Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Không thể “cùng thắng” !

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Mỹ đã tích lại nhiều bất bình và cả nhiều loại “vũ khí” có thể sử dụng. Tuy nhiên, không có nghĩa họ nên sử dụng tất cả những vũ khí mà họ có. Phân tích của Báo Thế giới và Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Không thể “cùng thắng” !
Đòn đánh Huawei của Tổng thống Trump có thể là con dao hai lưỡi. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Khi đó, không chỉ đối thủ của Mỹ chịu thiệt hại, mà cả nền kinh tế thế giới cũng bị tổn thương, trong đó có cả Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “thêm dầu vào lửa” sau khi ký sắc lệnh cấm Huawei và một nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông Trung Quốc khác là ZTE bán thiết bị cho Mỹ. Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đã đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm cấm công ty này giao dịch kinh doanh với các công ty Mỹ.

“Thêm dầu vào lửa”

"Đòn kép" này đã đánh trúng vào điểm yếu của Huawei là phụ thuộc quá mức vào linh kiện Mỹ, bao gồm các linh kiện cốt lõi. Cả mảng điện thoại và viễn thông của Huawei có thể phải chịu ảnh hưởng, bởi không bán được thiết bị tại Mỹ và cũng không mua được linh kiện từ các nhà sản xuất của nước này. Trường hợp xấu nhất là Huawei bị cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận công nghệ Mỹ, thì “đế chế” này gần như chắc chắn sẽ không "sống sót" qua khủng hoảng nếu cố giữ mô hình hiện tại, Eurasia Group nhận định trong một báo cáo công bố cuối tuần trước.

Rõ ràng hơn, khi Google - bên cung cấp hệ điều hành Android cho điện thoại thông minh, tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei do lệnh cấm, theo đó, thiết bị của Huawei sẽ mất quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google và việc đó có thể khiến họ mất đi khách hàng.

Trên thực tế, nhiều hãng công nghệ đình đám của thế giới đã phải “đắng cay” nhận thất bại, chỉ vì cái gọi là “hệ điều hành”, bởi vậy, giới chuyên gia tỏ ra không quá tin tưởng vào việc Huawei tuyên bố xây dựng hệ điều hành của riêng mình. Bởi khách hàng vốn đã quá quen với Android hay iOS nên rất khó để làm họ thích một sản phẩm mới.

Ở mảng cung cấp thiết bị viễn thông, tuy Huawei đang dẫn đầu trong nỗ lực thiết lập mạng 5G cho các mạng di động trên toàn thế giới, nhưng họ rất dễ bị tổn thương do nhu cầu linh kiện trị giá khoảng 67 tỷ USD/năm, trong đó có khoảng 11 tỷ USD từ các nhà cung cấp Mỹ. Intel là nhà cung cấp chip chính cho máy chủ của Huawei; Qualcomm là nhà cung cấp chip và modem; Broadcom là nhà cung cấp chip chuyển đổi mạng, Google bán hệ điều hành Android...

Vì vậy, khi một số nhà cung cấp Mỹ tuyên bố chính thức đình chỉ cung hàng cho Huawei, thì khả năng có thể "làm suy yếu hoàn toàn" việc triển khai mạng 5G và cản trở nỗ lực trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới của Huawei là điều không khó hiểu.

Ngày 21/5, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói với truyền thông Trung Quốc rằng, Huawei có một kho dự trữ chip và có thể tự sản xuất. Tuy nhiên, giới phân tích công nghệ cho đây chỉ là "đòn gió". Bởi dù có kho dự trữ chip thế nào thì Huawei cũng không thể dự trữ phần mềm và không có cách nào tồn tại mà không cần chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi nhánh thiết kế chip của Huawei, Hisilicon, cũng bị Mỹ nhắm mục tiêu, khiến họ không có các công cụ cần thiết để tiếp tục hoạt động.

Không có kết thúc rõ ràng

Bloomberg tổng kết rằng, trong khi đối đầu với Trung Quốc cả về thương mại và an ninh quốc gia, Mỹ đã tích lại nhiều sự bất bình và cả nhiều loại “vũ khí” có thể sử dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ nên sử dụng tất cả những vũ khí mà họ có.

Đòn trừng phạt mà Mỹ nhắm vào Huawei có thể là một sai lầm? Dù Huawei từ lâu đã bị Nhà Trắng coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, nhưng việc khiến cho công ty này không làm ăn được ở Mỹ có vẻ là một nỗ lực không cân xứng, thậm chí bị giới quan sát cho là “thiếu khôn ngoan”.

