Phương án hai loại cụm thi kỳ thi THPT quốc gia: Nỗi lo không công bằng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với cách tổ chức hai loại cụm thi theo trường ĐH (cho TS có nhu cầu thi ĐH) và cụm thi địa phương (cho TS xét tốt nghiệp THPT), ĐBQH lo ngại về chênh lệch kết quả, thiếu công bằng giữa hai loại cụm thi khi Bộ trưởng Bộ GDĐT giải trình trước Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của QH vào sáng 23.9 về kỳ thi quốc gia.
Phương án hai loại cụm thi kỳ thi THPT quốc gia: Nỗi lo không công bằng
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình tại buổi làm việc với Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của quốc hội sáng 23.9. Ảnh: D.H

Tại sao phải phân chia cụm thi?

ĐB Phùng Văn Hùng băn khoăn về cách thức chia cụm thi theo hai loại, theo ông, cách phân chia này sẽ khó đảm bảo mặt bằng chất lượng chung. Từ trước nay, các địa phương đều đỗ tốt nghiệp (TN) cao, nhưng khi làm chặt ở kỳ thi ĐH, số lượng HS đỗ ĐH rất thấp. Nếu tổ chức theo kiểu này, TS thi ở các cụm trường ĐH chắc chắn sẽ phải chịu sự quản lý khắt khe hơn cụm địa phương, tạo ra chênh lệch chất lượng thi.

Nỗi lo không công bằng

Ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ nói rằng - hiện Bộ GDĐT vẫn chưa làm rõ vấn đề giữa hai loại cụm thi. Cụm thi địa phương thì chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, nhưng trường ĐH có nhu cầu xét tuyển thì có được sử dụng kết quả này hay không? Việc phân chia hai loại cụm thi sẽ không công bằng khi tạo ra hai mặt bằng điểm khác nhau, nhưng cùng kết quả để xét mục tiêu. Đây là điểm yếu và bộ cần nghiên cứu các bất cập này một cách tối đa. Và có nhất thiết phân chia hai loại cụm thi này hay không? “Nếu phân chia để muốn tạo điều kiện cho HS miền núi không có điều kiện đi lại thì tại sao không áp dụng riêng cho các tỉnh miền núi thôi, để các em thi luôn tại địa phương. Các tỉnh khác thì cứ phân chia theo cụm trường như bình thường?” – ông Thi đưa ra gợi ý.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình rằng, dù có đặt giả thiết chỗ này làm nghiêm, chỗ kia không làm nghiêm hay không thì trách nhiệm của Bộ GDĐT là đảm bảo mặt bằng chất lượng giống nhau. Giải quyết việc này sẽ có các giải pháp cụ thể, rõ ràng. Về độ tin cậy của cụm thi trường cao hơn cụm thi địa phương, điều này phụ thuộc vào cách tổ chức, quản lý thi, nếu chỉ dựa vào kết quả thì không đúng. Thi ĐH chỉ tuyển lựa TS theo chỉ tiêu nên có phân loại là chuyện đương nhiên. Bộ GDĐT cam kết sẽ đảm bảo kỳ thi công bằng, minh bạch bằng cách huy động tối đa mọi giải pháp, siết chặt thanh - kiểm tra.

Kết quả thi cao, thấp không nằm ở đề thi!

Bộ trưởng Bộ GDĐT cho hay, trở ngại lớn nhất của bộ đối với kỳ thi này chính là quan điểm thì thông, nhưng nhận thức đầy đủ về kỳ thi thì cả HS, GV và phụ huynh đều chưa thể thống nhất với nhau. Bộ luôn trên tinh thần lắng nghe, điều gì đúng thì bổ sung, còn điều gì đã có tính toán kỹ rồi thì nên chia sẻ để mọi người yên tâm.

Bộ trưởng Luận vẫn khẳng định rằng, những thay đổi về đề thi sẽ không làm HS bị sốc, bất ngờ hay lúng túng. Cách ra đề sẽ kế thừa từ thành công của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH năm 2014. Cái chính là kiểm tra năng lực của HS, vừa có phần cơ bản để có thông số xét TN, vừa có phần phân hóa khó, rất khó để xét tuyển ĐH. Trước lo ngại của ĐB Lê Minh Thông về việc HS sẽ có nguy cơ học lệch do chỉ xác định các môn sẽ thi, Bộ trưởng Luận cho biết, kết quả thi để xét tốt nghiệp chỉ chiếm 50%, 50% còn lại là dựa vào kết quả học tập của lớp 12, điều này sẽ giải quyết bài toán học lệch của HS và cho hay năm sau sẽ tiếp tục thay đổi, nhưng phải thay đổi đúng hướng chứ không phải “nay rẽ trái, mai rẽ phải” để rồi lại quay về điểm xuất phát.

Kết luận tại buổi giải trình, ông Đào Trọng Thi cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi là cấp thiết. Kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT, còn không bắt buộc với mục đích tuyển sinh ĐH. Các trường ĐH có quyền tự chủ tuyển sinh, lựa chọn tự nguyện phương thức tuyển sinh hợp lý mà không phải phụ thuộc vào kết quả kỳ thi này. Tuy nhiên, ông Thi đề nghị Bộ GDĐT phải tính toán rất kỹ lưỡng phương án lựa chọn cụm thi theo trường và theo địa phương, tránh sự chênh lệch chất lượng, mất công bằng giữa các TS.

“Đề thi chưa chắc là yếu tố chính để đảm bảo điểm cao thấp, mà chính là khâu coi thi, chấm thi. Vì thế, phải rất tính toán đến việc điểm thi có thể có khả năng thấp. Làm sao để xét điểm TN mà phải đạt mức trung bình. Hai cụm thi coi thi theo tiêu chí khác nhau thì sẽ tạo mặt bằng điểm khác nhau. Đặc biệt cần đề phòng hiện tượng “lách”: TS sẽ dồn vào cụm thi địa phương để lấy điểm cao rồi lấy kết quả đăng ký vào các trường với kết quả cao này” – ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật