Trang mạng của viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) vừa đăng bài viết của tác giả Mohammed Ayoob, trong đó nhận định quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đã rơi vào trạng thái căng thẳng trong nhiều năm và đạt đến đỉnh điểm sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ năm 2017.
Trong suốt thời gian từ khi nhậm chức đến nay, ông Trump đã hơn một lần thể hiện sự bất bình về sự hiện diện tại Pakistan của lực lượng Taliban, lực lượng đã chiến đấu chống lại lực lượng của chính phủ Kabul do Mỹ hậu thuẫn đồng thời thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhằm các binh sĩ Mỹ đóng tại khu vực.
Taliban và một số nhóm khủng bố khác như Haqqani đang sử dụng các nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan để lên kế hoạch tấn công các mục tiêu của Mỹ, khiến Washington quyết định dừng khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD và khoản hỗ trợ kinh tế 800 triệu USD cho Pakistan.
Tháng 1/2018, Tổng thống Trump đã chỉ trích Pakistan rằng Mỹ đã dại dột viện trợ cho Pakistan hơn 33 tỷ USD trong 15 năm qua, trong khi Pakistan chỉ dành cho Mỹ “sự dối trá” khi cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố mà Mỹ săn lùng ở Afghanistan. Phản ứng lại những phát biểu của ông Trump, Pakistan cho rằng Mỹ đã đưa ra những cáo buộc không đúng sự thật, đồng thời chuyển hướng sang Trung Quốc và Saudi Arabia nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, tính toán của cả hai nước đã trải qua những thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây. Pakistan đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm mạnh xuống còn hai tháng nhập khẩu và Pakistan chỉ có thể có được nguồn ngoại hối nhờ vào khoản vay khẩn cấp 1 tỷ USD từ Trung Quốc.Vấn đề là, Trung Quốc hỗ trợ Pakistan bởi nước này có một vị trí quan trọng đối với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhập khẩu của Pakistan từ Trung Quốc lại không thể đạt được mục tiêu trong thỏa thuận giữa hai quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Pakistan đã buộc phải chấp nhận khoản cứu trợ trị giá 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tạm thời làm giảm bớt tình hình tồi tệ của nền kinh tế nước này. Các khoản vay của IMF đi kèm với các điều kiện mà Pakistan có thể khó đáp ứng.
Bên cạnh đó, Pakistan đã phải đề nghị sự hỗ trợ của Mỹ để tiếp tục nhận được tài trợ quốc tế, quyết định này được đưa ra trong cuộc bỏ phiếu của Washington tại IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Do đó, Islamabad cần phải có mối quan hệ tốt với Mỹ để duy trì sự hỗ trợ về tài chính.
Trong khi đó, Mỹ cũng cần Pakistan để hỗ trợ cho quá trình rút khỏi tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan. Sự can thiệp của quân đội Mỹ vào Afghanistan đã kéo dài trong 18 năm và chỉ có thể chấm dứt nếu Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ rút quân đội. Đặc phái viên Mỹ tại Pakistan, Zalmay Khalilzad đã tích cực triển khai đàm phán với Taliban trong vòng một năm qua để sắp xếp cho một cuộc rút lui không giống như một thất bại.
Mỹ cần Pakistan đóng vai trò là người hỗ trợ trong quá trình này vì quan hệ của Pakistan với lực lượng Taliban, qua đó thuyết phục lực lượng này đàm phán với chính phủ Kabul về tương lai ở Afghanistan mà Mỹ vẫn có thể hiện diện hoặc có ảnh hưởng tại đây. Trong bối cảnh hiện nay, Pakistan sẵn sàng hỗ trợ Mỹ, song quá trình này diễn ra khá chậm bởi sự cứng nhắc và không rõ ràng từ phía Taliban.
Bên cạnh đó, Islamabad cũng muốn việc bảo vệ Taliban như một tài sản chiến lược để sử dụng khi cần thiết trong tương lai.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, ông Trump đã thẳng thắn rằng Mỹ cần sự hỗ trợ của Pakistan để giúp Mỹ có thể rút quân khỏi Afghanistan mà không mất uy tín. Đáp lại, ông Khan cũng cho biết chính phủ của mình sẵn sàng hỗ trợ, song cảnh báo Mỹ không nên hy vọng điều này sẽ dễ dàng, bởi đây là một vấn đề rất phức tạp. Đánh giá thực tế về tình hình ở Afghanistan, ngoài Pakistan và Mỹ, một số cường quốc nước ngoài (đặc biệt là Iran, Nga và Ấn Độ) cũng đang tích cực tham gia và có những lợi ích khác biệt với Washington và Pakistan.
Theo như phát biểu của ông Khan tại Washington, có thể thấy Pakistan sẵn sàng hỗ trợ Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đổi lại Mỹ sẽ nối lại viện trợ quân sự và kinh tế cho quốc gia này. Các điều khoản sẽ bao gồm việc nối lại viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ vốn đã bị đóng băng dưới thời chính quyền Trump cũng như yêu cầu Mỹ gây áp lực buộc New Delhi công nhận lợi ích chính trị và chiến lược của Pakistan ở cả Afghanistan và khu vực Kashmir. Ông Trump tuyên bố ông sẵn sàng làm trung gian giữa Ấn Độ và Pakistan về vấn đề Kashmir.
Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để khẳng định sự trao đổi giữa Washington và Islamabad sẽ dẫn đến khả năng tái thiết lập các mối quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, cả Mỹ và Pakistan dường như hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội mở ra cho cả hai bên