“Đừng biến các cháu thành chuột bạch”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chúng ta xác định phải đổi mới không ngừng chứ không phải là đóng đinh ở đó, nhưng cũng đừng để như ai nói rằng chúng ta đang biến các cháu thành chuột bạch - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói.
“Đừng biến các cháu thành chuột bạch”
Ảnh minh họa

Sáng 23/9, tại phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về tổ chức đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ), Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết “khó khăn lớn nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay chính là sức ỳ thói quen”.

Và ông cho rằng nhiều người thành đạt cũng từ cách truyền đạt kiến thức một chiều. “Ngay tôi thành giáo sư cũng vì cái đó”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Đổi nhận thức gần 2 triệu giáo viên

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 có nhiều điểm mới, kế thừa kết quả thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, nhất là năm 2014.

Phương án này không dựa trên việc bỏ một trong hai kỳ thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức một kỳ thi nhằm hai mục đích: Đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả tin cậy; phù hợp xu hướng chung trên thế giới là ngày càng coi trọng kỳ thi phổ thông, nhằm đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nhất trí cao với quyết tâm đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải cũng thể hiện băn khoăn. “Bộ có lường trước hết những khó khăn tổ chức phương án thi mới không? Công tác chuẩn bị ngân hàng đề thi để phân hóa học sinh, nhằm vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH đến đâu? Chúng tôi nhận được hàng trăm câu hỏi của cử tri rất băn khoăn, lo ngại...?” - bà Hải chất vấn.

Bộ trưởng Luận khẳng định, đổi mới phương án thi lần này hướng đến mục tiêu ngày càng rõ hơn, đó là đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, kết quả tin cậy. Tuy nhiên, đây chưa phải phương án thi cho chương trình sách giáo khoa mới, mà chỉ là cho giai đoạn quá độ trên tinh thần đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đáp rằng, điều mà ông thấy khó khăn, trở ngại nhất là sức ý và thói quen. Người dân thì bảo đổi mới vụn vặt, thay đổi liên tục, sao không làm luôn một thể, làm thế này gây sốc, không được. Trong ngành thì đã quen với cách dạy truyền đạt kiến thức một chiều.

“Ở đây có anh Quốc (ĐB Dương Trung Quốc -PV) lớn tuổi, tôi tin cũng học kiểu đó, ông bà mình cũng thế, nhiều người thành đạt vì cái đó, ngay tôi thành giáo sư cũng vì cái đó. Cái đó thành máu thịt rồi, phải thay đổi dần dần nhận thức. Làm sao để 2 triệu thầy cô thống nhất, 20 triệu học sinh, mấy chục triệu phụ huynh hiểu để thay đổi. Tôi chỉ muốn nêu lên một khó khăn đó thôi. Thành công nào cũng đều có khó khăn cả” - Bộ trưởng Luận phát biểu.

Quá rắc rối...

Một số ĐB băn khoăn việc tổ chức như đề án của Bộ GD&ĐT nêu là quá rắc rối, tạo sự bất đồng về điểm sàn xét tốt nghiệp. Cùng đề thi nhưng thi ở cụm đại học điểm sẽ thấp hơn do bị coi chặt hơn so với thi ở cụm địa phương (năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng cao), thậm chí có thể tiêu cực trong thi cử. Việc giao cho các trường ĐH cũng gây băn khoăn bởi không ít trường không đủ điều kiện, năng lực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Lê Minh Thông đề nghị Bộ trưởng nói rõ khi xét tốt nghiệp thì kết quả năm lớp 12 chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với bình quân tổng điểm 4 môn thi. “Phải kiểm soát kết quả lực học của các em lớp 12 thế nào vì hiện nay đến 80-90% học giỏi, có ngăn được chạy điểm không?” – ĐB Thông lo ngại.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, những trường được tổ chức thi phải là trường chuẩn có đủ điều kiện. Hồi lên Bộ trưởng, tôi đã ra lệnh dừng việc mở trường ồ ạt và ban hành các quy định chặt chẽ hơn, không để “tay không bắt gió”. Đã có lúc Bộ dừng tuyển sinh một trường 2-3 năm để chấn chỉnh. Còn tỷ lệ điểm thi và kết quả học tập lớp 12 là 50/50. Để chống tiêu cực, việc tổ chức coi thi, chấm thi kể cả khi đỗ vào trường rồi phải làm chặt chẽ. Vào học rồi mà phát hiện gian lận cũng phải cho ra.

Cũng theo Bộ trưởng, đề thi sẽ không làm các em sốc, lúng túng mà chỉ tác động tích cực. Các em không phải học thuộc lòng, mang tài liệu vào cũng không làm gì được. Quan trọng là đề thi sẽ phân hóa được trình độ, năng lực của các em, có cả bình thường, phần khó và rất khó. Năm 2014 đã làm theo hướng này rồi và kết quả rất tích cực, học sinh, phụ huynh vui vẻ, thoải mái.

“Không phải chuột bạch”

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, đổi mới thi cử là cần thiết nhưng phải làm lợi nhất cho người dân. Ví dụ việc tổ chức thi ở cụm địa phương, nên để như hiện nay và tăng cường giám sát tốt hơn.

“Vì sao bắt các em phải đi đến cụm thi để làm gì? Chúng ta muốn nâng đỡ cho vùng sâu nhưng chính các em ở đó khổ nhất. Theo tôi chỉ nên tổ chức cụm đối với các cháu có nguyện vọng dự tuyển vào đại học, còn lại cứ để thi như cũ. Thi phải minh bạch, nghiêm ngặt, nhưng cũng phải thuận lợi. Cái gì thuận lợi nhất thì làm. Chúng ta xác định phải đổi mới không ngừng chứ không phải là đóng đinh ở đó, nhưng cũng đừng để như ai nói rằng chúng ta đang biến các cháu thành chuột bạch” - ĐB Quốc phát biểu.

Bộ trưởng Luận khẳng định, đổi mới phương án thi lần này hướng đến mục tiêu ngày càng rõ hơn, đó là đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, kết quả tin cậy.

Tuy nhiên, đây chưa phải phương án thi cho chương trình sách giáo khoa mới, mà chỉ là cho giai đoạn quá độ trên tinh thần đổi mới giáo dục. Vì vậy, những ý kiến đóng góp của ĐB Dương Trung Quốc và các ĐBQH sẽ được Bộ tiếp thu nghiêm túc, để việc đổi mới kỳ thi thành công.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật