Xăng dầu chưa có giá cạnh tranh thực sự

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh có thể lợi dụng biên độ để bắt tay làm giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Xăng dầu chưa có giá cạnh tranh thực sự
Người tiêu dùng chưa thể mua xăng, dầu với giá cạnh tranh thực sự. (Ảnh: KT)

Sau nhiều lần chỉnh sửa, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành, nhằm khắc phục những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua. Nghị định đưa ra một số điểm mới trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, được kỳ vọng là sẽ minh bạch công thức hình thành giá, quản lý chặt việc tăng, giảm giá…. qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi của 3 bên liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Một trong những điểm mới, đáng chú ý trong nghị định 83/2014, đó là doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá nếu giá cơ sở (gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức...) tăng 3%, mức này giảm nhiều so 7% được quy định trong Nghị định 84. Theo tính toán của một số doanh nghiệp đầu mối, mỗi lần tăng sẽ chỉ khoảng 500-600 đồng/lít, thay vì mỗi lần tăng tới khoảng 1.500 đồng/lít như trước đây.

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), xăng dầu được điều hành theo xu hướng giá thế giới, việc để doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá trong phạm vi 3%, thì đảm bảo giá linh hoạt theo thị trường, và cơ bản không còn tình trạng tăng giá mạnh, gây sốc cho nền kinh tế.

“Mức độ điều chỉnh 3% là hợp lý về mặt thị trường, giám sát và tổ chức bình ổn giá xăng dầu trên thị trường và đảm bảo theo giá quốc tế. Giá bình quân chỉ tính 15 ngày thay vì 30 ngày như Nghị định 84. Rõ ràng thay đổi này cho phép giá điều chỉnh bán lẻ tiệm cận giá thị trường, tránh độ trễ như trước đây. Nghị định mới cũng không khống chế tần suất giảm giá. Khi có điều kiện là giảm ngay không đợi 15 ngày. Nhìn chung, nghị định này là bước hoàn chỉnh về công tác quản lý điều hành xăng dầu”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, cơ chế điều hành giá xăng dầu cơ bản không khác nhiều so với nghị định 84, tức là vẫn phân chia 3 mức: Khi giá cơ sở tăng trong phạm vi 3%, doanh nghiệp đầu mối được tăng giá bán lẻ; Trường hợp giá cơ sở tăng vượt 3%-7%, doanh nghiệp đầu mối phải gửi đề xuất điều chỉnh giá tới liên Bộ Công Thương - Tài chính; Còn vượt trên 7%, liên Bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả - Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù biên độ tăng giá giảm xuống, song trong bối cảnh thị trường xăng dầu hiện còn doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, việc cho phép doanh nghiệp tăng giá xăng, dầu dưới 3% mà không cần đề xuất với cơ quan quản lý liệu có dẫn đến khả năng các doanh nghiệp bắt tay nhau cùng tăng giá?

Một câu hỏi khác được đặt ra là, với 13 doanh nghiệp đầu mối nhưng lại có doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như Petrolimex, liệu có doanh nghiệp đầu mối nào bán xăng, dầu rẻ hơn, hay doanh nghiệp lại "nhìn nhau tăng giá"? Người tiêu dùng chưa thể mua xăng, dầu với giá cạnh tranh thực sự.

“Việc sửa đổi Nghị định kéo dài tới trên 18 tháng. Cơ chế điều hành giá bản chất không thay đổi, vẫn theo hành chính khi phân thành 3 mức. Tuy nhiên trong khi còn 3 doanh nghiệp là Petrolimex, Saigon Petro và PVOil giữ vị trí thống lĩnh, dù biên độ hẹp mà để doanh nghiệp tự quyền quyết định, thì có thể doanh nghiệp lợi dụng biên độ này tăng giá để có lợi cho mình, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Khi giảm thì có thể giảm nhỏ giọt. Với cơ chế thế này thì đòi hỏi sự phối hợp, quản lý giám sát điều hành của Bộ Công Thương - Bộ Tài chính để doanh nghiệp tuân thủ theo đúng giá thị trường”, TS. Ngô Trí Long phân tích.

Mặc dù trong Nghị định mới quy định những điểm có lợi cho người tiêu dùng, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, thực tế việc tăng, giảm có minh bạch hay không còn phụ rất lớn vào điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Chẳng hạn, trường hợp giá thế giới giảm, Bộ Tài chính vẫn tăng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, thì sẽ làm mất cơ hội giảm giá cho dân. Liên quan đến quyền tự quyết giá của doanh nghiệp, dù là biên độ nhỏ, song cũng cần có cơ chế giám sát, và có chế tài cụ thể đối với trường hợp lạ‌m dụn‌g tăng giá bất hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu quy định trên được kiểm soát tốt động thái lên xuống giá, sẽ giảm bớt lạ‌m dụn‌g, tạo cơ chế tăng giảm linh hoạt…

“Tuy nhiên trong nghị định không nói rõ, nên trong thông tư cần bổ sung nguyên tắc quan trọng đó là khi điều chỉnh lên cần đảm bảo nguyên tắc yếu tố cấu thành giá cơ sở, chứ không phải doanh nghiệp muốn tăng là tăng, và không biến việc tăng này trở thành cơ hội để tạo lợi nhuận độc quyền cao. Trong thông tư cũng cần đưa ra các chế tài quy trách nhiệm để đảm bảo không có vi phạm. Đó là những điểm cần được làm rõ hơn trong thông tư hướng dẫn”, ông Phong chỉ rõ.

Thời gian tới, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sẽ cần thông tư hướng dẫn cụ thể. Một số ý kiến cho rằng, tới đây liên bộ Tài chính - Công Thương cần một thông tư liên tịch, tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn với nhau.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần quy định rõ chế tài xử phạt. Chẳng hạn, không chỉ truy thu những khoản tăng giá không hợp lệ hay lạ‌m dụn‌g tăng giá mà còn phải phạt gấp 3-10 lần, rút giấy phép kinh doanh, truy cứu Hình Sự hoặc cách chức các cá nhân liên quan trong kinh doanh xăng dầu…có như vậy mới đảm bảo thị trường xăng dầu vận hành theo sát thị trường, công khai, minh bạch

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật