Tết và bánh tráng Chợ Lầu

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chợ Lầu chỉ là một thị trấn nhỏ ở phía bắc Bình Thuận, nhưng nơi đây có một sản vật dân dã, rất nổi tiếng là bánh tráng, từng làm xao xuyến biết bao người con xa quê.
Tết và bánh tráng Chợ Lầu
Ông Hai Đê đang gỡ bánh tráng tại sân nhà - Ảnh: Q.H

Cụ bà 80 và nghề gia truyền

Ở Chợ Lầu hiện chỉ còn khoảng 30 hộ giữ được nghề làm bánh tráng gia truyền. Ở làng Xuân Hội, thuộc thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình), không có ai lại không biết bà Tám Yêm, một cựu tù cách mạng thời chống Mỹ. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng trông bà vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bà Tám Yêm đã có hơn 50 năm làm nghề bánh tráng. Với bà, nghề bánh tráng là nghề gia truyền nuôi sống gia đình. Giờ đây, bà đã truyền lại cho con cháu ở làng Xuân Hội.

Bà cho biết: “Nghề bánh tráng không vất vả lắm, cũng không giàu lắm, nhưng có công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình vững vàng vì tiêu thụ được quanh năm không bao giờ ế”. Thường ngày, từ 5 giờ sáng, bà Tám đã dậy để chuẩn bị cho một ngày tráng bánh. Tuổi đã già, bà Tám phải chỉ bảo cho con cháu từng bí quyết, từ cách xay bột, pha chế đến công đoạn tráng bánh và phơi bánh, cho đến kỹ thuật nướng bánh.

Ở Chợ Lầu giờ có khoảng hơn 30 gia đình làm nghề bánh tráng truyền thống. Mỗi năm tiêu thụ hàng chục tấn gạo và giải quyết hàng trăm lao động tại chỗ. Nhưng cái quan trọng là các hộ dân này đã tạo nên một thương hiệu bánh tráng Chợ Lầu nổi tiếng. Hiện nay, chính quyền thị trấn và huyện Bắc Bình đang có ý định qui hoạch làng bánh tráng và giúp cho bánh tráng Chợ Lầu vang xa hơn nữa.

Bánh tráng chủ yếu có hai loại. Bánh mỏng để cuốn với các thức ăn khác như thịt, cá, rau, măng... Còn bánh dày thì nướng và ăn kèm với các gia vị như nước chấm, gỏi. Vì là món ăn khoái khẩu của người địa phương và có hương vị đặc biệt, nên bánh tráng Chợ Lầu đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng không chỉ ở Bình Thuận.

Hôm chúng tôi đến, bà Tám đang chuẩn bị hàng trăm phần quà cho các mối hàng thân quen để đem vào Phan Thiết, Biên Hòa, Đà Lạt và TP.HCM. Bà nói, năm nào cũng vậy, cứ giáp Tết, các mối hàng thân quen, từ những thương nhân, cho đến  những cán bộ công chức đều đặt trước hàng tháng trời để bà sản xuất ra những lô bánh đặc biệt làm quà Tết. Để giữ uy tín, bà Tám không nhận nhiều “đơn đặt hàng” mà chỉ nhận các mối thân quen. Bà Tám bảo, “công đoạn làm bánh Tết rất công phu, từ chuyện phải rang mè (vừng) sao cho thơm mà không cháy, đến khâu pha chế bột, thậm chí việc gỡ bánh phơi khô cũng rất kỳ công. Làm nhanh thì sẽ không đúng kỹ thuật, bánh không ngon, mất uy tín”.

Thương hiệu bánh tráng Chợ Lầu?

Một lò bánh tráng lâu đời khác rất uy tín ở thị trấn Chợ Lầu, không ai khác, chính là một người cháu ruột của bà Tám Yêm, đó là ông Nguyễn Văn Đê (tức Hai Đê). Gia đình ông Hai Đê, ngoài việc làm hơn hai mẫu ruộng, các con ông học hành thành đạt tất cả là từ nghề làm bánh tráng. Vì là nghề gia truyền nên không thuê người ngoài làm, mà chỉ có con cái trong nhà. Hàng chục năm qua, ông Hai Đê trở nên có “thương hiệu” ở Phan Rí.

Với người Phan Rí, bánh tráng Chợ Lầu và món mắm ruốc Phan Rí hợp lại thì không có gì ngon bằng. Du khách tuyến Quốc lộ 1A Bắc - Nam qua quãng đường Phan Rí thường thấy những hàng quán bán bánh tráng nướng ăn với mắm ruốc, vừa thơm, vừa béo vừa ngon. Đó chính là bánh tráng của ông Hai Đê được sản xuất từ làng Xuân Hội, Chợ Lầu.

Hằng ngày, gia đình ông Hai Đê dậy từ rất sớm. Mọi công đoạn làm bánh đều được phân công cụ thể cho từng người. Bây giờ do cận Tết, ông Hai Đê phải mở thêm một lò tráng bánh nữa mới đủ bánh bán cho các khách hàng là mối “ruột” của mình.

Hỏi vì sao nhiều mối hàng như vậy mà không mở rộng như một “công ty tráng bánh”. Ông Hai Đê cho biết: “Tết có làm nhiều hơn ngày thường; nhưng vì uy tín vẫn phải giữ đúng công thức pha chế bột cho bánh ngon. Những lúc hết hàng, lấy bánh của người khác bỏ cho các đầu mối là họ phát hiện ngay vì ăn có mùi vị lạ”. Thì ra không phải thứ bánh tráng nào cũng có thể làm cho người ta “mê” như bánh tráng Chợ Lầu. Ngoài công thức pha chế bột, muối, mè và cơm nguội thì công thức tráng bánh và phơi bánh cũng rất công phu.

Ông Hai Đê bảo, “Nếu không biết pha chế thì bánh mỏng sẽ không dẻo; còn bánh dày thì nướng không phồng và không thơm”. Bánh tráng Chợ Lầu phải được làm từ thứ “gạo quê” do chính người dân nơi đây làm ra. Vì thế, nhiều gia đình vẫn phải gửi bánh tráng vào Sài Gòn cho con cái học hành suốt mấy năm trời ở thành phố. Về ăn Tết xong, cô cậu nào cũng tay xách nách mang những chồng bánh tráng ở quê đem vào thành phố thết đãi bạn bè.

Ngày Tết, bánh tráng mỏng Chợ Lầu mà cuốn với măng kho thịt thì không gì bằng. Còn dân ăn nhậu, với những đĩa tiết canh vịt tươi rói mà thiếu đi cái bánh tráng nướng thơm giòn của Chợ Lầu thì “mất khí thế ngay”. Bánh tráng Chợ Lầu đã ăn sâu vào văn hóa ẩm thực của người dân ở đây, đến nỗi ngày Tết, ngày giỗ không bao giờ thiếu thứ bánh tráng quê trên bàn thờ tổ tiên ông bà.


Bà Tám Yêm

Tráng bánh
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật