Bài phát biểu nhậm chức của Obama: Khiêm nhường, biết ơn, hi sinh

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khiêm nhường, biết ơn và sự hi sinh, đó là những gì Obama thể hiện trong bài phát biểu nhậm chức của mình. Ngay từ những từ đầu tiên Obama đã khiến người nghe nhận thấy rằng thậm chí trong ngày đầy ánh hào quang như 20/1, ông không hề bị “chói mắt”.
Bài phát biểu nhậm chức của Obama: Khiêm nhường, biết ơn, hi sinh
Obama trong bài phát biểu nhậm chức.
Ông không bị chói mắt bởi biển người ở trước mặt mình, không bị chói mắt bởi ánh đèn camera gửi từng lời ông nói ra khắp hành tinh. Đó là ông sẵn sàng nói đến sự ảm đạm nhiều người sẽ lảng tránh trong ngày vui của mình. Trong thời gian khó khăn, ông không bỏ phí cơ hội để được nói ra sự thật. Khi thế giới đang dõi theo và đã sẵn sàng lắng nghe, ông đã nói cho họ biết ông muốn đưa họ tới đâu. Và trên tất cả, nói cho họ nghe sự thật.

“Rằng chúng ta đều hiểu rõ chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng”, ông nói và ông không quên nhắc mọi người cuộc khủng hoảng đó tồi tệ đến đâu, không chỉ là cuộc chiến ở đâu đó như Iraq, Afghanistan, sự mất mát và suy thoái kinh tế. Ông khẳng định tồn tại những nghi ngờ, lo lắng, sợ hãi của nước Mỹ về “sự đi xuống của nước Mỹ là không thể tránh khỏi và thế hệ tiếp theo phải giảm bớt tầm nhìn”.

Nhưng trên tất cả, ông cho rằng có thể giải quyết được những thách thức đó. “Để tái xác nhận sự lớn mạnh của đất nước chúng ta, chúng ta phải hiểu sự lớn mạnh đó không bao giờ tự nhiên có. Phải tìm kiếm”, ông nói. Để làm được điều này, theo ông nước Mỹ phải từ bỏ những hoài nghi, chống lại những định kiến vô nghĩa, “sửa đổi những thói quen xấu và làm việc dưới thanh thiên bạch nhật – bởi chỉ khi đó chúng ta mới có thể phục hồi lại niềm tin cần thiết giữ người dân và chính phủ”.

Và ông hướng về thế giới với thái độ tương tự: “Nước Mỹ là bạn của mỗi đất nước, mỗi đàn ông, phụ nữ, trẻ em muốn tìm kiếm một tương lai hòa bình và chân giá trị. Chúng tôi đã sẵn sàng dẫn đầu một lần nữa”.

Ông cũng khẳng định nước Mỹ không thể “thờ ơ với những khổ đau ở bên ngoài biên giới nước mình” hay không thể tiếp tục “tiêu dùng nguồn lực của thế giới mà không xem xét đến sự ảnh hưởng”. Điều này có nghĩa chính quyền của ông sẽ quan tâm đến những thảm họa nhân đạo quốc tế và thách thức về thay đổi khí hậu.

“Tái tạo lại nước Mỹ”

Mất nhà cửa, các ngành kinh doanh đóng cửa, trường học sa sút – đó là bức tranh Obama đã vẽ về nước Mỹ, một đất nước với tinh thần rệu rã, mất mục đích, “niềm tin lỏng lẻo”.

Tuy nhiên người đàn ông với từ “Hi vọng” là câu thần chú trong suốt chiến dịch tranh cử của mình đã nói đến quyết tâm làm lại nước Mỹ. Ông đặt niềm tin vào “những người làm nên mọi thứ” – chứ không phải là những người “làm ra tiền” đã đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại.

Những người công nhân này, theo Obama, là linh hồn thực sự của nước Mỹ và mang đến sự thịnh vượng cho đất nước.

Ông đã trông chờ vào lực lượng lao động của Mỹ để tái thiết lại hạ tầng thương mại và công nghiệp của đất nước.

Khi nói đến sức mạnh quân sự của Mỹ, ông đã nhắc đến những từ như thận trọng, khiêm tốn và kiềm chế.

Cộng gộp tất cả thách thức và nghĩa vụ và lời hứa, ông nói: “Điều chúng ta cần bây giờ là một kỷ nguyên trách nhiệm mới – mỗi người Mỹ phải nhận thức rõ rằng chúng ta có nghĩa vụ đối với bản thân chúng ta, với đất nước chúng ta và với thế giới, những nghĩa vụ mà chúng ta không chấp nhận một cách miễn cưỡng, mà phải nhận lấy một cách vui vẻ, và phải luôn hiểu rằng không có gì là thỏa mãn với tinh thần, định hình nhân cách của chúng ta hơn là cống hiến tất cả cho một nhiệm vụ khó khăn”.

Nếu bài phát biểu là phác họa cho những gì Obama sẽ làm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có lẽ trong những năm tới chúng ta sẽ còn tiếp tục được nghe lại những lời ông nói: “thế giới đã thay đổi và chúng ta phải thay đổi cùng thế giới” hay, “một nước không thể thịnh vượng mãi nếu nước đó chỉ phục vụ cho những người giàu có”.

Phan Anh
Tổng hợp
DT
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật