Tranh chấp quyền lực trong trường tư: Gỡ rối để phát triển

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một vấn đề then chốt mà trường ĐH, CĐ ngoài công lập cần làm bây giờ là giải quyết đến triệt để những mâu thuẫn.
Tranh chấp quyền lực trong trường tư: Gỡ rối để phát triển
Giáo sư – Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: Lao Động)

Phát triển đại học, cao đẳng ngoài công lập là xu thế tất yếu. Những xung đột nảy sinh, những nguyên nhân cản trở con đường đi lên của trường tư thục đã lộ rõ từ chính nội tại cơ chế và luật pháp.

Tháo gỡ những rào cản này như thế nào để đại học ngoài công lập không còn xảy ra tranh chấp như vừa qua và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của xã hội? Trong phần cuối của loạt bài "Tranh chấp quyền lực trong trường tư”, phóng viên VOV tại TP HCM ghi nhận những ý kiến giải quyết vấn đề này.

Dù không chính thức tuyên bố nhưng đến thời điểm này, các trường đại học, cao đẳng tư thục ở nước ta đều hoạt động theo mô hình lợi nhuận. Khi nhu cầu học tập ngày càng lớn, lợi nhuận ngày càng cao, việc thiếu nhạy bén trong công tác quản lý đã dẫn đến những mâu thuẫn nội bộ tại nhiều trường.

Với tình hình như hiện nay, nếu Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu các trường không rốt ráo trong việc phân định giới hạn quyền lực của mình, mọi thứ sẽ trở nên rối rắm hơn. Từ thực tế mà Đại học Hoa Sen đã trải qua, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đầu tư mạnh tay cho chất lượng đào tạo thôi chưa đủ, muốn phát triển bền vững, các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tại Việt Nam cần: “Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường. Đi đôi với tự chủ là trách nhiệm giải trình của từng cấp quản lý. Chúng ta không được nhập nhằng giữa quyền lực đồng tiền và thẩm quyền chuyên môn. Nếu những người có nhiều tiền vẫn tự coi mình có quyền chi phối toàn bộ đường hướng phát triển hay thậm chí là công việc quản lý hằng ngày của nhà trường mà bất chấp đội ngũ chuyên môn, tôi nghĩ là không thể nào ổn định được”.

Tăng cường tính tự chủ cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với các trường tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Các trường tư thục chịu nhiều thiệt thòi như đất đai không có. Nếu có, chi phí tiền cũng rất nhiều so với các trường công. Tiền đầu tư cũng rất lớn nhưng bù lại các đồng chí có toàn quyền, kể cả học phí rất cao. Hai bên phải thi đua với nhau. Bây giờ chúng ta phải làm sao khuyến khích các trường thực hiện đúng tinh thần tự chủ. Nếu chúng ta làm được việc này sẽ giải quyết được vướng mắc trong các trường tư thục”.

Vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra là: các trường cần tìm cách tạo dựng được lòng tin để nhà đầu tư giáo dục yên tâm đầu tư. Khi đã thực sự quản lý tốt rồi thì cần đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng, như vậy mới có thể cạnh tranh với các trường công lập.

Trong khi đó, theo bà Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: nếu chuyển đổi sang mô hình phi lợi nhuận một cách đúng nghĩa, những rắc rối mà nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang gặp phải sẽ từng bước được tháo gỡ. Thế nhưng, lộ trình này cần có những bước đi chậm, thông qua việc tiếp thu kinh nghiệm từ những nước đã chuyển đổi thành công. Quan trọng hơn nữa là cần có những chính sách hỗ trợ tích cực từ ngành giáo dục.

Bà Vũ Thị Phương Anh nói: “Tôi thấy hiện nay vấn đề lớn nhất vẫn là phi lợi nhuận. Nhà nước cũng đã nhìn thấy và đang có những dự thảo quy định cho loại trường này. Nhưng tôi nghĩ rằng mọi thứ cần được làm một cách thận trọng, từ từ. Trường đại học phi lợi nhuận cần có một hệ thống quy định rất rõ ràng và có những khuyến khích để người ta hiến tặng. Nhà nước cũng có thể đóng góp một phần trong phần hiến tặng đó cho xã hội”.

Giáo sư – Tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng: Có 5 điều kiện cơ bản mà các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cần đảm bảo nếu muốn ổn định và phát triển dài lâu. Đó là: đầu tư về cơ sở vật chất, có hệ thống trang thiết bị hiện đại cho việc thực hành, xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu chất lượng. Có như vậy, trình độ của sinh viên mới được nâng cao. Bên cạnh đó, sự ra đời của một hệ thống khảo thí độc lập ở mỗi trường cũng là nhu cầu thiết yếu nhằm hạn chế tiêu cực. Và cuối cùng, cần có một hệ thống pháp lý vững vàng với những quy định, luật lệ chặt chẽ để đảm bảo rằng những yêu cầu trên được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ông Lê Vinh Danh cũng cho rằng, với thực tế hiện nay, mọi thứ còn đang quá xa vời: “Để giải quyết được 5 vấn đề đó, các trường phải có từ 5 đến 15 năm với một điều kiện then chốt nhất là không có mâu thuẫn hoặc xung đột lợi ích. Tức là mọi nguồn tiền, tài sản, tâm lực của trường phải đầu tư cho sự phát triển của trường. Còn nếu tình trạng mong muốn sự chia chác ngày càng nhiều vẫn tiếp tục, chúng ta không thể hy vọng các trường tư thục tại Việt Nam đảm bảo chất lượng”.

Hàng loạt giải pháp được đưa ra, lộ trình cũng từng bước được vạch rõ, điều mà các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cần làm bây giờ là giải quyết đến triệt để những mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ để đầu tư nhiều hơn cho chất lượng đào tạo trong tương lai. Chỉ khi nào làm được như vậy, quan niệm của xã hội về trường tư mới dần thay đổi theo hướng tích cực hơn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật