Huy động vốn trong dân thông qua thị trường chứng khoán

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 13-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Huy động vốn trong dân thông qua thị trường chứng khoán
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng ; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống Pháp Luật liên quan. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường và đưa thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Đề xuất chuyển đổi nguồn tiền nhàn rỗi trong dân thành trái phiếu, cổ phiếu

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đánh giá, thị trường chứng khoán hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân làm theo việc huy động vốn trong dân, huy động nguồn tiền nhàn rỗi chưa thực sự hiệu quả.

Theo khảo sát của tổ chức Neisen quý II năm 2018, có hơn 70% người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiết kiệm, nếu có tiền nhàn rỗi.

“Do vậy, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là hết sức cần thiết, đưa thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn chung và dài hạn quan trọng, là cơ sở phát triển thị trường vốn chia sẻ với hệ thống ngân hàng và bảo đảm tính bền vững ổn định của nguồn vốn”, đại biểu nhận định.

Nhấn mạnh, hiện nay đất nước đang cần một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước như đường cao tốc Bắc - Nam, các sân bay, đường sắt cao tốc, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các chương trình chống biến đổi khí hậu..., đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề nghị dự thảo luật nên thiết kế một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng và tài sản của người dân, đặc biệt là tại nơi triển khai dự án.

Đồng thời, có cơ chế để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước Việt Nam trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được bảo đảm an toàn và sinh lời...

Dẫn chứng mô hình công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1974 đến nay là 15% hằng năm và là “con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Singapore”, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm một số điều, cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư nhà nước, dạng như công ty Temasek Singapore. Nhiệm vụ công ty đầu tư nhà nước này là sử dụng vốn, đồng tiền của nhà nước và người dân một cách thông thái và phải biến nguồn vốn này thành “nồi cơm Thạch Sanh” cho ngân sách nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân...

“Để được người dân “chọn mặt gửi vàng” trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi công ty đầu tư vốn nhà nước phải bảo đảm tài sản của người dân tham gia vào công ty quy đổi ra trái phiếu, cổ phiếu được an toàn và sinh lời”, đại biểu phân tích.

Cụ thể hóa việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp

Ngoài ra, việc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia thị trường chứng khoán cũng là nội dung được quan tâm, thảo luận.

Bàn về quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) bày tỏ quan điểm cần tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm khơi thông dòng vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp này trong sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu, hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, với đặc điểm là có mức vốn thấp, độ rủi ro cao nên khó huy động vốn, vì vậy việc tạo thêm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, huy động vốn là cần thiết.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán cũng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung”, đại biểu Thủy lưu ý, đồng thời đề nghị cụ thể hóa việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong dự thảo luật.

Dẫn một loạt số liệu, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết có đến 390 công ty đại chúng có vốn nhỏ hơn 30 tỷ đồng sẽ “chết nhưng chưa chôn”. Bởi lẽ, mặc dù, dự thảo luật có điều khoản chuyển tiếp cho song song tồn tại nhưng thực chất các công ty này không thể hoạt động được do nhà đầu tư không đầu tư tiếp, thậm chí thu hồi vốn đầu tư.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ, bảo đảm quyền lợi công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng và quyền lợi nhà đầu tư, tránh tình trạng “quản không được thì cấm”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật