Cho đến nay, người ta thường cho rằng loài bò sát ăn thịt khổng lồ là rồng Komodo (Varanus komodoensis). Chúng bắt mồi rồi bỏ con mồi đấy cho chảy máu từ vết thương đến chết và nạn nhân thường bị sốc và chết trước khi bị rồng giết và ăn thịt.
Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con mồi bị giết là do loại vi trùng gây bệnh có trong miệng rồng. Một nghiên cứu mới đây đăng trên số mới nhất của Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences lại chứng minh rằng con mồi chết là do sự kết hợp giữa vi khuẩn ở răng và nọc độc của chính loài bò sát chứ không phải chỉ vì vi trùng gây bệnh.
TS Stephen Wroe, Trường ĐH New South Wales, đồng tác giả của công trình cho biết: "Quan điểm cho rằng rồng Komodo chỉ làm chết con mồi bằng những vi trùng có trong miệng chúng là không đúng. Bản thân con rồng có nọc độc. Chất độc ấy do tuyến nước bọt của chúng sinh ra. Đó là các chất gây tăng huyết áp và chống đông máu. Chính các chất này làm máu của những con mồi bị chúng cắn chảy ào ạt, khiến con mồi chết vì cạn máu".
Các nhà nghiên cứu dùng máy tính để mô hình hoá vết cắn của rồng Komodo và nhận thấy: cùng vết thương cỡ như vậy nhưng nếu do cá sấu cắn, con mồi sẽ không bị chết. Các ảnh chụp cộng hưởng từ còn cho thấy những tuyến độc phức tạp của rồng Komodo.
Sau khi giải phẫu tỉ mỉ các tuyến của một con rồng Komodo bị chết tại vườn thú, các nhà nghiên cứu dùng quang phổ khối để phân tích thành phần nọc độc của rồng, đã phát hiện nọc độc của nó cũng giống với nọc độc của nhiều loài rắn. Nọc độc này vừa làm máu không đông được, vừa làm giãn mạch, gây sốc ở nạn nhân và máu bị chảy ra ngoài rất nhanh.
Các nhà nghiên cứu còn khảo sát hoá thạch của một “họ hàng” khổng lồ đã tuyệt chủng của rồng Komodo là một loài đã tuyệt chủng có tên khoa học là Varanus megalania và nhận thấy con “thằn lằn” dài 7 mét là một trong những động vật có nọc độc to lớn nhất từng sống trên trái đất.
Là hậu duệ trong họ kỳ đà sống trên 100 triệu năm về trước, rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất còn tồn tại và hiện sống trên các đảo miền Trung Indonesia như các đảo Komodo, Rinca, Flores, Gili Motang và Gili Dasami. Chúng có chiều dài từ 2 đến 3 mét và nặng chừng 70kg. Với thân hình khổng lồ như vậy, chúng thống trị các hòn đảo nói trên mà không động vật có vú ăn thịt nào cùng tồn tại được bên cạnh chúng.
Rồng Komodo là loài ăn thịt hung hãn và làm chủ hệ sinh thái chúng sống. Mặc dù thức ăn chính của chúng là xác thối rữa nhưng chúng cũng săn bắt và tấn công nhiều con mồi khác bao gồm các động vật không xương sống, động vật có vú và chim chóc.
“Danh tiếng” về kích thước to lớn và sự hung dữ của rồng Komodo đã khiến các nhà khoa học trên thế giới chú ý đến nó từ năm 1910 cũng như trở thành một đối tượng thu hút khách tham quan đến những vườn thú trên thế giới. Trong thiên nhiên hiện chỉ còn 4.000 đến 5.000 con sống hoang dã. Chúng đang chịu sức ép của con người và được xếp vào danh sách các loài cần bảo vệ của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới