Mở cửa thị trường lao động Asean 2015: Cơ hội song hành thách thức!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2015, khi cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức thành lập, thị trường lao động Việt Nam sẽ rộng mở hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ vẫn nhắc đến những lợi thế “truyền thống” như cần cù, chịu khó, ham học hỏi và giá rẻ thì chắc chắn chúng ta sẽ thua trên “sân nhà”.
Mở cửa thị trường lao động Asean 2015: Cơ hội song hành thách thức!
Nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế khi gia nhập AEC.

Lao động tay nghề cao chưa đủ

Khi chính thức thành lập, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Các chuyên gia cho rằng, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước.

Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu về đội ngũ lao động trong nước với các đặc điểm: cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ,… trong khi đó, yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn chưa bao giờ là ưu điểm. Ngoài ra, khi tham gia AEC, lao động ngoài việc giỏi chuyên môn còn cần có vốn ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC.

Khi AEC thành lập, trên thực tế chỉ cho phép luân chuyển lao động trong 8 ngành: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. So với toàn bộ cơ cấu nền kinh tế, lao động nhóm này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ (1%) tổng số lực lượng lao động. Cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ. Đương nhiên lao động ở các nước khác thuộc AEC cũng phải biết tiếng Việt mới vào cạnh tranh việc làm với lao động trong nước nhưng theo các chuyên gia, nếu chính người lao động trong nước không ý thức rõ “mối nguy” này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC.

Biến thách thức thành cơ hội

Ông Phú Huỳnh - chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, ngay bây giờ chúng ta phải tăng cường phát triển hệ thống giáo dục kỹ thuật và dạy nghề ở cấp trung học để tận dụng được những lợi ích của AEC đem lại.

Thực tế hiện nay tâm lý nhất định phải vào đại học đã ăn sâu vào đa số người dân nên chuyện tốt nghiệp phổ thông tìm trường nghề theo học là rất hạn hữu. Trong khi các trường nghề đang được đầu tư ngày càng nhiều hơn về trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa chương trình,… thì công tác tuyển sinh mỗi ngày thêm chật vật.

Về quản lý nhà nước, đến nay Bộ LĐTB&XH vẫn được Chính phủ phân công quản lý nhà nước về dạy nghề, còn trung cấp chuyên nghiệp, cũng là dạy nghề nhưng gọi là “giáo dục nghề nghiệp”, lại do Bộ GD&ĐT quản lý nhà nước. Chính vì phân tán đầu mối nên tất yếu phân tán nguồn lực. Dạy nghề được đầu tư từ ngân sách nhà nước với các chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển, hình thành nên sự bất bình đẳng xuất hiện ngay trong lòng hệ thống GD&ĐT trong việc hưởng lợi từ đồng tiền thuế của dân.

Ngoài ra, hiện việc xây dựng khung trình độ quốc gia do Bộ DG&ĐT và Bộ LĐTBXH phối hợp tổ chức, là cơ sở quan trọng để hội nhập ASEAN, thúc đẩy hợp tác giáo dục vẫn còn bỏ ngỏ sau rất nhiều hội thảo. Các chuyên gia cho rằng, với đà này, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ đi qua khi chúng ta chưa kịp biến thời cơ vàng thành lợi thế. Để nỗ lực phát huy nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập sâu rộng vào các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, “chìa khóa” phải được làm sớm và nhanh chóng mở cửa hội nhập.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật