Đối tác chiến lược khuyến nghị gì khi xúc tiến đầu tư tại Việt Nam?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những khuyến nghị về môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, không phân biệt đối xử, nâng cấp về mọi mặt của doanh nghiệp Việt đã được đại diện cho các đối tác chiến lược đưa ra tại Tọa đàm ’Xúc Tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp’, do VCCI vừa tổ chức.
Đối tác chiến lược khuyến nghị gì khi xúc tiến đầu tư tại Việt Nam?
Tọa đàm “Xúc Tiến Thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược: Góc nhìn doanh nghiệp“. Ảnh: Minh Hoa/DNVN

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề án “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, quan trọng” đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho VCCI chủ trì và thực hiện, thu hút sự tham gia của Hiệp hội Doanh nghiệp đến từ các đối tác chiến lược và doanh nghiệp trong nước.

Các đề xuất được đưa ra tại buổi Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp Việt Nam chuyển hướng tốt hơn khi thu hút FDI hướng về dòng vốn chất lượng cao hơn, và những đối tác chiến lược ngày càng giữ vai trò trọng yếu.

Tại cuộc Tọa đàm, đại diện cho nhiều đối tác quan trọng đã đưa ra đề xuất để hoạt động xúc tiến thương mại vượt qua được những khó khăn hiện có, tìm ra phương thức mới, hấp dẫn và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tính liêm chính, không phân biệt đối xử và cải thiện cơ sở hạ tầng

Nhấn mạnh về những hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, bà Virginia B. Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng chính sách hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia đối tác có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để tăng cường xúc tiến đầu tư, bà Virginia B. Foote khuyến nghị việc hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp cần tới tính liêm chính và tinh thần không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện mong muốn đầu tư ở Việt Nam trong một số lĩnh vực như năng lượng, vận tải... Họ kỳ vọng những thay đổi tiến bộ, sự cải thiện rõ ràng hơn cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; cũng như các chính sách về đầu tư hay hợp tác kinh doanh của Chính phủ”, bà Virginia B. Foote nói.

Theo bà Virginia Foote, nếu Việt Nam hoàn thiện được cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm thì sẽ có nhiều lợi thế. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế phi tiền mặt khi tạo dựng được hệ thống an ninh an toàn, đảm bảo về công nghệ để có thể giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt hay các giao dịch dựa trên tiền mặt.

Về xuất khẩu công nghệ và chuyển giao công nghệ, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ hết sức quan tâm, các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, nền tảng thuế và các chính sách thuế của Việt Nam cần được các cấp, ngành chú trọng nhiều hơn.

“Với các tỉnh thành và địa phương, chúng tôi cảm nhận thấy có những khó khăn trong hoạt động thu thuế. Lãnh đạo các tỉnh, thành hay Chính phủ đã có nhiều chuyến ra nước ngoài quảng bá, thu hút đầu tư. Việt Nam cũng đã rộng mở cánh cửa nhưng không hiểu nguyên cớ vì sao, nền tảng thuế và các chính sách thuế vẫn chưa thân thiện," bà Foote nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt tăng cường nội lực để gia nhập chuỗi cung ứng

Kiến nghị tại Tọa đàm, ông Bjorn Koslowski, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam cho rằng với nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo sự ủy thác của Chính phủ Liên bang Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức đang tích cực trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp cho các doanh nghiệp Đức. Đây chủ yếu là kế hoạch di chuyển, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các doanh nghiệp Đức từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn để gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Đức lại chưa cao, khiến doanh nghiệp Đức chủ động liên kết với doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng khó khăn”, ông Bjorn Koslowski nói.

Đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), ông Hiromitsu SHO, Giám đốc JETRO Hà Nội thì cho rằng thời gian qua, có hơn 3.200 doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hằng năm giá trị ngày càng gia tăng.

JETRO đã thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư, hướng dẫn các doanh nghiệp Nhật tham gia xây dựng tầm nhìn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, do đó tỉ lệ nội địa của các sản phẩm hay doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ngày càng tăng.

Theo nghiên cứu của JETRO, có hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ rất cao, chứng tỏ độ hấp dẫn của Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Quy mô thị trường, chi phí lao động thấp, điều kiện sống tốt cho cán bộ công nhân viên người nước ngoài... là những gì JETRO hay các doanh nghiệp Nhật Bản đang đánh giá về Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hiromitsu SHO nhấn mạnh: “Thực tiễn cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn có nhiều hạn chế về kỹ thuật. JETRO hiện đang cung cấp thông tin và tư vấn cho nhiều doanh nghiệp loại này và Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á mà JETRO có tới 2 văn phòng cùng hoạt động”.

Đại diện JETRO tại Việt Nam nhấn mạnh: Để hợp tác đầu tư hay xúc tiến thương mại giữa hai nước được gia tăng hơn nữa, ngoài vấn đề chi phí nhân công; các quy trình thủ tục hành chính thì môi trường đầu tư cũng cần phải được coi trọng và nỗ lực cải thiện nhiều hơn.

Còn ông Vaibhav Saxena, Tổng thư ký Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (InCham Hà Nội) kiến nghị: “Việt Nam cần xem xét về khả năng ký kết các FTA với các chính sách phù hợp để hỗ trợ thương mại, đầu tư giữa hai nước. Hiện hai bên vẫn chưa thực hiện FTA toàn diện và Hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện. Vì vậy, doanh nghiệp hai bên chưa tận dụng được các lợi ích về thuế, đặc biệt là thuế trong một số ngành công nghiệp chủ chốt”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật