Tôi đi họp phụ huynh

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nội dung chính của buổi họp phụ huynh là thông báo tình hình trường, lớp, các biện pháp phối hợp gia đình-nhà trường và khâu cuối cùng là đóng tiền.
Tôi đi họp phụ huynh
Ảnh minh họa

Từng đi họp phụ huynh nhiều lần, đồng thời lĩnh vực giáo dục liên quan đến nghề nghiệp nên tôi đã lắng nghe nhiều bậc phụ huynh chia sẻ “chuyện họp” cũng không ít lần.

Nội dung chính của buổi họp phụ huynh là thông báo tình hình trường, lớp, các biện pháp phối hợp gia đình-nhà trường và khâu cuối cùng là đóng tiền.

Trong nội dung dạy các con học ở nhà cũng như trên lớp, giáo viên đề nghị phụ huynh đóng góp ý kiến. Thường là rất ít người phát biểu. Có phụ huynh trong bụng muốn nói một điều gì đó, nhưng nghĩ tới nghĩ lui thế nào lại thôi. Phần đông các ông bố bà mẹ còn đang hồi hộp chờ đợi tiết mục cuối cùng - đóng tiền - xem trong ví có đủ tiền không nên cũng chẳng nghĩ được cái gì.

Trong cuộc họp giáo viên sẽ nói xa xôi, hoặc không cần giấu giếm, rằng năm nay tôi phải đón lứa học sinh có nhiều em nghịch ngợm, thậm chí hư; các em chưa nền nếp, quy củ, thiếu chuyên cần, hay quên đồ dùng học tập .v.v và .v.v.

Phần này giáo viên sẽ liệt kê ra những hạn chế của học sinh. Sẽ có minh chứng với từng em, hoặc tế nhị hơn là nói chung chung, không gắn vào một em nào cụ thể. Tiểu kết cho màn “đấu tố” học trò này là một câu hỏi tu từ: Tôi không hiểu năm trước các con học hành thế nào mà bước vào năm học này lại thế?

Các ông bố các bà mẹ, kẻ chống cằm đăm chiêu, người cúi gằm xuống bàn, nhưng đều chung một vẻ hối lỗi. Giáo viên dừng lại vài chục giây, nhắm chừng để phụ huynh có thời gian suy ngẫm, nhận thức sâu sắc trách nhiệm bản thân.

Ơn trời! Quả bóng sắp phát nổ thì cô giúp xì hơi. Để giải thoát không khí căng thẳng đến nghẹt thở, cô tiết lộ rằng trong mấy tháng qua, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của cả cô và trò, lớp ta đã tiến bộ rõ rệt, cụ thể là…

Mặt các bố các mẹ giãn ra, vài người đã mạnh dạn nhìn lên, đây đó xuất hiện nụ cười. Không khí phấn chấn, tin tưởng và hy vọng lại ùa về. Đúng lúc đó cuộc họp chuyển sang màn…đóng tiền.

Mọi người  rút ví. Thoáng chút đăm chiêu. Nhưng thử xem công sức của cô trò bỏ ra có vài tháng mà cải thiện cả đức trí thể mỹ thì ai lại đi so đo tính toán. Cứ đà này, cuối năm con sẽ ngoan hơn, giỏi hơn, hết phổ thông chắc chắn sẽ trưởng thành.

Thế nhưng năm học sau, giáo viên khác chủ nhiệm, phụ huynh có thể vẫn nghe điệp khúc: “Chẳng biết năm ngoái các con học thế nào, hè ôn tập ra làm sao…”

Thế này thì chết! Cứ bước lên một bậc lại lùi xuống một bậc, hóa ra dậm chân tại chỗ à? Hóa ra thầy cô năm trước…

Học trò như cái cây luôn có xu hướng cong vẹo mà trách nhiệm của thầy cô và gia đình là luôn phải níu phải gò cho thẳng chứ không thuần túy cung cấp kiến thức cao hơn của lớp mới. Sẽ có trò chưa chịu khó dẫn tới học tập sa sút, nhưng thái độ trân trọng đồng nghiệp, trân trọng lao động của cả thầy và trò năm học trước luôn là hành vi đáng kính và mực thước của nhà sư phạm. Dù lớp nhận năm nay có thế nào thì cũng nên coi giáo viên lớp trước đã có công đưa các em lên một nấc thang trưởng thành mới. Và trách nhiệm của mình năm nay là lại tiếp tục đưa các em tiến thêm một bậc thang nữa.

Bộc lộ cá tính là cần thiết nhưng phải kiểm soát được cái TÔI. Cái TÔI quá lớn là mầm mống của đố kị. Chỉ khi cái TÔI hòa cùng (lợi ích chung của) tập thể thì mới tạo ra sức mạnh và sự quyến rũ. Mà người thầy thì rất cần sự quyến rũ chứ không phải sự sợ hãi để phải phục tùng



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật