Phần lớn nhà đầu tư chứng khoán nhỏ đang thua lỗ do thị trường có sự thao túng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nhỏ thường rất thua lỗ trên thị trường bởi họ đang bị sự lũng loạn, bị thao túng.” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu trong phiên thảo luận về Luật Chứng khoán chiều 13/6.
Phần lớn nhà đầu tư chứng khoán nhỏ đang thua lỗ do thị trường có sự thao túng
Ảnh minh họa

Đổi tiền lấy giấy nếu thiếu minh bạch thông tin

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) trước khi có những đề xuất cụ thể đã cho hay, sau hơn 18 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động (từ tháng 7/2000), cho đến nay quy mô thị trường chứng khoán của đã tăng rất đáng kể, với 2 cổ phiếu ban đầu được niêm yết nay đã tăng lên con số 1.552. Cùng với đó, vốn hóa của thị trường năm 2006 chiến khoảng 20% GDP thì đến nay đạt trên 100% GDP nếu tính luôn cổ phiếu và trái phiếu.

Đáng chú ý, theo đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh, hiện nay phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nhỏ thường rất thua lỗ trên thị trường bởi họ đang bị sự lũng loạn, bị thao túng.

“Mặc dù chúng ta biết rằng đã chơi là phải chịu, nhưng bị lũng loạn, bị thao túng thì ai là người chịu trách nhiệm? Tôi đồng ý nâng cao quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra thao túng. Trong điều luật của chúng ta phải có quy định bảo vệ nhà đầu tư nên chúng ta phải dành một khoản mục hoặc 1 chương liên quan đế bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chứng khoán” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

ĐB Trần Hoàng Ngân

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần phải xem xét kỹ về trách nhiệm kiểm soát tính minh bạch trên thị trường chứng khoán.

“Chứng khoán là hàng hóa rất có nguy cơ rơi vào trạng thái thông tin bất đối xứng, tức là chỉ có người phát hành ra cổ phiếu đó biết được thực chất của doanh nghiệp này thế nào, còn những người mua chứng khoán, kể cả người sở hữu cổ phiếu cũng không biết được, chỉ dựa trên các báo cáo. Nếu như để tình trạng về thông tin bất đối xứng xảy ra thì nguy cơ thị trường có thể sụp đổ. Do vậy, tính minh bạch của thị trường là hết sức quan trọng” – Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Cường phân tích: Tính minh bạch sẽ phụ thuộc vào 3 đơn vị, một là người cung cấp thông tin; hai là cơ quan kiểm toán độc lập; ba là Ủy ban kiểm soát của nhà nước. Do vậy, ông đề nghị ngoài việc quy định xử phạt đối với vi phạm trong việc cung cấp thông tin thì cần phải tăng trách nhiệm trong việc đảm bảo tính chính xác của các báo cáo của kiểm toán độc lập cũng như tăng vai trò trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong việc kiểm soát các thông tin minh bạch thị trường và phải có một cơ quan kiểm soát lại những hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong việc kiểm soát thông tin này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thì đánh giá, đầu tư chứng khoán được ví như cho vay tín chấp, đổi tiền lấy giấy, rủi ro cao nếu thông tin thiếu minh bạch.

Cho rằng việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp là khá mạo hiểm vì doanh nghiệp khởi nghiệp được áp dụng chế độ quyết toán riêng đơn giản, Đại biểu tỉnh Bến Tre đề nghị cần cụ thể hóa những quy định về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong dự thảo luật, quy định cụ thể điều kiện doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, giới hạn phạm vi chào bán, tài sản chào bán, đối tượng đầu tư và thời gian áp dụng chính sách này không phải là khởi nghiệp suốt đời, nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại và uy tín khi vào sân chơi chung của thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Bổ sung quyền được tiếp cận thông tin khi thanh tra kiểm tra

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động quản lý giám sát thị trường chứng khoán như khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán quốc tế.

Cụ thể, Hiệp hội Chứng khoán quốc tế gồm 128 thành viên được thành lập với mục đích trao đổi thông tin giữa các thành viên về kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán. Hiệp hội đưa ra các khuyến nghị và khuyến khích các thành viên tự nguyện triển khai, tùy theo điều kiện mà từng thành viên có cách thức áp dụng phù hợp.

“Mặc dù không phải là cam kết quốc tế, nhưng trong quá trình xây dựng Luật Chứng khoán 2006, 2010 và sửa đổi Luật Chứng khoán lần này, quan điểm của Chính phủ là áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất theo khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán quốc tế nhằm phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch và bền vững. Hiệp hội Chứng khoán quốc tế khuyến nghị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trong quá trình quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phải có tính độc lập, có đủ năng lực thực thi, không chịu tác động bởi các yếu tố khách quan" – Ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của UBTV Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung thêm 3 quyền rất quan trọng cho Ủy ban Chứng khoán trong dự thảo luật kỳ này.

“Đó là quyền được tiếp cận thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chứng khoán để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát thị trường, quyền chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho thị trường chứng khoán, xử lý các biến động, bất thường hoặc sự cố trên thị trường và quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình thị trường chứng khoán” – Người đứng đầu Bộ Tài chính thông tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật