninh toàn cầu.
Giới chức Nga cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ các kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đồng thời hứa sẽ thực hiện điều tương tự. Tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, Washington sẽ phải chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng leo thang căng thẳng với Moscow.
Tổ hợp tên lửa 9M729 được trưng bày ở ngoại ô Moskva, Nga hôm 23-1. Ảnh: Reuters.
"Nếu Mỹ không triển khai vũ khí này tại các khu vực nhất định thì Nga cũng sẽ hành động tương tự" - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố.
Tháng trước, phái đoàn Mỹ tới NATO đã cố gắng đổ lỗi cho Nga về sự sụp đổ của INF. Đồng thời, một lần nữa khẳng định rằng Moscow phải cứu hiệp ước bằng cách hủy tất cả 9M729.
Hiệp ước INF được Mỹ và Nga ký kết vào năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Mỹ hồi tháng 10-2018 tuyên bố sẽ rút khỏi INF bởi cho rằng tên lửa Novator 9M729 của Nga với tầm bay hơn 5.000 km vi phạm thỏa thuận. Đáp lại, Nga đã công khai mẫu tên lửa này, khẳng định tầm bắn của nó là 480 km và không vi phạm hiệp ước.
Nhiều nước lo ngại rằng việc hiệp ước INF chấm dứt sẽ mở đầu cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu trong tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân. Pháp từng khẳng định hiệp ước này có vai trò then chốt trong duy trì ổn định ở châu Âu, trong khi Đức gọi đây là "một cột trụ quan trọng của kiến trúc an ninh châu Âu".