Lệnh “cô lập” Huawei chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn. Không ít công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho Huawei mất mối làm ăn, đồng thời phát sinh những chi phí mới mà chẳng vì lý do gì. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể sẽ chẳng còn cách nào khác là dồn toàn bộ “lực lượng” để đạt mục tiêu phát triển các công nghệ mới, nhằm “thoát Mỹ” bằng mọi cách.

Mới đây, trong một tuyên bố, Huawei đã nhấn mạnh rằng, "hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ, khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn".

Nhưng nếu coi đây là một bước đi chiến lược trong đàm phán thương mại cũng có vẻ không đúng. Dù Washington luôn khẳng định việc cấm Huawei không liên quan đến cuộc đàm phán thương mại đang bế tắc, thì toan tính của Tổng thống Trump muốn dùng Huawei như một đòn bẩy trong cuộc đàm phán vẫn lộ rõ, vì nó giống như cách ông đối xử với ZTE hồi năm ngoái. Nhưng thế trận nay đã khác, đòn của Tổng thống Trump rất có thể sẽ phản tác dụng, làm trầm trọng hơn bế tắc hiện nay và khiến cho quá trình đàm phán Mỹ - Trung đi lệch hướng.

Chưa thể khẳng định đòn tấn công Huawei của Mỹ có thất bại hay không, nhưng một “giấy phép” hoãn một lệnh cấm trong 90 ngày, được cho là minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng thực tế của một “đế chế công nghệ” Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng, nếu Tổng thống Mỹ muốn đảm bảo lợi thế, đòn nhằm vào Huawei cần nằm trong một chiến lược lớn với kết quả được định sẵn. Nhưng hiện vẫn chưa thể trả lời được ông Trump muốn đánh sập nền công nghiệp công nghệ Trung Quốc, hay chỉ muốn chỉ cho Trung Quốc thấy vị thế của mình.

Bởi vậy, “đòn mới” của Tổng thống Trump có thể chỉ dẫn đến một đòn trả đũa khác từ Bắc Kinh nhắm vào các công ty công nghệ của Mỹ, dù chúng không hẳn liên quan đến "cuộc chiến 5G" mà Mỹ và Trung Quốc đang so kè nhau. Đơn giản nó vẫn chỉ là "ăn miếng phải trả miếng". Tất cả điều này sẽ đều không có một kết thúc rõ ràng.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 10125
  1. Trung Quốc dọa trả đũa việc Mỹ áp thuế
  2. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang
  3. Trung Quốc có đủ USD để trụ được thương chiến kéo dài với Mỹ
  4. Thêm doanh nghiệp Mỹ than khổ vì thương chiến Mỹ - Trung
  5. Hơn 600 công ty nài nỉ ông Trump không tăng thuế với hàng Trung Quốc
  6. Thương chiến Mỹ-Trung: Ông Trump bị hàng trăm công ty Mỹ gây sức ép
  7. Mỹ dịu giọng khi nói về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
  8. Kinh tế Trung Quốc bắt đầu sa sút vì cuộc chiến thương mại?
  9. Ông Trump không thể thắng thương chiến với Trung Quốc
  10. Ai thắng ai trong cuộc đấu Trung – Mỹ?
  11. Đàm phán thương mại bế tắc, Trung Quốc tìm cách gây áp lực với Hoa Kỳ
  12. Trump bảo vệ chính sách tăng thuế, Trung Quốc không sợ chiến tranh thương mại
  13. Trung Quốc lần đầu hé lộ lí do đàm phán thương mại với Mỹ sụp đổ
  14. ‘Con dao hai lưỡi’ của Trung Quốc trong cuộc thương chiến với Mỹ
  15. Ông Trump bị tố ‘đuổi cùng diệt tận’ gã khổng lồ Huawei
  16. Mỹ và Trung Quốc cần làm gì để tháo gỡ nút thắt thương chiến
  17. Trung Quốc sẽ theo đến cùng nếu Mỹ làm cuộc chiến thương mại leo thang
  18. Thương chiến căng thẳng, Trung Quốc đẩy mạnh gom vàng
  19. Bị Mỹ trừng phạt thuế, Trung Quốc ồ ạt mua vàng tích trữ
  20. Hoa Kỳ sẽ có ‘biện pháp thích đáng’ nếu Trung Quốc tiếp tục thao túng tiền tệ
  21. Mỹ càng đấu, thâm hụt thương mại với Trung Quốc càng tăng
  22. Hà Nội: Dự báo tốt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để tăng trưởng xuất khẩu
Video và Bài nổi bật