Giảng dạy tích hợp, coi chừng bị lố

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tích hợp trong dạy học là một trong những quan điểm giáo dục đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của chương trình giáo dục phổ thông ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chuyện này ở Việt Nam thì còn nhiều điều phải bàn lại…
Giảng dạy tích hợp, coi chừng bị lố
Dạy tích hợp kiểu này thì tai hại khôn lường -

Theo tôi được biết, các nhà lí thuyết đã đưa ra ba loại tích hợp cơ bản là: tích hợp đa môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn.

Tích hợp đa môn tập trung vào các môn liên quan với nhau về nội dung và phương pháp dạy học nhưng mỗi môn lại có một chương trình riêng nhằm tạo điều kiện cho người học vận dụng tổng hợp kiến thức của các môn học có liên quan.

Tích hợp liên môn còn được hiểu như là phương án, trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều cấp lớp như: Lịch sử, Địa lý, Văn học, Giáo dục công dân, Hóa học, Vật lí được tích hợp thành môn “Nghiên cứu xã hội và môi trường” như ở nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

Còn cách tiếp cận tích hợp xuyên môn thì giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các vấn đề mà người học quan tâm, gắn với thực tế.

Trong dự án phát triển chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta cũng đang nghiên cứu để áp dụng lý thuyết tích hợp này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một giảng viên giảng dạy bậc đại học, tôi thấy nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng thì sự tích hợp này có thể rơi vào máy móc hoặc suy diễn, đôi khi lố bịch mà các cổ nhân là tác giả có đội mồ sống lại cũng không tránh khỏi ngạc nhiên.

Ở nước ta, phải khẳng định rằng dạy học tích hợp là một thách thức vì các môn học có tính độc lập khá cao, trong khi người dạy chưa có điều kiện để lĩnh hội hết chuẩn nội dung và mối liên hệ lôgic của các môn học nên nhiều trường hợp không tránh khỏi sự quá đà.

Ví dụ, trong cuốn Tài liệu tập huấn tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, môn ngữ văn thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (lưu hành nội bộ), một số tác giả đưa Bình Ngô đại cáo ra tích hợp với giáo dục môi trường với câu: “Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ” để nhấn mạnh giặc Minh không chỉ giết người mà còn giết cả côn trùng, tàn phá cây cỏ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của dân ta. Nếu tích hợp như vậy thì đừng ngạc nhiên khi học sinh có thể hiểu rằng: “Đánh một trận sạch không kình ngạc; Đánh hai trận tan tác chim muông” để phân tích chính quân ta cũng tiêu diệt từ cá dưới biển đến chim trên trời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh. Hiểu như thế thật là tai hại!

Và càng lố hơn khi bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu có câu: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dác bay” mà tích hợp giáo dục môi trường, rằng giặc Tây không chỉ giết chóc trẻ em mà còn tàn hại cả chim chóc, thì không biết người soạn sách đã hiểu văn kiểu gì. Hai câu thơ đối nhau để so sánh tương đồng chứ có phải nói giặc thích thịt chim đâu. Văn chương cần sự tinh tế chứ sao lại máy móc giản đơn như vậy?

Hay như trường hợp của sách khoa học lớp 5, bài 5: Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe? (tr12) của NXB Giáo dục Việt Nam khi dạy trẻ về việc Phụ nữ có thai nên làm gì, có những những lời khuyên như: Không dùng chất kíc‌h thí‌ch như thu‌ốc l‌á, thu‌ốc là‌o, rượu, m‌a tú‌y; đi khám thai định kỳ ba tháng một lần… Kiểu tích hợp này giống như bê nguyên xi từ cuốn Cẩm nang bà bầu vào dạy trẻ lớp 5. Đã vậy thì sao không thêm rằng: Hạn chế quan hệ vợ chồng? Lúc đó, chắc có lẽ nhiều bạn đọc cũng như tôi sẽ có nhiều chuyện để nghe và nói.

Nước ngoài tích hợp trong dạy học để giảm tải một số môn lặp tri thức, không cần thiết, chứ không phải tích hợp để râu ông nọ cắm cằm bà kia. Bất kỳ sự tiếp thu nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên nguyên tắc toàn diện và lịch sử - cụ thể. Trong giáo dục, mọi sự cẩu thả sẽ nguy hại cả nhiều thế hệ. Biết đâu, trong những bài thi văn sắp tới sẽ lặp lại những cách hiểu như: Chí Phèo là chuyên gia kiểm định rượu, Xuân Quỳnh là em gái Xuân Diệu, Xuân Diệu lên Tây Bắc làm kinh tế… dù đó là trò hề vô ý hay cố ý của đám học trò.

Nam Phong (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, giảng viên trường Đại học Quy Nhơn



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật